Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất:
Vẫn còn nhiều bất cập
Thứ sáu: 04:30 ngày 02/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao do vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết.

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả cao (ảnh minh hoạ).

Bản báo cáo chưa tạo được niềm tin

Tây Ninh có 20 xã biên giới được thụ hưởng Chương trình 135, hằng năm, mỗi xã được hỗ trợ 900 triệu đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và 300 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương phát triển sản xuất. Hình thức hỗ trợ là cấp con giống bò, dê, heo, gia cầm, hỗ trợ một số thức ăn hoặc mua máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp...

Tại phiên giải trình của ngành chức năng với Thường trực HĐND tỉnh về nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, diễn ra vào trung tuần tháng 4.2017, ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)- cơ quan thường trực Chương trình 135 cho biết, năm 2015, toàn tỉnh triển khai 17 dự án hỗ trợ cho 882 hộ ở 15 xã; đã hỗ trợ 55 con bò, 1.141 con heo, 8 con dê, 7.107 con gà. Kết quả, từ số bò, dê trên đã sinh sản thêm được 40 con bê, 4 con dê con; số heo đã chết là 44 con, còn lại đã bán thu lời khoảng 1 triệu đồng/con; số gà đã chết là 2.024 con.

Năm 2016, tiếp tục triển khai 21 dự án cho 20 xã (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng thực hiện 2 dự án); đã hỗ trợ 84 con bò (nuôi theo hình thức nhóm hộ), đang trong giai đoạn sinh trưởng, 1.450 con heo (có 99 con bị chết, số còn lại bán lỗ do giá thức ăn cao, giá heo hơi thấp); hỗ trợ 5.410 con giống gia cầm, bán được 4.570 con, trung bình 1,5kg/con, tổng số tiền bán gà là 548 triệu đồng; hỗ trợ 76 máy phun thuốc trừ sâu cho 76 hộ; hỗ trợ tiền thức ăn… với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng.

Nhìn chung, việc thực hiện chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho bà con nhân dân của 20 xã biên giới.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Hùng- Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, hiệu quả chưa cao. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Lý- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng, Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thì tốt, nhưng việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo ở các xã biên giới hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhận định: “Báo cáo của Sở NN&PTNT chưa tạo được niềm tin”. Bởi qua đi thực tế, người dân đánh giá chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất không có hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét: “Tôi thấy đây chỉ là tổng hợp báo cáo từ cấp dưới báo lên, mà chưa có sự thẩm tra. Mặc dù báo cáo là nuôi heo lãi 1 triệu đồng/con, nhưng quan trọng là sau khi thực hiện chương trình này, những hộ thụ hưởng chương trình tăng được thu nhập cỡ bao nhiêu và có bao nhiêu người thoát nghèo? Nếu có lãi thì số hộ tái đàn là bao nhiêu? Trong tổ chức thực hiện, việc lấy ý kiến, tham khảo ý kiến người dân về các mô hình chưa làm sâu, nên khi triển khai, người dân thực hiện không tốt, không đạt yêu cầu…”.

Ông Nguyễn Thái Sơn thừa nhận số liệu báo cáo là tổng hợp từ các phòng Nông nghiệp huyện báo cáo lên. Sắp tới, Sở sẽ kiểm tra, đánh giá từng mô hình và tìm ra nguyên nhân, giải pháp. Mô hình nào không phù hợp sẽ loại bỏ. Bên cạnh đó, sẽ xem xét hoàn cảnh của từng đối tượng để có sự hỗ trợ phù hợp.

Tiền còn nhưng không thể tiêu

Theo quy định, hộ nghèo và hộ cận nghèo ở 20 xã biên giới sẽ là đối tượng chính được thụ hưởng Chương trình 135 về phát triển sản xuất. Hộ nghèo (người dân tộc Kinh) được hỗ trợ tối đa với số tiền 5 triệu đồng, hộ nghèo (người dân tộc thiểu số) được hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng; còn hộ cận nghèo (người dân tộc Kinh) được hỗ trợ 4 triệu đồng và hộ cận nghèo (người dân tộc thiểu số) được hỗ trợ 5- 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, số lần hỗ trợ là bao nhiêu chưa được hiểu thống nhất- 1 lần/hộ/năm, hay 1 lần/hộ/mô hình, hay 1 lần/hộ/cho cả giai đoạn, hay là chỉ hỗ trợ mỗi hộ duy nhất 1 lần… Vì chưa có sự thống nhất nên việc thực hiện ở các địa phương là khác nhau. Điển hình như ở huyện Bến Cầu, năm 2015, toàn huyện chưa giải ngân được nguồn vốn 1,5 tỷ đồng; năm 2016 còn lại 93 triệu đồng không thể giải ngân.

Như vậy, chỉ trong 2 năm (2015 và 2016), huyện Bến Cầu còn gần 1,6 tỷ đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất không giải ngân được. Nguyên nhân vì hộ nghèo chỉ được hưởng một lần, giải ngân nữa là sai quy định. Do vậy, tiền còn nhiều, nhưng hộ nghèo, cận nghèo không thể “xài” được.

Một vấn đề nữa là mức hỗ trợ. Theo Thông tư liên tịch số 68 ngày 21.5.2013 giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH, mức hỗ trợ tối thiểu 7 triệu đồng/hộ dân tộc thiểu số và 5 triệu đồng/hộ người Kinh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định mức hỗ trợ cao hơn cho phù hợp với từng mô hình.

Nhiều đại biểu thắc mắc: một số địa phương khác, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ đối với mua bò, trâu và 15 triệu đồng đối với mua công cụ sản xuất, tại sao Tây Ninh không hỗ trợ cao hơn để các địa phương giải ngân hết nguồn vốn cho dân nghèo?

Nhiều mô hình chưa hiệu quả

Đại biểu Mai Văn Hải nhận định, sau nhiều năm thực hiện, nhưng chúng ta vẫn chưa đánh giá được hiệu quả của các mô hình hỗ trợ ở các địa phương, để từ đó nhân rộng hoặc rút kinh nghiệm. Trong chăn nuôi, chỉ có nuôi trâu, bò là hiệu quả, nhưng lại gặp khó khăn do thực hiện mô hình này phải có số tiền lớn; còn các mô hình chăn nuôi gà, vịt, heo, cá… chưa hiệu quả.

Đại biểu Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh cho rằng, mô hình hỗ trợ đưa ra lựa chọn còn ít, chỉ nuôi bò, gà, heo, hỗ trợ máy phun thuốc, máy gặt đập... Bên cạnh đó, nhận thức của người thụ hưởng mô hình chưa cao. Có người không muốn vào nhóm lồng ghép để mua bò, mua máy móc, mà muốn hưởng cá nhân. Chính quyền địa phương lại không có giải pháp tháo gỡ.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần có đánh giá hiệu quả mô hình ở từng địa phương, không thể áp dụng hỗ trợ mô hình hiệu quả của Tân Biên cho Châu Thành và ngược lại, bởi mỗi nơi có đặc thù khác nhau.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đánh giá, thực hiện Chương trình 135 là vấn đề của cả hệ thống chính trị, nhưng thời gian qua, sự phối hợp giữa các ngành chức năng tỉnh và các địa phương chưa tốt. Mặt khác, xã không lấy ý kiến người dân khi thực hiện mô hình. Nhiều địa phương cứ cho rằng đây là chương trình của Trung ương và của tỉnh nên cứ ngồi chờ, tỉnh hướng dẫn sao làm vậy, không có sự chủ động tìm các nguồn khác lồng ghép... do vậy, hiệu quả chương trình chưa cao.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhận định, qua báo cáo của các ngành chức năng, hầu hết là giao khoán cho các xã thực hiện chương trình, còn các ngành chức năng tỉnh thì chỉ quản lý chung theo báo cáo, chứ chưa giám sát, chưa đánh giá được thực trạng như thế nào.

Sở NN&PTNT chưa đánh giá được kết quả thực hiện. Sở KH&ĐT mới phân bổ nguồn vốn, còn việc sử dụng vốn như thế nào nắm chưa chắc. Đặc biệt là Sở Tài chính, trong khâu hướng dẫn, lập dự án, phân bổ vốn cho dự án, thẩm định dự án và thanh, quyết toán cũng chưa chặt chẽ. “Cần giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình”- ông Tâm đề nghị.

Giải pháp nào để phát huy hiệu quả?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Lý, cấp tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp để “sao cho một đối tượng mà nhiều tổ chức chăm lo”. Về thể chế, cơ chế, nếu Trung ương đưa xuống không phù hợp, phải kiến nghị để sửa đổi, bởi cơ sở là nơi kiểm nghiệm chủ trương, chính sách ở trên đưa về. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân trong phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo.

Một số đại biểu khác đề nghị, không nên bó hẹp ở hỗ trợ một vài vật nuôi, máy móc thiết bị, mà nên mở rộng các mô hình hỗ trợ để có hiệu quả hơn; cần hỗ trợ xuyên suốt, cấp giống, tiêm phòng, tư vấn kỹ thuật… chứ hỗ trợ “một lần” không hiệu quả; Sở NN&PTNT nên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xem xét những mô hình nào hiệu quả để hướng dẫn cho bà con nông dân, không thể để cho xã tự bơi, vì họ không đủ năng lực xây dựng mô hình dự án; việc hỗ trợ phải lồng ghép chương trình, dự án khác...

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tổ chức đánh giá toàn diện, chính xác tình hình thực hiện Chương trình 135 trong thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm 2015, 2016; từ đó chọn ra cách thức, mô hình sản xuất thực sự hiệu quả để rút kinh nghiệm triển khai trong thời gian tới.

Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền UBND tỉnh liên quan đến triển khai chương trình, làm cơ sở để tổ chức thực hiện nguồn vốn phân bổ hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo trong năm 2017. Phải hết sức khẩn trương để kịp thời trình HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm để làm cơ sở triển khai.

HUY LIỆU

Tin cùng chuyên mục