Ngày 17.7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì phiên họp với một số sở, ban, ngành có liên quan để cho ý kiến về Chương trình phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Tổng kinh phí triển khai thực hiện chương trình là 676.916.400.000 đồng, trong đó, 20% là nguồn vốn huy động xã hội hoá.
CLB bóng đá Tây Ninh.
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 2011 đến nay, Tây Ninh đạt nhiều huy chương tại các giải quốc tế, quốc gia với các môn Taekwondo, bóng bàn, lặn, võ cổ truyển...
Nhiều giải thể thao đỉnh cao do Tây Ninh đăng cai tổ chức được Liên đoàn Thể thao quốc gia đánh giá cao về năng lực tổ chức cũng như trình độ chuyên môn.
ÐÀO TẠO CHƯA KHOA HỌC
Tính đến năm 2017, tỉnh Tây Ninh có 13 môn thể thao thành tích cao được đầu tư, gồm bóng đá, quần vợt, Taekwondo, Karatedo, điền kinh, cờ vua, võ cổ truyền, Kickboxing, bóng bàn, Vovinam, Wushu, bơi, lặn.
Một số môn thể thao thế mạnh tiếp tục được khẳng định, các môn thể thao mới được đầu tư bước đầu đã phát huy tác dụng và đạt hiệu quả đáng khích lệ. Vị thế thể thao tỉnh nhà đã dần được cải thiện trong khu vực và toàn quốc.
Tuy nhiên, những thay đổi mang tính tích cực nêu trên chỉ là kết quả đạt được bước đầu. Ðể thể thao thành tích cao phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh, ngành chức năng cần phải xây dựng chương trình phát triển ngắn hạn, dài hạn có định hướng rõ ràng, mục tiêu cụ thể, có các giải pháp khả thi, hiệu quả đồng bộ nhằm tạo bước đột phá mới cho thể thao thành tích cao phát triển bền vững.
Thời gian qua, phong trào thể thao của tỉnh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao.
Ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn thiếu các phương tiện tập luyện và thiếu cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao. Việc phát triển thể dục thể thao trong trường học chưa thật hiệu quả.
Ðây là một trong số các nguyên nhân dẫn đến công tác tuyển chọn vận động viên hiệu quả chưa tốt. Tỉnh chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho thể dục thể thao, thiếu chính sách và các quy định về đào tạo, nhất là đối với thể thao thành tích cao.
Việc đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao- nhất là các công trình thể thao cho giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường và thể thao thành tích cao còn hạn chế.
Chất lượng các công trình thể dục thể thao chưa đồng đều, thiếu đồng bộ. Số lượng các công trình cho lĩnh vực thể thao thành tích cao đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc gia, quốc tế còn ít (chỉ có 1 nhà thi đấu và 1 sân vận động tỉnh).
Hợp tác về thể dục thể thao, nhất là hợp tác về đào tạo vận động viên, huấn luyện viên chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nội dung hợp tác thiếu đa dạng, phạm vi, mức độ hội nhập còn hẹp và chưa sâu, nhất là trong quan hệ với các trung tâm thể thao mạnh trong và ngoài nước.
Ngoài nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan. Công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý thể dục, thể thao các cấp đối với hoạt động thể dục thể thao cơ sở chưa thường xuyên và thiếu sâu sát, thiếu các kế hoạch, chương trình trung hạn và dài hạn để phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Hệ thống tuyển chọn, đào tạo chưa thật khoa học và chặt chẽ, mặc dù bước đầu xây dựng được quy trình đào tạo và quản lý đào tạo nhưng chưa đồng bộ, thiếu các yếu tố bền vững của hệ thống. Công tác quản lý chưa bảo đảm về quy định trong quản lý huấn luyện như quy trình tuyển chọn vận động viên, đánh giá trình độ tập luyện của huấn luyện viên, vận động viên; chương trình, huấn luyện, giáo án, nhật ký tập luyện chưa khoa học, hiện đại.
Công tác tham mưu của ngành chưa kịp thời về việc thay đổi cơ chế chính sách, kinh phí hoạt động, chiến lược... cũng như thay đổi, hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm phát triển ở từng giai đoạn đào tạo, huấn luyện của thể thao thành tích cao. Tỉnh chưa tận dụng hết các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho thể thao thành tích cao, chủ yếu vẫn còn dựa vào ngân sách Nhà nước.
ÐỔI MỚI CƠ CHẾ TUYỂN CHỌN
Chương trình phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Theo kế hoạch này, trong những năm tới, Tây Ninh tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội.
Ðồng thời, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận. Thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ chuyên môn đối với khu vực và toàn quốc.
Cụ thể, năm 2018, số lượng vận động viên trẻ, năng khiếu đạt 373 vận động viên, có 54 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.
Năm 2019, số lượng vận động viên trẻ, năng khiếu đạt 403 vận động viên, có khoảng 58 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia. Năm 2020, số lượng vận động viên trẻ, năng khiếu đạt 463 vận động viên, có 69 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.
Ðến năm 2025, số lượng vận động viên trẻ, năng khiếu và các lớp vệ tinh đạt khoảng 1.000 vận động viên, trong đó có 100 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia và có khoảng 25 vận động viên dự tuyển quốc gia. Về thành tích thi đấu, năm 2018, phấn đấu đạt 321 huy chương các loại tại các giải toàn quốc và quốc tế.
Năm 2019, phấn đấu đạt 337 huy chương các loại tại các giải toàn quốc và quốc tế; đóng góp từ 1 đến 2 vận động viên cho đoàn thể thao Việt Nam và đạt 1-2 huy chương vàng tại Ðại hội thể thao Ðông Nam Á (SEA Games) và các giải quốc tế khác…
Ðến năm 2025, phấn đấu đạt 434 huy chương các loại tại các giải toàn quốc và quốc tế; đóng góp 5 - 8 vận động viên cho đoàn thể thao Việt Nam và đạt 1-2 huy chương vàng Ðại hội thể thao Ðông Nam Á (SEA Games).
Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, chương trình phát triển thể thao thành tích cao đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trước tiên, đổi mới cơ chế tổ chức và nội dung tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp.
Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo tài năng thể thao thành tích cao; kết hợp sử dụng số lượng hợp lý chuyên gia, huấn luyện viên trong và ngoài nước đối với các môn thể thao trọng điểm.
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao tham dự các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, đóng góp vận động viên cho đội tuyển các môn thể thao quốc gia tham dự Ðại hội thể thao Ðông Nam Á (2019, 2021, 2023, 2025), giải vô địch châu Á và các giải quốc tế khác.
Trong những năm tới, tiến hành quy hoạch các môn thể thao trọng điểm (loại 1) tập trung ưu tiên phát triển, đó là điền kinh, lặn, Taekwondo, võ cổ truyền và 7 môn thể thao trọng điểm loại 2 gồm bơi, bóng đá, bóng chuyền nữ, Karatedo, Vovinam, Kickboxing, bóng bàn.
Các môn thể thao cần tiếp tục khuyến khích phát triển ở các huyện, thành phố, ngành và các tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm bóng rổ, cờ vua, quần vợt, Judo, cầu lông, cử tạ, thể hình, Muay, Yoga.
Chương trình sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thể thao thành tích cao cho các huyện, thành phố, ngành có phong trào thể dục thể thao mạnh và có điều kiện về cán bộ chuyên môn, huấn luyện viên, vận động viên và cơ sở vật chất; quan tâm đầu tư phát triển thể tao thành tích cao trong lực lượng vũ trang và trong nhà trường.
Ưu tiên đầu tư cho các vận động viên, môn thể thao trọng điểm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện; từng bước chuẩn hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho thi đấu, tập huấn, đào tạo vận động viên các đội tuyển thể thao tỉnh.
Theo kế hoạch, những năm tới đây, ngành Thể thao sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, y học thể thao cho công tác huấn luyện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về vận động viên thể thao thành tích cao và vận động viên trẻ kế cận.
Phòng chống doping, ban hành chế độ dinh dưỡng và áp dụng biện pháp hồi phục sức khoẻ đối với vận động viên trọng điểm cũng sẽ được quan tâm.
Bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao thành tích cao, các vận động viên trọng điểm loại 1 (lương, thưởng, bảo hiểm, các danh hiệu vinh dự, chế độ ưu đãi về học tập, việc làm, chữa trị chấn thương và bệnh tật trong và sau quá trình tập luyện, thi đấu, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp).
Ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp, đồng thời khuyến khích hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thi đấu thể thao chuyên nghiệp; thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp đối với các môn bóng chuyền, quần vợt, bóng đá…
Ðể phát triển thể thao thành tích cao cần tiếp tục ban hành cơ chế, có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các vận động viên ưu tú, có thành tích cao tại các giải vô địch quốc gia trở lên.
Ngành Văn hoá, Thể thao tiến hành rà soát lại toàn bộ các tuyến đào tạo vận động viên và sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế hội nhập. Trong đó, tổ chức tuyển chọn các vận động viên có năng khiếu và huấn luyện từ ban đầu đến giai đoạn bắt đầu chuyên môn hoá tại trường học và các trung tâm văn hoá - thể thao các huyện, thành phố, các câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở.
Những vận động viên có năng khiếu ở giai đoạn huấn luyện chuyên môn hoá sâu sẽ được tập trung đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao của tỉnh. Các cơ quan liên quan sẽ tổ chức tuyển chọn vận động viên trẻ, có tiềm năng, chuyên môn tốt tại các giải thi đấu của tỉnh, huyện, thành phố và các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Ðào tạo.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu lãnh đạo ngành Văn hoá, Thể thao chú ý việc xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp, cũng như làm tốt công tác đào tạo, tuyển chọn vận động viên để chương trình phát triển thể thao thành tích cao thành công.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thanh Ngọc cũng lưu ý việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, thi đấu phải được cụ thể hoá. Ðồng thời, ngành Thể thao phải hết sức lưu ý việc thực hiện chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên để họ sống được với sự nghiệp thi đấu.
VIỆT ÐÔNG