Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vận dụng 5K phải linh hoạt hơn!
Thứ sáu: 09:47 ngày 11/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Số ca nhiễm Covid-19 giảm sau gần 20 ngày liên tục tăng. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại quy định 5k trong bối cảnh bình thường hóa mọi hoạt động thường nhật.

Bộ Y tế cho biết ngày 10-3, cả nước ghi nhận 160.676 ca mắc Covid-19, giảm trên 3.900 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày có số ca nhiễm giảm sau gần 20 ngày liên tục tăng. Dù số ca mắc mới cả nước trong một tháng qua liên tục tăng nhanh, cao điểm lên tới hơn 164.000/ngày nhưng số ca tử vong chỉ khoảng 100 ca/ngày.

Quá tải bệnh nhi nhưng không đáng lo

Hiện Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất nước với 30.157 ca trong ngày 10-3. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng trong điều kiện độ bao phủ rộng về vắc-xin và hệ thống y tế đã được củng cố, thành phố phải kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, tăng nặng. Ông yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vắc-xin là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay.

Trong khi đó, ở TP HCM những ngày qua, các bệnh viện nhi đến khám vì nghi mắc Covid-19 tăng cao. Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh viện có 4 bàn khám cho bệnh nhi mắc Covid-19. Tuần qua, các bàn khám luôn trong tình trạng quá tải với trung bình 100 bệnh nhi/bàn/ngày. "Dù bệnh nhi là F0 đến khám đông nhưng hầu hết trẻ đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Vì người nhà lo lắng nên đưa đi khám, sau đó được về nhà điều trị. Những trường hợp có bệnh nền hay béo phì có những triệu chứng nặng hơn thì mới nhập viện. Số trẻ nhập viện cũng rất ít" - bác sĩ Quy nói.

Phụ huynh đưa trẻ đến khám Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Ảnh: HẢI YẾN

Tương tự, từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhi đến khám sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Tuy nhiên, đa số trẻ có triệu chứng nhẹ như sốt, ho nên được kê thuốc và cho về nhà theo dõi. Chỉ khoảng 15% bệnh nhi F0 được chỉ định nhập viện, đa phần do có bệnh nền nặng. Bác sĩ Dư Minh Trí, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng bởi biến chủng Omicron rất nhẹ so với các chủng virus trước đây. "Khi nhiễm biến chủng này, thường không diễn tiến vào phổi nên khoảng 1 tuần là trẻ sẽ hết, thậm chí có trường hợp 5 ngày là bớt hẳn" - bác sĩ Trí khẳng định, đồng thời thông tin trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà nếu gặp khó khăn có thể gọi điện đến tổng đài của bệnh viện 19001217 để được tư vấn thêm.

Linh hoạt áp dụng 5K

Những ngày qua, một số ý kiến cho rằng giữa bối cảnh chống dịch "cởi mở" như hiện nay, cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8-2021. Cụ thể, theo đó, cần thay đổi khuyến cáo việc "không tụ tập" hoặc "khoảng cách" tại quy định 5K trong bối cảnh học sinh đến trường và cơ quan, doanh nghiệp đã tổ chức làm việc bình thường; khởi động lại các hoạt động du lịch, giải trí...

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ cao là tiếp xúc gần, môi trường kín, đông người và quy định 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân rất hiệu quả. "Đến nay, hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm của vắc-xin Covid-19 chưa thật cao, người tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và là nguồn bệnh tiếp tục lây lan cho người khác, chỉ có điều phần lớn người nhiễm thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, Covid-19 hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dự phòng cá nhân là vô cùng quan trọng" - PGS-TS Trần Đắc Phu phân tích thêm. Vì vậy, theo chuyên gia này, mọi người cần hiểu và linh hoạt khi thực hiện 5K; tùy hoàn cảnh, điều kiện mà áp dụng. Trong đó, cần thấy nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa.

"Ví dụ khi ăn uống thì không thể đeo khẩu trang nhưng chúng ta có thể giãn cách. Hay khi đi xem thi đấu thể thao thì không thể "không tụ tập" hoặc giữ "khoảng cách" nhưng khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng. Ở các nhà máy, xí nghiệp cũng vậy. Khi làm việc trong phân xưởng sản xuất có nơi không thể thoáng khí được vì chống bụi bẩn bám vào sản phẩm nên việc đeo khẩu trang rất quan trọng rồi mới đến khử khuẩn, giãn cách…" - ông Trần Đắc Phu phân tích. 

Kiểm điểm tổ chức, cá nhân chậm mua vắc-xin cho trẻ em

Tại Văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-2-2022 của Chính phủ về việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ.

Trước đó, Chính phủ có nghị quyết đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

T.Dũng

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục