Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018:
Vẫn còn không ít bất cập
Thứ hai: 09:47 ngày 24/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngoài những kết quả đạt được, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Nông dân xã Phước Vinh, huyện Châu Thành chăm sóc vườn rau.

Ðối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 36/80 xã (tỷ lệ 45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 44 xã còn lại, mỗi xã tăng ít nhất 2 tiêu chí so với năm 2017, bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã (tăng 1,2 tiêu chí so với năm 2017). Việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được triển khai tích cực, đạt kết quả khá tốt, làm thay đổi điều kiện sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Ða số công trình được đầu tư có quy mô phù hợp với yêu cầu, bảo đảm tiến độ, tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới, được đưa vào khai thác có hiệu quả. Ðối với lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tỉnh đã lồng ghép triển khai các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề sản xuất ở nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp như chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp những kiến thức cơ bản về sản xuất...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác chỉ đạo, triển khai ở một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn lúng túng. Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, có nơi, có lúc còn bị buông lỏng. Việc đánh giá thực trạng từng tiêu chí trên địa bàn và giải pháp thực hiện cho từng tiêu chí còn thiếu cụ thể.

Tình trạng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn khá phổ biến. Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là xã hội hoá nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng một số nơi còn yếu; sự chủ động tham gia của người dân cho công tác xây dựng nông thôn mới chưa cao. Công tác quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư chưa được quan tâm (giao thông, nước sạch).

Mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới có nơi chưa rõ nét, chưa tạo đột phá trong thu nhập của nhân dân. Một số mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Trong năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Các mục tiêu, chỉ tiêu chính của chương trình đã cơ bản đạt so với kế hoạch, góp phần vào chất lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Một số nội dung của chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính những hộ nghèo.

Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều bước đầu đã giúp xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó phản ánh toàn diện hơn tình trạng của hộ nghèo tại các địa phương, góp phần phân loại, quản lý đối tượng thụ hưởng các chính sách để hỗ trợ cho phù hợp.

Cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn còn những mặt hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo chưa chặt chẽ, không phát hiện kịp thời và xử lý những bất cập, sai sót dẫn đến kết quả điều tra có nơi chưa sát thực tế. Một bộ phận hộ nghèo có tâm lý không muốn thoát nghèo, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có hiện tượng “tách hộ” để được xét hộ nghèo, trong khi địa phương quản lý chưa chặt chẽ nên cũng ảnh hưởng đến kết quả rà soát hộ nghèo.

Việc xác định hộ nghèo vĩnh viễn một số địa phương thực hiện chưa đúng. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, cụ thể như lựa chọn dự án phù hợp đối tượng theo hướng đa dạng hoá sinh kế còn chưa sát. Một số mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, có những mô hình không phù hợp nên không thể duy trì, nhân rộng thoát nghèo bền vững.

Trong hai chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, giảm nghèo là một chủ trương, chính sách giành được sự quan tâm đặc biệt. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hồi tháng 4.2017, Sở LÐ-TB&XH- cơ quan thường trực thuộc Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh.

Có nhiều vấn đề nổi lên tại đợt kiểm tra, phúc tra này. Trong số đó có chuyện nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo lâu nay vẫn “kiên trì” một lối suy nghĩ ỷ lại, kiểu để cho “Ðảng và Nhà nước lo”. Tâm lý ỷ lại, trông chờ đã được đề cập đến từ nhiều năm nay, nhưng tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Ðiều đáng nói, trong số những người trông chờ vào chính sách, không phải ai, gia đình nào cũng thuộc diện neo đơn, tàn tật, tuổi cao, sức khoẻ yếu. Có không hiếm trường hợp còn sức lao động, tuổi cũng chưa cao nhưng vẫn nằm trong diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. 

Cá biệt, có trường hợp cả năm mẹ con đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thật ra, khoản tiền hỗ trợ cho từng hộ không lớn, nhưng điều đáng nói ở đây là những hộ này chưa phải khó khăn tới mức không trả nổi tiền điện sinh hoạt hằng tháng. Tương tự, dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng số lượng người thuộc diện hộ nghèo tham gia dịch vụ này rất thấp.

Tiền chi ra nhiều, nhưng số lượng hộ nghèo, cận nghèo chẳng giảm được bao nhiêu, thậm chí, có nơi còn tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chủ trương giảm nghèo bền vững chưa đạt hiệu quả như trông đợi, trong đó phải kể đến hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng manh mún. Hầu hết các khoản tiền hỗ trợ đều có tính chất “cho không”, trong khi đúng ra cần hạn chế điều này. Thứ hai, nhiều hộ nghèo, cận nghèo lười lao động, tìm mọi cách để tiếp tục lọt vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của địa phương.

Nhiều cuộc tổng điều tra, rà soát, phúc tra hộ nghèo đã cho thấy một hiện tượng: nhiều người nghèo không chịu lao động, không tham gia các lớp học nghề. Có trường hợp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất nhưng sau một thời gian lại trở về con số không.

Ðiều đáng buồn là có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo mà chủ hộ đang là thanh niên, tức độ tuổi lao động sung sức nhất. Hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo là đúng, nhưng cần nhìn lại, hàng loạt chính sách giảm nghèo của cả trung ương lẫn địa phương đã phát huy tác dụng đến đâu?

Mới đây nhất, tháng 9.2018, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp để nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về công tác rà soát hộ nghèo và chính sách giảm nghèo. Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cập trong công tác giảm nghèo. Có nhiều hộ vẫn còn cơ hội thoát nghèo nhưng lại liệt vào diện hộ nghèo vĩnh viễn. Chính sách giảm nghèo tuy nhiều nhưng lại thiếu tập trung, dàn trải.

Có ý kiến bình luận, mặc dù cùng thuộc diện hộ nghèo nhưng mức sống, điều kiện kinh tế của từng hộ, từng địa phương có sự chênh lệch khá rõ, tức hộ nghèo của địa phương này có thể khấm khá hơn hộ nghèo địa phương khác. Cũng có ý kiến đề nghị Sở LÐ-TB&XH tổng kết, rà soát lại các chính sách và tác động của từng chính sách đối với công tác giảm nghèo…

Riêng Chương trình xây dựng nông thôn mới, mặc dù mục đích tốt đẹp nhưng quá trình thực hiện cũng cho thấy nhiều bất cập như tính hình thức, hiệu quả thực chất không cao như trông đợi.

Ð.V.T

Tin cùng chuyên mục