BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em:

Vẫn còn nhiều điều chưa làm được

Cập nhật ngày: 03/06/2016 - 10:09

Niềm vui của trẻ em khi được nhận quà.

Qua việc rút ngắn các tiêu chí như nói trên, cho đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em! Để bảo đảm và duy trì các tiêu chí này, nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, giúp trẻ em có điều kiện đến trường, dành cho trẻ em những hoạt động vui chơi trong các dịp lễ, tết, nghỉ hè.

Đạt mà vẫn thiếu        

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng LĐ-TB&XH) huyện Bến Cầu, toàn huyện này có 16.896 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 173. Trong những năm qua, công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em luôn được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ trẻ em cũng như các biện pháp phòng chống những hành vi vi phạm quyền trẻ em được triển khai sâu rộng. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chú trọng thực hiện. Trẻ em thuộc diện hộ nghèo, tàn tật được giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết, được miễn giảm học phí theo đúng quy định, được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng đầy đủ. Công tác tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được đẩy mạnh thực hiện. Kết quả, đến nay có 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bến Cầu đạt xã, phường phù hợp với trẻ em, góp phần tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em ở địa phương.

Cũng theo Phòng LĐ-TB&XH Bến Cầu, từ đầu năm đến nay đã có 5/9 xã trên địa bàn huyện thành lập câu lạc bộ (CLB) quyền trẻ em. Trong tháng 6 này, toàn bộ 9/9 xã, thị trấn sẽ cho ra mắt CLB quyền trẻ em và tất cả đều bắt đầu đi vào hoạt động. Mỗi CLB có 20 thành viên là trẻ em từ 10-16 tuổi có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Mục đích của CLB là tổ chức các hoạt động phong phú và bổ ích giúp trẻ em được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng sống để có thể tự bảo vệ mình, nâng cao nhận thức của chính bản thân các em về quyền của trẻ em. 

Cũng thuộc địa bàn biên giới như Bến Cầu, huyện Tân Châu có 31.721 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 325 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV…). Thời gian qua, sự phối hợp của nhiều ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã tỏ ra có hiệu quả. Đến nay, Tân Châu đã cấp hơn 12.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi. Trong năm 2015, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98%, trẻ lớp 1 đạt 100% và 100% học sinh được công nhận hoàn thành tiểu học; tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS có giảm so với trước.

Huyện Tân Châu đã thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong các dịp lễ, tết, các cấp, ngành cũng đã tổ chức thăm, tặng quà cho các em với số tiền hàng trăm triệu đồng; ngoài ra, còn trao học bổng, trao xe đạp hỗ trợ học sinh nghèo đến trường. Hằng năm, trong Tháng Hành động vì trẻ em hoặc Tết Trung thu, Tân Châu đều có tổ chức các hoạt động cho trẻ em tham gia vui chơi, sinh hoạt. Trong công tác kiểm tra, đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cuối năm 2015, 12/12 xã, thị trấn đều đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, trong công tác thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề đáng băn khoăn.

Các tiêu chí về khu vui chơi, giải trí cho trẻ em ở các xã, phường, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa thường thiếu thốn. Việc tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia các diễn đàn, CLB quyền trẻ em cũng khó thực hiện. Nhiều nơi, trẻ chỉ được tham gia các diễn đàn mỗi năm một lần vào tháng hành động, hoặc dịp lễ, tết.

 Xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em nhiều năm qua. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu đều cơ bản đạt theo quy định. Mặc dù được công nhận là xã phù hợp với trẻ em trong nhiều năm liền song Phước Ninh hiện vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Chị Võ Thị Ánh Thuỳ- cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH của xã cho biết, Phước Ninh đang thiếu khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Địa phương cũng không có công viên để trẻ em sinh hoạt văn hoá, thể thao… vào thời gian rảnh rỗi. Các dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, trẻ em trong xã chỉ được ba mẹ chở đi… ăn vặt. Ai có điều kiện thì đưa con em ra thị trấn Dương Minh Châu hoặc đến thành phố Tây Ninh, các em mới có thể chơi các trò chơi giải trí. Thỉnh thoảng trong xã lại có những đoàn hội chợ đến hoạt động và nhanh chóng được người dân, nhất là trẻ em trong xã hưởng ứng nhiệt tình.

Về công tác tổ chức các hoạt động rèn luyện thể chất cho trẻ, trên địa bàn xã Phước Ninh hiện chỉ có mỗi lớp võ dành cho thiếu nhi. Khó khăn này thường xuyên được chị Thuỳ đề cập trong các báo cáo tổng kết năm. Theo chị Thuỳ, việc xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ khó thực hiện do thiếu nguồn kinh phí và thiếu nguồn nhân lực cho công tác này.         

Tại xã Tân Đông (huyện Tân Châu)- một xã vùng xa biên giới, nhiều năm qua công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm thực hiện. Xã này có đặc điểm đáng chú ý là trẻ em người dân tộc thiểu số chiếm đến 26,84% (trong số trẻ em dưới 16 tuổi của toàn xã); các em thường được thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết. Tân Đông có 5 trường hợp trẻ bị nhiễm HIV, địa phương đã hoàn tất hồ sơ và cấp trợ cấp hằng tháng cho các em khi gia đình có yêu cầu. Trong năm 2015, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao dành cho thiếu nhi đã được thực hiện. Trên địa bàn xã có 5 tủ sách với 150 đầu sách dành cho trẻ em. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Cường- cán bộ LĐ-TB&XH xã thì hiện tại địa phương còn thiếu khu vui chơi cho trẻ em. Việc tổ chức cho trẻ tham gia CLB, toạ đàm về quyền trẻ em còn rất ít vì thiếu nhân lực; ngành chức năng thường chỉ phối hợp với Xã đoàn tổ chức các hoạt động này trong các dịp lễ, tết hay các tháng hành động dành cho thiếu nhi. Đây là tiêu chí khó không chỉ riêng với xã Tân Đông mà còn với hầu hết các địa phương khác trong toàn huyện. Theo thông tin có được, toàn huyện Tân Châu chỉ có Thị trấn và hai xã Thạnh Đông, Suối Ngô là có điểm vui chơi, sinh hoạt cho thiếu nhi (hai xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng).

Trẻ em cần nhiều hơn thế

Ở Bến Cầu, trong hai năm 2014 và 2015, hầu như các xã, thị trấn trong huyện đều chưa có mô hình câu lạc bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nào được triển khai và chưa tổ chức được nhiều diễn đàn lắng nghe ý kiến của trẻ em. Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện này cho biết, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong khi kỹ năng chuyên ngành còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em lại hạn hẹp, nên rất khó để các địa phương vùng sâu, vùng xa có thể triển khai các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các hoạt động diễn đàn có đông đảo trẻ em tham gia. Huyện nông thôn biên giới nên cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó việc thực hiện tiêu chí số 14 (về điểm vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em) cũng là một trong những tiêu chí gây khó khăn không nhỏ cho các xã, thị trấn. Để thực hiện tiêu chí này, trong những năm qua, huyện Bến Cầu đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hoá, sân bóng đá và nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện tuyến xã để phục vụ trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí thật sự dành cho trẻ em, các hoạt động vui chơi chỉ được tổ chức nhân các dịp lễ, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Đến thăm một số thư viện xã có thể nhìn thấy sự vắng bóng hoàn toàn trẻ em, còn ở thư viện huyện, số lượng trẻ em đến đây đọc sách báo cũng rất ít. Đại diện Phòng LĐ-TB&XH nhìn nhận: hoạt động văn hoá ở các xã còn diễn ra theo “thời vụ”, chưa thường xuyên, các đầu sách ở các thư viện cũng chưa thật phong phú nên chưa thu hút được trẻ em.

Chị Nguyễn Ngọc Lan, ngụ ở xã Tiên Thuận chia sẻ: con chị năm nay học lớp 5, vào những ngày hè chị cũng muốn cho con được vui chơi, giải trí sau một thời gian dài học hành căng thẳng. Nhưng ở Bến Cầu không có điểm vui chơi nào cho trẻ, muốn dẫn con đi chơi xa thì chị lại không có thời gian. Nên dịp hè, chị đành chọn cách cho con… học thêm, kẻo ở nhà nó cứ  dán mắt vào ti vi hoặc trò chơi điện tử. 

Một thực tế là ở nhiều nơi, trẻ không có điểm vui chơi hợp lý trong khi phụ huynh các em lại có ít thời gian quản lý con em mình, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, tình trạng trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật, sa vào ma tuý hoặc bị xâm hại vẫn diễn ra. Theo số liệu báo cáo từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an Tây Ninh: đến hết năm 2015, trong tổng số người sử dụng ma tuý trái phép trên địa bàn tỉnh có 79 người dưới tuổi 16. Trên địa bàn huyện Tân Châu trong năm 2015 có 5 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, 71 trẻ em vi phạm pháp luật (như tham gia các hành vi gây rối đánh nhau, trộm cắp tài sản) trong đó có 36 em tuổi từ 16 trở xuống.

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ là nhằm hạn chế tình trạng trẻ bị tổn hại, bảo vệ quyền lợi vui chơi, giải trí, học hành cho các em. Tuy nhiên, nhiều năm qua những khó khăn tồn tại trong công tác này cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Theo đề xuất của chị Ánh Thuỳ, cán bộ phụ trách ngành LĐ-TB&XH xã Phước Ninh thì cần có những điểm vui chơi phù hợp cho trẻ, tốt nhất là ở mỗi ấp nên có một điểm để giải quyết nhu cầu của trẻ.

Thiết nghĩ, việc tham gia của chính quyền, đoàn thể, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các địa phương cần quyết liệt hơn thì mới bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc tốt, đúng thực chất, không phải chỉ theo “thời vụ” như thời gian qua. Người lớn cũng cần biết lắng nghe trẻ em nhiều hơn để thấu hiểu hơn về nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và đáp ứng chứ không đơn thuần là để thực hiện… chấm điểm, đánh giá theo quy định.

Nhóm PV VHXH