Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vấn đề Syria trước ‘phép thử cuối cùng'
Thứ sáu: 08:46 ngày 07/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi giành thắng lợi trên nhiều mặt trận quan trọng, quân đội Syria tích cực chuẩn bị cho kế hoạch tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib, nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố IS và các nhóm phiến quân chống Chính phủ Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo.

Idlib nằm ở phía tây bắc của Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, được xem vùng lãnh thổ lớn nhất của Syria với gần 3 triệu dân, hiện vẫn do phe nổi dậy kiểm soát kể từ năm 2015.

Theo đánh giá của Chính phủ Syria thì có khoảng 60% diện tích của tỉnh này do liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham kiểm soát và phần còn lại do các phe nhóm đối lập và các phần tử khủng bố thuộc Mặt trận al-Nusra và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ.

Sau khi giành thắng lợi trên nhiều mặt trận quan trọng, quân đội Syria tích cực chuẩn bị cho kế hoạch tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib, nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố IS và các nhóm phiến quân nổi dậy chống Chính phủ Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Syria suốt 7 năm qua được ví như một “cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 thu nhỏ” với sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của hầu hết các cường quốc trong khu vực và trên thế giới nên khi Syria, với sự trợ giúp của Nga, khởi động chiến dịch tấn công Idlib đã vấp phải sự phản ứng của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Mỹ và các đồng minh cho rằng quân Chính phủ Syria tấn công Idlib sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo khiến  hàng nghìn người có thể sẽ thiệt mạng.

Vì thế Mỹ và các đồng minh đã điều động khá nhiều binh lực đến Địa Trung Hải và gần vùng biển Syria để vừa răn đe, vừa có thể can thiệp ngay khi các lợi ích của họ bị ảnh hưởng.

Phản ứng về những động thái trên của Mỹ và các đồng minh, ngày 4/9, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc không tính đến nguy cơ rất nguy hiểm và tiêu cực đối với toàn bộ tình hình ở Syria, có lẽ là một sự tiếp cận không đầy đủ và không toàn diện. Ông Peskov cũng nói thêm rằng sự hiện diện của các phiến quân ở Idlib đã làm suy yếu tiến trình hòa bình Syria và biến khu vực này trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga ở Syria.

Còn trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng lực lượng đặc nhiệm Anh đang chuẩn bị phát động một vụ tấn công hóa học giả mạo khác tại Syria để lấy cớ cho phương Tây tiến hành các cuộc tấn công Syria bằng tên lửa. Theo Đại sứ Anatoly, đó là một sự khiêu khích để bộ ba phương Tây (gồm Mỹ-Anh-Pháp) tiến hành thêm một cuộc tấn công nữa bằng tên lửa nhằm vào quân đội và cơ sở hạ tầng của Syria.

Dù Mỹ và đồng minh đã cảnh báo nhưng theo đánh giá của Nga và chính quyền Syria thì tình hình ở Idlib là vô cùng nguy hiểm.

Ngày 4/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vẫn còn hàng chục nghìn phần tử cực đoan tại khu vực Idlib. Những phần tử này do nhóm Mặt trận al-Nusra chỉ huy. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định tại Syria. Do vậy, việc quân đội Syria với sự trợ giúp của Nga phát động cuộc tấn công vào thánh địa cuối cùng của lực lượng nổi dậy và quân khủng bố ở Idlib là điều cần thiết và không thể ngăn cản được.

Song Nga và quân đôi Syria cũng hiểu rất rõ tính phức tạp hiện nay ở Idlib, cân nhắc và tính đến những bước đi hợp lý để vừa quét sạch các phần tử khủng bố vừa giảm thiểu thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng nơi đây.

Trước quy mô chuẩn bị lực lượng hùng hậu và không quân Nga cùng quân đội Syria bắt đầu khởi động các cuộc không kích dữ dội trong mấy ngày qua vào nhiều khu vực ở Idlib, một số toán khủng bố đã bắt đầu tìm cách thoát thân.

Diễn biến đó đã buộc Mỹ và phương Tây có cái nhìn thực tế hơn về cuộc tấn công của quân đội Syria vào Idlib sắp diễn ra.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford ngày 4/9 khi phát biểu với báo chí trong chuyến thăm Hy Lạp, bên cạnh lên tiếng cảnh báo một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Syria nhằm vào Idlib sẽ dẫn tới một “thảm họa nhân đạo”, cũngcho rằng nên thay vào đó là mở các chiến dịch quy mô nhỏ hơn chống các phiến quân ở khu vực này.

Điểm đáng chú ý  nhất là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi phát biểu với báo chí về tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập đến lực lượng khủng bố ở Idlib, ông Pompeo đã phải thừa nhận: “Đó là tuyên bố chính xác. Chúng tôi chia sẻ quan ngại với họ về khủng bố bắt nguồn từ miền Bắc, Tây Bắc Syria. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với họ (Nga) rằng có các phần tử khủng bố tại những địa điểm đó và chúng cần phải được chú ý để không xuất khẩu khủng bố ra toàn thế giới... Chúng tôi sẵn sàng làm việc về vấn đề khủng bố tại nơi này".

Ông Pompeo cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng điều này có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao”.

Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong phát biểu trên Đài phát thanh France-Inter ngày 2/9, đã phải nói rằng: "Ông Assad đã thắng trận, chúng ta phải tuyên bố điều này”. Đây có thể xem là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc tấn công vào Idlib của quân đội Syria sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Do vậy, chiến dịch tấn công vào Idlib mà quân đội Syria với sự trợ giúp đắc lực của Nga chuẩn bị tiến hành được xem là phép thử cuối cùng để cho các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá và đi đến những quyết định hợp lý về "vấn đề Syria"./.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục