Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chính sách khuyến khích mua sắm máy móc nông nghiệp:
Vẫn chưa phát huy tác dụng
Thứ tư: 09:09 ngày 08/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn, trong đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất máy nông nghiệp. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm trên thị trường máy nông nghiệp chủ yếu vẫn là hàng ngoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Trưng bày máy kéo tại một cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng, Hoà Thành.

Máy móc ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường

Trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp được Nhà nước quan tâm hơn, nhằm đẩy nhanh tiến trình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Thị trường máy nông nghiệp hiện nay đa dạng chủng loại, gồm: máy làm đất, máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy)… Thị trường máy kéo và máy nông nghiệp có thể phân làm 3 loại chính là sản phẩm nội địa, sản phẩm Trung Quốc và sản phẩm cũ nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc…

Chị Mai- chủ cửa hàng nông ngư cơ ở khu phố 1, cửa 5 Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành cho biết: “Các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khá đa dạng- nhất là các sản phẩm nhập từ các nước phát triển qua đường chính thống”.

Qua khảo sát ở một số cơ sở kinh doanh cho thấy, hiện hàng ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường- từ sản phẩm đơn giản như máy cắt cỏ có giá vài triệu đồng đến các loại máy cày, máy gặt đập liên hợp trị giá hàng trăm triệu đồng. Trong đó, hàng Trung Quốc được nhiều người chọn mua bởi mẫu mã phong phú, tiện lợi và đặc biệt là giá rẻ. Chính vì thế mà ở các cơ sở kinh doanh, máy móc nông nghiệp nhập từ Trung Quốc chiếm đến 60%, còn máy móc đã qua sử dụng được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm khoảng 20%. Như vậy, dù trên sân nhà nhưng máy móc nông nghiệp do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm khoảng 20% thị trường mà thôi.

Theo đại diện cơ sở nông ngư cơ trên đường Tôn Đức Thắng, xã Long Thành Nam, nhiều loại máy móc mới do Việt Nam sản xuất không cạnh tranh nổi với các sản phẩm đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản. Bởi khi sản xuất theo hướng công nghiệp người ta cần máy móc hiện đại, quy mô lớn, trong khi hàng nội địa chủ yếu là các loại máy tự chế, sử dụng cho nông hộ như: máy bóc vỏ, máy tuốt, máy cắt… Thiết bị sản xuất ra không đáp ứng đúng yêu cầu của nông dân thì khó có thể chiếm lĩnh thị trường được.

Đã có chính sách khuyến khích, nhưng…

Để các máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước có thể chiếm lại được thị trường nội địa, cần phải có sự nỗ lực của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Mấy năm gần đây, Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy nông nghiệp trong nước sản xuất. Đây là chính sách không chỉ nhằm giúp cho nông dân có điều kiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mà còn giúp cho các cơ sở cơ khí trong nước có điều kiện phát triển khi sản phẩm có nơi tiêu thụ.

Khi gói vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, nhiều nông dân rất phấn khởi, bởi đây được xem là cơ hội tốt cho nông dân đẩy mạnh cơ giới hoá. Một số cơ sở sản xuất cơ khí cũng tăng cường sản xuất ra nhiều sản phẩm để “đón” dòng vốn của chính sách này. Tuy nhiên, qua mấy năm, thị trường máy móc nông nghiệp nội địa vẫn khá ảm đạm.

Máy nông nghiệp nhập khẩu bày bán ở một cửa hàng trong tỉnh.

Theo một số cơ sở kinh doanh, khoảng 2 năm trở lại đây, sức tiêu thụ các loại máy móc nông nghiệp chậm lại đáng kể, lượng khách hàng đến các cơ sở giảm hẳn. Nguyên nhân chủ yếu là giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh diễn biến thất thường theo hướng bất lợi cho nông dân, khiến thu nhập của nông dân giảm, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sức mua.

Chủ một cơ sở chuyên cung cấp máy nông nghiệp ở khu phố 1, Trung tâm thương mại Long Hoa cho biết: “Vài năm gần đây, tuy Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nhưng mức hỗ trợ không thể bù lại khoản thất thu từ giá cả biến động, nên nhiều hộ nông dân không “mặn” với việc mua sắm máy móc. Từ đó, có không ít người không quan tâm đến chính sách khuyến khích này”.

Thực tế hiện nay, do tình hình nông sản liên tục “rớt” giá khiến nông dân không dám đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp. Để sản phẩm máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất có thể mở rộng thị trường, Nhà nước cần giải quyết cái gốc của vấn đề- đó là ổn định về giá cả nông sản, chứ không dừng lại ở việc ưu đãi vốn vay.

THANH NHI

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục