Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vẫn còn nhiều khó khăn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai
Thứ bảy: 18:13 ngày 07/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, có rất nhiều loại tranh chấp đất đai như tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), tranh chấp QSDĐ, tranh chấp hợp đồng thuê QSDĐ… diễn ra khá phức tạp và ngày càng gia tăng.

Chất lượng giải quyết án ngày càng tăng

Năm 2024, TAND hai cấp đã giải quyết 6.014/6.506 vụ việc dân sự, trong đó có 1.002 vụ tranh chấp liên quan đến đất đai đã được giải quyết.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, Toà án rất chú trọng công tác hoà giải. Toà án hai cấp đã hoà giải thành theo Luật Tố tụng 4.794 vụ việc (đạt tỷ lệ 42%); hoà giải theo Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án 638/1.039 đơn (đạt tỷ lệ 61,4%). Qua đó, nâng kết quả hoà giải thành các vụ việc lên 5.432/13.542 vụ việc đã giải quyết.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh giám sát một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại TAND tỉnh.

Nhiều vụ án ở cấp sơ thẩm không hoà giải được nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn nỗ lực thực hiện nhằm giảm bớt mâu thuẫn giữa các bên. Nhiều vụ án được hoà giải thành tại phiên toà phúc thẩm, xoá bỏ mâu thuẫn giữa các bên, tạo sự đoàn kết giữa các đương sự, nhất là trong các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản.

Bên cạnh đó, TAND hai cấp tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan hữu quan trong thu thập tài liệu, chứng cứ, góp phần hạn chế mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật. Do đó, tỷ lệ và chất lượng giải quyết án ngày càng tăng, nhất là giải quyết dứt điểm các vụ tồn đọng của năm trước.

Án tranh chấp liên quan đến đất đai phức tạp

Theo TAND tỉnh, năm 2024, số án dân sự sơ thẩm cấp tỉnh tiếp tục tăng vì hầu hết các vụ tranh chấp QSDĐ, đương sự có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận QSDĐ; thậm chí, tranh chấp chỉ một phần nhưng họ cũng yêu cầu huỷ giấy.

TAND tỉnh tổ chức xét xử một vụ án dân sự.

Số vụ án tranh chấp các giao dịch về QSDĐ như hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng tặng cho... tăng so năm 2023 với tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Có những trường hợp khi phát sinh tranh chấp, Toà án xác định được giao dịch chuyển nhượng đầu tiên là giả tạo hoặc vi phạm điều cấm nhưng đất đã chuyển nhượng qua nhiều lần cho nhiều người hoặc thế chấp QSDĐ cho ngân hàng vay với số tiền tương đương giá trị đất nên gây khó khăn cho Toà án khi giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.

Gần đây, còn phát sinh hình thức chuyển nhượng đất thông qua uỷ quyền. Cụ thể, hai bên không làm thủ tục chuyển nhượng đất do bên nhận chuyển nhượng chưa có đủ tiền, họ chỉ trả khoảng 50% và hai bên ký kết hợp đồng uỷ quyền.

Trong đó, gồm có uỷ quyền chuyển nhượng, thế chấp, mục đích nhằm để bên nhận chuyển nhượng có thể thế chấp hoặc chuyển nhượng cho người khác để có tiền trả đủ cho bên chuyển nhượng nhưng sau khi sang tên, chuyển nhượng cho người khác thì không trả cho bên chuyển nhượng số tiền còn lại.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, các vụ tranh chấp QSDĐ, thừa kế QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giải quyết rất chậm do khó khăn trong vấn đề đo đạc, lồng ghép sơ đồ hiện trạng vào bản đồ địa chính và cơ quan chuyên môn ký thẩm định.

Ngoài ra, các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản là đất, tranh chấp hợp đồng về đất có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng. Sau khi thực hiện các giao dịch thì họ ra nước ngoài định cư và đa phần không hợp tác với Toà án vì phải về Việt Nam tham gia tố tụng hoặc phải chứng nhận lãnh sự các giấy tờ có liên quan để gửi cho Toà án.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, TAND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các tranh chấp có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn nhất định, nhất là trong quá trình áp dụng Luật Đất đai mới có hiệu lực.

Đối với các vụ án có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận QSDĐ có số lượng tăng nhưng tiến độ giải quyết chậm do nhiều nguyên nhân như xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, việc kê khai đăng ký, hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ khi Toà án yêu cầu cung cấp thì cơ quan cấp giấy lần đầu cung cấp hồ sơ rất chậm hoặc không cung cấp, phải yêu cầu nhiều lần.

Ngoài ra, có trường hợp đương sự cố tình né tránh, giấu địa chỉ, không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, không hợp tác trong việc thu thập chứng cứ của Toà án. Nhiều trường hợp còn cản trở việc thu thập chứng cứ nhằm gây khó khăn, kéo dài thời gian để chậm thực hiện nghĩa vụ (như khi thực hiện việc đo đạc, định giá thì đương sự ngăn cản).

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh, Luật Tổ chức TAND năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 có quy định, Toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Quy định này phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật, quy định về tố tụng hiện hành; làm tăng sự “chủ động”, “tích cực” thu thập chứng cứ của các đương sự.

Tuy nhiên, quy định như trên khi áp dụng trong thực tiễn có thể gây ra không ít khó khăn. Chẳng hạn, việc để đương sự tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân là một thách thức với đương sự. Vì họ không có đủ năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp chứng cứ.

Ngoài ra, đối với các bên đương sự, họ tự thu thập chứng cứ nhưng có thể mỗi bên chỉ thu thập những chứng cứ có lợi cho mình hoặc giấu đi chứng cứ gây bất lợi cho mình. Do đó, việc xác định sự thật của vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để quy định này được áp dụng trên thực tiễn, đề nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự khi họ có yêu cầu theo quy định pháp luật.

“TAND tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai; làm tốt công tác hoà giải trong giải quyết các vụ án dân sự; không để xảy ra việc giải quyết các vụ án quá thời hạn xét xử; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ, việc”- một lãnh đạo TAND tỉnh chia sẻ.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục