Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 17.1, Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện sơ kết học kỳ I và thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 cấp THPT. Tại buổi sơ kết này, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức thu thập ý kiến đóng góp về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT.
Mẫu thu thập ý kiến đóng góp được chia thành các mục nhỏ để các trường đóng góp với phương thức đồng ý hoặc không đồng ý. Lựa chọn phương thức nào thì Hiệu trưởng các trường cũng đều phải đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá và lý do. Những ý kiến đóng góp sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội tổng hợp và họp bàn với một số trường THPT trước khi chuyển lên Bộ GD-ĐT.
Đồng thuận nhưng vẫn còn băn khoăn
Mặc dù không có tham luận trực tiếp tại buổi sơ kết về bản dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT nhưng chia sẻ với phóng viên, Hiệu trưởng nhiều trường đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương mới này. Song bên cạnh đó, vẫn còn những có những băn khoăn và mong muốn sẽ được điều chỉnh tối ưu hơn.
Thầy Tô Minh Tiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Tùng Mậu bộc bạch: “Tôi đánh giá cao đổi mới về thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Với cách làm này sẽ giảm áp ứng cho học sinh và tiết kiệm được chi phí tổ chức kì thi. Điều tôi còn băn khoăn nhất đó là nên chăng đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn”.
Cũng theo thầy Tiếp, nếu Ngoại ngữ chỉ lấy điểm khuyến khích sẽ không khác nhiều môn thi nghề khác để học sinh học lấy điểm cộng thi tốt nghiệp. Do đó, cần đưa môn này vào các môn thi tự chọn để học sinh, nhà trường phải cố gắng hơn trong dạy và học. Môn Ngoại ngữ cũng nên chuyển sang hình thức thi tự luận. Hiện nay với việc thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm thì dẫn đến nhiều học sinh sẽ chỉ tích bừa.
Hiệu trưởng của một trường THPT thuộc địa bàn huyện Thạch Thất bày tỏ: “Với việc cho học sinh chọn hai môn đồng nghĩa với việc phải làm đề thi cho cả 8 môn. Bên cạnh đó cách bố trí để phát đề thi ứng với sự lựa chọn của học sinh sẽ gặp nhiều phức tạp, khâu bảo mật đề thi cũng là vấn đề đáng để quan tâm”.
Ngoài những yếu tố về kỹ thuật, hiệu trưởng nhiều trường cũng bày tỏ sự lo lắng về tỷ lệ miễn thi cho các địa phương. Hiện nay với việc chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất ở các vùng miền là khác nhau nên nếu cào bằng tỷ lệ này ở các địa phương là rất nguy hiểm.
“Việc ra đề kiểm tra đánh giá học sinh ở mỗi trường là khác nhau. Chính vì thế chất lượng chưa chắc đã phản ánh hết được năng lực của học sinh. Nếu làm không khéo rất dễ phát sinh tiêu cực” - một hiệu trưởng tâm sự.
Khi tiếp nhận được những ý kiến lo lắng về việc cho học sinh lựa chọn 2 môn dẫn đến khâu tổ chức thi khó khăn, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Đối với giáo viên phổ thông thì đây là điều mới nên thấy lo lắng còn với những trường ĐH thì lại thấy rất bình thường. Có nhiều cách giải quyết khâu này. Chẳng hạn như, trong Hội đồng thi xác định sự lựa chọn của HS sau đó lọc tách ra từng môn và đánh số báo danh sau đó xếp phòng thi”.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì lại cho rằng, không nên lo lắng về phát sinh tiêu cực trong việc miễn thi. Việc chúng ta giao tỷ lệ học sinh được miễn thi tốt nghiệp cho các trường sẽ làm cho công tác đánh giá khách quan hơn. Nếu muốn xét được đúng thì bắt buộc việc đánh giá trong quá trình học phải đúng, nghĩa là phải xếp được anh hơn, anh kém. Chính điều này sẽ thúc đẩy việc kiểm tra đánh giá phải nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa, nhà trường buộc phải chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá chính xác bởi nếu không thì ngay trong nội bộ sẽ có thắc mắc. Như vậy vai trò giám sát của học sinh, phụ huynh, giáo viên của Hiệu trưởng nhà trường sẽ cao hơn.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các phương án miễn thi sẽ do các địa phương chủ động dựa trên hướng dẫn chung của Bộ, đó là hành lang pháp lí phải theo. Các Sở GD-ĐT gửi phương án để Bộ GD-ĐT giám sát, góp ý, Bộ không phải phê duyệt phương án cụ thể của từng địa phương.
Hà Nội sẽ không cào bằng tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp
Trong bảng thu thập ý kiến đóng góp về bản dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đưa ra hai phương án về lựa chọn miễn thi tốt nghiệp THPT. Phương án là tùy thuộc vào điều kiện từng trường, giao tỷ lệ cụ thể cho từng trường theo các tiêu chí: Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh… Phương án 2 đó là giao tỷ lệ miễn thi cho mỗi trường tối đa 20%.
Theo ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội thì dù theo phương án nào thì Hà Nội sẽ không cao bằng tỷ lệ miễn thi.
“Tỷ lệ 20% sẽ là tỷ lệ của TP chứ không phải tỷ lệ của từng trường và Sở GD-ĐT sẽ phải thành lập hội đồng xét duyệt danh sách này. Như vậy, chắc chắn sẽ có những trường có rất đông HS nằm trong đối tượng được miễn thi nhưng có không ít trường sẽ không có HS nào cả” - ông Hoan cho biết.
Cũng theo tính toán của ông Hoan, nếu Bộ GD-ĐT đồng ý tổ chức thi theo phương án 4 môn thì với gần 100.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT hàng năm Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 học sinh được miễn thi nếu thành phố xác định tỷ lệ là 20%. Nếu chỉ xét về số HS giỏi thì HS của Hà Nội có lẽ sẽ vượt con số này nên buộc phải kèm theo những tiêu chí ưu tiên khác với ưu tiên số 1 sẽ là HS có học lực giỏi 3 năm THPT cộng thêm giải cấp TP các môn văn hóa, cũng như các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, con em các gia đình chính sách...
Ông Hoan cũng cho rằng, trong kỳ thi, những em giỏi thường trở thành người mà một số em học lực yếu hơn dựa dẫm quay cóp. Nếu miễn thi cho những em học giỏi, các phòng thi sẽ mất đi những “hạt nhân” nòng cốt bắt buộc học sinh khác phải học. Bên cạnh đó, việc miễn thi này còn giúp cho nhà nước giảm chi phí tổ chức thi.
Nguyễn Hùng
Theo dantri.com.vn