Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vãn cảnh Thông Đàn

Cập nhật ngày: 13/05/2013 - 05:21
Am Ngọa Vân linh thiêng trên núi Bảo Đài (Đông Triều), nơi đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nhập niết bàn đêm 1-11-1308, từ nhiều năm nay đã trở thành nơi phật tử và khách du lịch hướng về.

Đến am Ngọa Vân theo con đường cổ là đi dọc suối phủ Am Trà, lên dốc Đô Kiệu, qua khu Thông Đàn rồi lên chùa.

Tháp Phụng Phật (tháp thờ Phật) và tháp Viên Mãn Chân Giác thiền sư (tháp mộ của thiền sư Viên Mãn Chân Giác) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII thời Lê Trung Hưng, trải qua thời gian và tác động của con người đã bị đổ vào những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 2012, đã được trùng tu, tôn tạo lại.

 

Trong 2 cây thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi sau vườn tháp thì 1 cây đã chết, cây còn lại thì gốc cũng đã bị cháy xém vì lửa đốt.

 

Cây thông cổ thụ là chứng tích của cả một thời kỳ lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của vùng đất linh thiêng Ngọa Vân và mang giá trị tâm linh đặc biệt.

Thông Đàn, cái tên này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn thông. Khi đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang được tấu lên. Từ xưa, các thiền sư đã lựa chọn nơi này để an táng sau khi viên tịch. Cũng giống như ở chùa Vân Tiêu bên Yên Tử (TP Uông Bí) có một nét phong thủy rất đặc trưng, đó là khối kiến trúc gồm một tòa tháp mộ của các thiền sư đều tọa giữa hai gốc cây thông cao vút. Các thiền sư đã giải thích: Sở dĩ vậy vì theo quan niệm của người phương Đông, tùng vốn là cây thiêng, sống lâu năm, có khả năng hút linh khí của trời đất, việc tọa thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư. Thêm một nguyên nhân nữa, theo kinh Phật, khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Kushinagar (Ấn Độ), ngài nằm ở giữa hai cây Ta la song thọ đang nở hoa trắng...

 

Những cây thông cổ thụ hiếm hoi còn lại ở phía trước và phía sau khu vườn tháp cổ.

Là điểm di tích trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, nơi đây đã từng là một rừng tháp quy mô lớn, gồm một khoảng sân rộng lớn với ba tầng rõ rệt, có đá lát, đá viền xung quanh. Thời gian, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và con người đã biến Thông Đàn trở thành bãi đá ngổn ngang và những gốc thông trơ trọi. Những cây thông cổ thụ còn lại chỉ là hiếm hoi.

Theo Báo Quảng Ninh