Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vẫn còn tình trạng lúa giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc
Thứ hai: 16:38 ngày 26/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, tình trạng người dân mua phải lúa giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng thường xuyên xảy ra, hậu quả là một số trường hợp sau khi ngâm, lúa giống không nẩy mầm, hoặc tỷ lệ nẩy mầm thấp. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sau khi lúa phát triển hơn 1 tháng mới phát hiện lúa lẫn tạp, “hai tầng”, khi thu hoạch thì năng suất thấp và chất lượng kém nên bị thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu kiểm tra ruộng lúa bị lẫn tạp, hai tầng do lúa giống kém chất lượng.

Mất mùa vì lúa “ma”

Lợi dụng nhu cầu lúa giống tăng cao vào đầu mỗi vụ sản xuất và tâm lý giá rẻ của một số nông dân, nhiều đối tượng đã làm giả lúa giống để trục lợi.

Ông Nguyễn Văn Đức, ngụ ấp Thuận Hoà, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, vào đầu vụ sản xuất, thường có nhiều đối tượng đến từ các tỉnh miền Tây chào hàng bán lúa giống với người nông dân tại địa phương.

Những đối tượng trên thường có cùng thủ đoạn, tự giới thiệu mình có người quen làm tại các đơn vị sản xuất lúa giống có thương hiệu trên thị trường, móc nối để “tuồng” lúa giống ra bên ngoài để kiếm lời, do vậy những bao lúa giống giao cho nông dân thường không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ với mức giá rẻ hơn từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg so với giống cùng loại mua tại các đại lý.

Đồng thời, để tạo niềm tin, những người này thường làm thêm tờ cam kết dánh máy sẵn kèm theo có giao kèo sẽ thu mua lúa thương phẩm sau thu hoạch của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường.

Theo ông Trang Thanh Toàn, ngụ ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, vụ lúa Đông Xuân vừa qua, vợ ông mua về những bao lúa giống chỉ để tên là giống OM 18 còn lại không có địa chỉ nhà sản xuất, khi ngâm thì lượng lúa lép cân được lên đến 6-7 kg/bao (50kg). Khi gieo sạ thì lúa lên hai, ba tầng, có cả lúa ma, rất may là giá lúa vụ Đông Xuân vừa qua tăng cao nên ông không bị thua lỗ.

Cũng theo ông Toàn, hiện nay thị trường lúa giống hết sức phức tạp, ngoài những loại lúa không nhãn mác, còn có loại lúa giống được giả mạo bao bì của những đơn vị có uy tín được một số đại lý bán ra cho nông dân. Tuy nhiên, khi có hiện tượng lúa lẫn, hai ba tầng hoặc xuất hiện lúa ma thì các đại lý sẽ “đổ thừa” cho nông dân làm đất không kỹ, lúa lẫn là lúa từ vụ trước còn sót lại.

Ông Nguyễn Thái Hồ, nông dân ngụ ấp Thuận Hoà, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, cho biết, với hơn 1,6 ha lúa gieo phải giống kém chất lượng, vụ lúa Đông Xuân vừa qua ông chỉ thu được gần 8 tấn, (bằng 50% so với trước)

Theo ông Hồ, các loại lúa giống kém chất lượng thường tồn tại từ hai, ba loại giống khác nhau trên cùng một diện tích, trong đó có cả lúa ma (hay còn gọi là lúa chiêm). Thường thì dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là lúc xử lý giống có rất nhiều hạt lép, tỷ lệ lép có thể lên đến hơn 10%, tiếp đến là lúa nẩy mầm kém, hoặc không nẩy mầm, đối với những trường hợp này người nông dân có thể mang đến trả lại đại lý ngay.

Tuy nhiên, đối với những bao lẫn nhiều giống khác nhau khoảng thời gian đầu rất khó phát hiện, thường khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, lúc này ruộng lúa sẽ xuất hiện cây cao, cây thấp không đều nhau, sau đó đến giai đoạn làm đồng, trổ bông cũng không đồng loạt, một số sẽ chín trước, trong khi một số thì chưa cứng hạt, do vậy khi thu hoạch thì lúa không đồng đều, giảm chất lượng.

Đặc biệt, nếu ruộng lúa có lúa ma thì coi như thiệt hại nặng, bởi giống lúa này có đặt điểm sinh trưởng nhanh hơn, trổ bông sớm và dễ rụng khi có gió. Do đó, khi thu hoạch, gần như lúa ma chỉ còn lại cọng rơm, những hạt rụng xuống sẽ tồn tại và nẩy mầm khi nông dân bắt đầu gieo sạ vụ mới.

Lúa ma khi chín sẽ rũng trước, chỉ còn trơ lại cọng rơm.

Tràn lan lúa giống kém chất lượng.

Bà Nguyễn Trịnh Bích Thuỳ, cán bộ Giao thông, Thuỷ lợi và Nông nghiệp xã Lợi Thuận cho biết, tổng diện tích lúa trên địa bàn xã vụ Đông Xuân năm 2020-2021 khoảng 2.560 ha, hiện đã thu hoạch xong, nhiều diện tích đã xuống giống vụ Hè Thu.

Vụ Đông Xuân vừa qua nhiều nông dân trên địa bàn trúng mùa được giá, năng suất lúa bình quân trên 8 tấn/ha. Tuy nhiên, tỷ lệ ruộng có lúa lẫn tạp, lúa ma xuất hiện lên đến gần 50% diện tích.

Ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết, những năm gần đây tình trạng người dân sử dụng các loại giống “chui”, không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra. Một số đối tượng là thương lái, thu mua lúa của nông dân đem phơi khô rồi cho vào bao chào bán cho người nông dân sử dụng làm lúa giống.

Cũng có trường hợp thu mua lại bao bì đã qua sử dụng để đóng gói, giả làm lúa giống cấp xác nhận và được thương lái chào mời tận nhà người dân với mức giá rẻ hơn khoảng 500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Trên thực tế, việc tồn tại những giống lúa không có nhãn mác, bao bì, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lúa giống giả nhãn hiệu kém chất lượng không những làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng kéo dài đến nhiều mùa vụ tiếp theo.

Theo ông Hậu, hàng năm mỗi khi bước vào mùa vụ sản xuất lúa mới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thường tổ chức các buổi trao đổi với nông dân về các phương pháp xử lý giống, làm đất và phòng trừ lúa lẩn, lúa ma trên đồng ruộng. Tuy nhiên, trước sự lôi kéo của các đối tượng cò, lái. Nhiều nông dân vẫn mua và sử dụng giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nên tình trạng lúa lẩn trên địa bàn vẫn còn rất nhiều.

Trong thời gian tới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh các loại giống cây trồng. Đối với trường hợp các địa phương và người dân phát hiện những đối tượng chào bán lúa giống không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Bến Cầu kịp thời báo cho Trạm và chính quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên An

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục