BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vẫn còn nhiều ghe nhủi hoạt động trong hồ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 22/09/2021 - 20:24

BTNO - Vừa qua, Hệ thống thông tin 1022 tỉnh Tây Ninh tiếp nhận ý kiến cử tri phản ánh vẫn còn nhiều ghe nhủi hoạt động trong hồ Dầu Tiếng.

 

Người điều khiển ghe nhủi hạ càng có gắn lưới dầy xuống mặt nước rồi nổ máy cho ghe tiến về phía trước để bắt cá

Ý kiến người dân nêu: Dù đã được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính, nhưng ghe nhủi- một loại phương tiện đánh bắt cá có tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản vẫn hoạt động trong hồ Dầu Tiếng.

Những chiếc ghe nhủi thường tập trung trong lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn xã Phước Ninh và xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu. Loại ghe này có lưới giăng phía trước, khi đánh bắt sẽ thu gom nhiều loại cá, vi phạm quy định về sử dụng phương tiện khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng.

Cử tri kiến nghị Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công an quản lý hồ nước; Đội Cảnh sát đường thủy- Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Ghi nhận vào chiều 18.9, có một vài ghe nhủi hoạt động trên mặt hồ. Không rõ những phương tiện đánh bắt thủy sản này xuất phát từ đâu, nhưng hoạt động gần bờ đảo Nhím (ấp Phước Lợi, xã Suối Đá). Sáng 20.9, có ít nhất 3 chiếc ghe nhủi đang hoạt động. Hiện nay, vào mùa mưa, hầu hết các loại cá trong hồ Dầu Tiếng đang thời kỳ sinh sản, đánh bắt cá vào thời điểm này là thiệt hại kép cho môi trường sinh thái.

Liên quan đến ý kiến phản ánh của cử tri, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trả lời, Hồ Dầu Tiếng có diện tích 27.000 ha, nằm trên địa bàn quản lý của 3 tỉnh. Trong đó, diện tích thuộc quyền quản lý của tỉnh Tây Ninh khoảng 18 ngàn ha, có nhiều eo, ngách.

Sản lượng thủy sản khai thác trong hồ Dầu Tiếng trên 3 ngàn tấn/năm với các loại thủy sản nước ngọt bản địa và một số loài được thả bổ sung phục hồi nguồn lợi thủy sản; giữ vị trí vô cùng quan trọng trong tổng sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Số lượng hộ dân khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng khoảng 1 ngàn  hộ dân với khoảng 1 ngàn phương tiện. Đa số các phương tiện khai thác thủy sản trong hồ là các ghe nhựa (composite), trang bị động cơ công suất nhỏ, hoạt động thường xuyên, liên tục với hơn 40 bến bãi xung quanh hồ. Vẫn còn tồn tại một số trường hợp người dân sử dụng các loại ngư cụ cấm như: lồng xếp, ghe nhũi, dớn, đăng, xung điện … để khai thác thủy sản. 

Sau một thời gian khoảng 1 giờ, người điều khiển dừng ghe, cất lưới lên để thu hoạch cá.

Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều xây dựng và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm.

Trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương tổ chức 39 lượt kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thủy sản trong hồ Dầu Tiếng.

Kết quả phát hiện 2 ngàn mét lưới đăng, 300 mét lưới dớn khai thác thủy sản trái phép trong hồ. Đoàn kiểm tra đã cắt một số đoạn lưới dẫn để tạo đường di chuyển cho cá. Tạm giữ tang vật vi phạm hành chính vắng chủ, chờ xử lý: 1.137 cái lồng xếp; 17 tay lưới nhũi; 3 càng chích điện; khoảng 800 mét lưới dớn; 235 bộ lưới dớn; 68 cái túi dớn; 4.700 mét lưới bén; 26 cái lờ bóng; khoảng 500 mét lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; cắt bỏ 40 dây quay vó khai thác thủy sản trái phép. Lập biên bản, bàn giao UBND huyện Tân Châu xử lý 7 phương tiện đang neo đậu tại bến, trên các phương tiện đang tàng trữ tổng cộng 703 cái lồng xếp.

Tuy nhiên, tình trạng một số người dân lén lút sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra, đặt biệt là ghe nhũi (ủi dồn, te, xiệp) trong hồ Dầu Tiếng gây nhiều bức xúc. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri về hoạt động của ghe nhũi trong hồ Dầu Tiếng. Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản; xây dựng, lắp đặt 5 pa nô tuyên truyền pháp luật tại các bến bãi đậu ghe xung quanh hồ thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu và Tân Châu; tăng cường công tác kiểm tra việc tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là các xã Phước Ninh, Phước Minh thuộc huyện Dương Minh Châu, các xã Tân Thành, Tân Hòa thuộc huyện Tân Châu.

Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường sinh thái, ổn định sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản dưới mọi hình thức trong hồ Dầu Tiếng tại các bãi cá đẻ như: Khu rừng cấm, Ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông từ ngày 1.7 đến 30.9 hàng năm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện,thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản (ghe cào, ghe nhủi, dớn, sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ). Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12.9.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Đại Dương