Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hiện nay, vai trò phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng được đề cao. Trong đó, hoạt động của Ban TTND (Ban TTND), Ban GSĐTCCĐ tại cấp xã (Ban GSĐTCCĐ), phường, thị trấn được xem như một kênh chống tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Thế nhưng, thời gian qua hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Công trình nâng cấp hẻm bê tông tại hẻm số 13, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Tây Ninh.
MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Ông Trần Lê Tuấn- Chủ tịch MTTQ phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ phường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp uỷ, UBND địa phương. Trong năm 2013 và 9 tháng năm 2014, Ban GSĐTCCĐ đã kịp thời phát hiện đơn vị thi công hẻm số 13 đường Trần Hưng Đạo đổ bê tông không bảo đảm chất lượng.
Ban đã có kiến nghị và đơn vị thi công đã tiếp thu, khắc phục, cho đổ bê tông lại đúng như thiết kế. Ngoài ra Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ thường xuyên giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các công trình xây dựng nhà đại đoàn kết... Nhờ thực hiện tốt công tác giám sát nên thời gian qua, các công trình xây dựng trên địa bàn phường không xảy ra vi phạm.
Theo bà Lê Thị Kiều Lý- PCT.MTTQ xã Tân Bình kiêm Trưởng Ban TTND xã thì thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát và phối hợp giám sát các vụ việc ở địa phương, vai trò của Ban thanh tra ngày càng được nâng lên. Các thành viên của Ban hoạt động nhiệt tình và tích cực trong công tác giám sát. Từ đó, hoạt động giám sát của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đã mang lại những kết quả nhất định.
Cụ thể vào năm 2013, trước dư luận của nhân dân địa phương, được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã, Ban TTND xã đã tiến hành xác minh việc cán bộ Tư pháp xã Nguyễn Tấn Tài có nhiều biểu hiện tiêu cực, gây mất niềm tin của nhân dân địa phương. Kết quả xác minh cho thấy ông Tài có nhận làm hồ sơ đất đai cho người dân để nhận tiền bồi dưỡng; vi phạm nguyên tắc thu, chi tài chính trong hoạt động hoà giải... Từ kết quả xác minh, Đảng uỷ, UBND xã đã xem xét xử lý ông Tài với hình thức khiển trách đối với đảng viên vi phạm.
Tại phường IV, thành phố Tây Ninh, Ban TTND cũng phát hiện Tổ quản lý chợ thu phí các tiểu thương nhưng không xé biên lai. Cụ thể vào tháng 3.2014, Ban TTND phường IV lên kế hoạch giám sát hoạt động Ban quản lý chợ phường IV về việc thu phí chợ. Kết quả xác minh, nhiều tiểu thương xác nhận có nộp phí nhưng không nhận được biên lai. Ban TTND đề nghị UBND phường giải quyết vụ việc nêu trên để bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Cuối cùng, UBND phường yêu cầu Tổ quản lý trật tự chợ phường IV khi thu phí phải cấp phát biên lai thu phí cho người nộp tiền theo đúng quy định kể từ ngày 1.6.2014.
Theo lãnh đạo UBMTTQ Thành phố, đến nay Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ 10/10 xã, phường của thành phố đã đi vào hoạt động ổn định. Trong năm 2013, cả 2 ban giám sát xây dựng được 164 công trình công cộng ở khu dân cư. Còn trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban TTND 10 xã, phường của Thành phố đã tổ chức giám sát được 113 cuộc với các nội dung như thực hiện nghị quyết của HĐND các phường, xã, việc khiếu nại tố cáo của công dân, việc quản lý sử dụng quỹ vì người nghèo, việc công khai tài chính của UBND xã, phường.
Riêng Ban GSĐTCCĐ các xã, phường, trong 6 tháng đầu năm 2014, đã tiến hành tổ chức giám sát được 113 cuộc với 90 công trình như làm đường giao thông nông thôn, xây tặng nhà đại đoàn kết, công trình công cộng ở khu dân cư, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, hẻm nội thị...
VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Tại Điều 5 Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18.4.2005 của Thủ tướng về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng quy định Ban GSĐTCCĐ được quyền: Yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp... kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hoá - xã hội, vệ sinh môi trường sinh sống của cộng đồng hoặc do chủ đầu tư không thực hiện công khai hoá về đầu tư theo quy định của pháp luật...
Trong thời gian qua, kết quả hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ tại các xã, phường của thành phố Tây Ninh đã phần nào mang lại hiệu quả cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, hiệu quả hoạt động của các ban này không đạt được như mọi người kỳ vọng.
Theo lãnh đạo UBMTTQ Thành phố thì hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ tại các xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù MTTQ xã, phường cơ cấu các thành viên đều bảo đảm đúng quy định, có nhiệt tình, có tâm huyết với công việc và có uy tín với nhân dân.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức về vai trò, chức năng của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chưa được đồng bộ; kinh phí hoạt động của mỗi Ban còn quá ít- chỉ có 2 triệu đồng/năm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặt khác, hoạt động của Ban TTND thường chạy theo sự vụ, sự việc, chủ yếu là tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu nại phát sinh ở cơ sở, chưa thể hiện vai trò chủ động giám sát của mình. Hoạt động của nhiều Ban TTND còn thụ động, chủ yếu thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND hoặc cấp uỷ địa phương.
Còn hoạt động của Ban GSĐTCCĐ cũng gặp không ít khó khăn. Trước tiên là do lãnh đạo các cơ quan liên quan chưa quan tâm, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban thực hiện công việc giám sát- cho dù địa phương nào cũng xác định hoạt động giám sát của Ban là nhằm góp phần hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực, thiếu sót trong thực hiện xây dựng các công trình tại địa phương.
Bên cạnh đó, các thành viên của Ban giám sát cũng không có kinh nghiệm, ít có người có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng nên việc giám sát các công trình xây dựng còn nhiều hạn chế. Mặc dù các thành viên Ban có được tập huấn về công tác giám sát, nhưng khi áp dụng thực tế lại không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Ban giám sát và UBND phường, xã chưa được chặt chẽ, dẫn đến còn thụ động trong việc xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể cho từng dự án đầu tư trên địa bàn...
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn nhận thấy thêm một trở ngại nữa là Trưởng Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ được cơ cấu là một phó chủ tịch MTTQ xã, phường nên “chưa đủ mạnh” trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Cũng có nơi, cấp uỷ, UBND xã, phường khi nhận được kiến nghị của Ban TTND đã không xử lý đến nơi, đến chốn- thậm chí còn có tâm lý bao che, sợ ảnh hưởng đến thành tích của địa phương, nhưng Trưởng Ban TTND, hoặc Ban GSĐTCCĐ vẫn không mạnh dạn đôn đốc xử lý.
Từ thực trạng trên cho thấy, hoạt động của các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
THẾ NHÂN