Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công tác cai nghiện đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có việc ma tuý vẫn được “gửi” vào trại cai nghiện qua đường tiếp tế thức ăn.
Bộ trưởng Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Phạm Viết Thanh trò chuyện với người đang cai nghiện (ảnh chụp tháng 2.2020).
“Kết quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn một số khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí thực hiện công tác này hầu như chưa được địa phương bố trí thực hiện. Đối tượng nghiện thường xuyên vắng mặt nên cán bộ không thể thường xuyên tiếp xúc để vận động con nghiện.
Nhiều gia đình bao che, không khai báo đúng thực tế về tình trạng nghiện của con, em mình”– một lãnh đạo Sở Lao động–Thương binh và Xã hội nhìn nhận về mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma tuý.
Tại cơ sở cai nghiện, công tác tổ chức quản lý học viên còn khó khăn, việc dạy văn hoá cho người nghiện gặp vướng mắc, vì có ít giáo viên nhận dạy. Ngoài ra, vấn đề dạy nghề cho người cai nghiện cũng khó thực hiện vì thời gian cai nghiện của mỗi người dài, ngắn khác nhau, không đồng đều.
Đặc biệt, do cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện đang sửa chữa, nâng cấp nên công tác quản lý chưa đảm bảo chặt chẽ. Cụ thể, vẫn còn tình trạng ma tuý thẩm lậu vào cơ sở bằng cách “gửi” qua đường thức ăn hàng tuần (giấu ma tuý trong thức ăn). Có trường hợp người bên ngoài ném ma tuý vào bên trong cơ sở hoặc khi học viên được ra ngoài lao động sản xuất cũng là dịp để tiếp cận với ma tuý.
“Có kiểm tra, rà soát nhưng vẫn không triệt để, hiện vẫn chưa có giải pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma tuý từ ngoài vào các trại cai nghiện” – lãnh đạo Sở nêu.
Học viên trong trung tâm cai nghiện chuẩn bị nấu nấu cơm trong trại.
Công tác điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone hiện chưa triển khai được, vì phần lớn người nghiện trước khi vào cơ sở đều dùng loại ma tuý tổng hợp. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có không đáp ứng được yêu cầu theo quy định để có thể điều trị cho người nghiện bằng loại thuốc này.
Hiện nay cơ sở cai nghiện đang hợp đồng với một bác sĩ nghỉ hưu, làm việc tại đây mỗi tuần ba ngày chỉ để kiểm tra hồ sơ bệnh án, không thể theo dõi, điều trị trực tiếp tại chỗ.
Trong chuyến thăm và lảm việc tại Tây Ninh hồi cuối tháng 2.2020, Bộ trưởng Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm phải chặn nguồn cung cấp ma tuý. Trong vấn đề này, vai trò của công an, biên phòng, hải quan đặc biệt quan trọng.
Tính đến cuối năm 2019 số người sử dụng trái phép chất ma tuý tỉnh đang quản lý là 4.741 người (tăng 401 người so với năm 2018). Tổng số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý là 95/95 xã, phường, thị trấn.
Đ.V.T