Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Vẫn còn không ít hộ lén lút phá bỏ rừng trồng
Thứ bảy: 08:32 ngày 30/04/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2010, các lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và lập biên bản gần 30 trường hợp phá rừng và trong quý I năm 2011 tiếp tục phát hiện thêm 8 trường hợp.

Ở Tây Ninh, từ khi triển khai thực hiện Dự án 661 trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ rừng được đánh giá là tương đối tốt. Thế nhưng công tác trồng rừng thì nhiều năm qua thực hiện hết sức khó khăn. Chỉ có 2 năm gần đây, khi toàn tỉnh quyết liệt triển khai Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao, chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để chuyển sang trồng rừng thì diện tích trồng rừng mới đạt kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua điều đáng băn khoăn là chẳng những diện tích rừng trồng đạt thấp mà còn bị thiệt hại do có một số hộ dân tự phá bỏ.

Quá trình hơn 10 năm thực hiện Dự án 661 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho thấy việc triển khai công tác trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Từ năm 1999 đến năm 2007 hầu như năm nào cũng không đạt kế hoạch trồng rừng. Cụ thể trong năm 1999, năm đầu tiên triển khai Dự án 661, kế hoạch trồng mới rừng các loại ở Tây Ninh là 600 ha và cuối năm thực hiện chỉ đạt 85% (512 ha). Năm 2000, kế hoạch trồng mới rừng được nâng lên 700 ha, nhưng lại thực hiện thấp hơn năm trước, chỉ được 431 ha- đạt 61% kế hoạch. Liên tiếp các năm 2001, 2002, 2003 kế hoạch trồng mới rừng được nâng lên 1.000 ha mỗi năm, nhưng cũng không năm nào thực hiện đạt, năm cao nhất chỉ đạt 69% kế hoạch. Nhận thấy càng về sau tình hình thực hiện nhiệm vụ trồng mới rừng càng khó khăn, nên ngành chức năng tham mưu giảm diện tích trồng mới rừng trong năm 2004 và 2005 xuống còn 800 ha, năm 2006 tiếp tục giảm còn 650 ha, năm 2007 còn 250 ha, năm 2008 chỉ còn 200 ha... nhưng hầu hết đều thực hiện không đạt kế hoạch. Giữa năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 875 về giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để chuyển sang trồng rừng. Kết quả trong 2 năm 2009 và 2010, diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh tăng “đột biến”- đạt trên 1.000 ha. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và ban quản lý các dự án rừng trên địa bàn tỉnh.

Đất đã trồng cây rừng nhưng một số cây bị phá bỏ

Tuy nhiên, trong thực tế chẳng phải tất cả các hộ đã thực hiện trồng rừng đều tận tâm chăm sóc cây rừng, mà nhiều năm qua, không năm nào không xảy ra tình trạng hộ trồng rừng tự tìm cách phá bỏ cây rừng mà mình đã trồng bằng nhiều cách. Gần đây nhất, năm 2010, theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, các lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và lập biên bản gần 30 trường hợp phá rừng và trong quý I năm 2011 tiếp tục phát hiện thêm 8 trường hợp phá rừng trồng. Đó là những trường hợp phá rừng trồng “lộ liễu” bị phát hiện lập biên bản, thực tế vẫn còn không ít trường hợp phá rừng một cách tinh vi hơn và không hề bị lập biên bản. Theo phản ánh của các đơn vị chủ rừng, trong những năm gần đây và hiện nay có không ít hộ buộc phải chuyển cây trồng không đúng mục đích sang trồng cây rừng đã áp dụng “biện pháp” phá rừng khác là mé trụi nhánh cây rừng, chỉ chừa le hoe vài lá đọt để tạo khoảng không trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày. Những cây rừng bị mé trụi nhánh vẫn còn sống nên không thể ghép vào hành vi phá rừng. Thế nhưng khi bị mé trụi nhánh như vậy cây rừng luôn èo uột, không thể phát triển được.

Đặc biệt là trong thời gian gần đây ở một số dự án rừng đã xảy ra tình trạng đáng báo động là “mướn người khác vào phá rừng trồng của mình”. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo 1070 được tổ chức và đầu tháng 4 vừa qua, Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, ở đây đã xảy ra một số vụ chủ hộ trồng rừng mướn “lâm tặc” vào hạ cây rừng trên diện tích mình nhận khoán. Đến nay tổng diện tích bị phá theo kiểu này lên đến hơn 5 ha. Sở dĩ Ban quản lý biết được là do thông tin từ các hộ dân, thế nhưng do không có đủ chứng cứ nên không thể “khép tội” cho chủ hộ trồng rừng được.

Vấn đề đã từng đặt ra và hiện nay vẫn tiếp tục được đặt ra là: “vì sao hầu hết các hộ dân đều không muốn tham gia trồng rừng và trong đó có nhiều hộ đã trồng rừng thì lại tìm cách để hạn chế cây rừng phát triển? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do mô hình trồng rừng đã và đang được áp dụng không thể tạo được cuộc sống ổn định cho người dân nhận khoán trồng rừng. Cụ thể là thực hiện việc trồng rừng theo mô hình và quy trình thu hoạch theo quy định từ trước đến nay, hộ trồng rừng thu nhập rất thấp so với trồng các cây khác. Do đó mà việc lén lút phá bỏ rừng trồng vẫn tiếp tục xảy ra- cho dù các lực lượng bảo vệ rừng xử lý nghiêm khắc khi phát hiện. Từ đó mà cũng có ý kiến đề xuất các ngành chức năng cần phải quan tâm, nghiên cứu và điều chỉnh mô hình trồng rừng và quy trình khai thác sao cho thu nhập người trồng rừng được nâng cao. Lúc đó chắc chắn tình trạng lén lút phá bỏ rừng trồng sẽ giảm.

Sơn Trần

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục