Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vận hành hiệu quả xe buýt nhanh
Thứ bảy: 07:37 ngày 24/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 17-12 vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm dự án xe buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit) tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, trước khi chính thức đưa vào hoạt động đầu năm 2017. Việc thử nghiệm BRT trên đường sẽ được tăng dần tần suất thực hiện, lần lượt vào các khung giờ thấp điểm và cao điểm.

Dự án BRT Hà Nội là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Ngoài tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, trong thời gian tới, bảy tuyến BRT khác cũng sẽ được xây dựng ở Hà Nội. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã quyết định thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông do liên ngành Sở GTVT - Công an xây dựng.

Theo đó, từ ngày 25-12, sẽ cấm ta-xi, xe chở khách, xe tải từ 0,5 tấn trở lên lưu thông vào giờ cao điểm trên hầu hết các tuyến đường BRT hoạt động; cấm xe máy lưu thông giờ cao điểm trên hai cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Láng Hạ - Láng.

Với các ưu điểm về kinh tế, tính bền vững và linh hoạt, hệ thống BRT tỏ ra phù hợp và được đánh giá là giải pháp giao thông tốt nhất khi quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tại các nước đang phát triển, có mật độ dân số cao. Dự án BRT Hà Nội được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, thực tế thử nghiệm BRT cuối tuần qua đã bộc lộ một số khiếm khuyết nhất định. Theo tính toán, BRT rút ngắn được thời gian tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã từ năm đến 10 phút so với buýt thường; mỗi giờ vận chuyển 1.800 lượt khách, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến.

Năng lực và thời gian vận chuyển đó chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến này. Ngoài ra, hệ thống BRT chưa có sự đồng bộ các hạng mục theo tiêu chuẩn quốc tế và tại các điểm chờ, chưa có hệ thống soát vé tự động. Với phương án phân luồng của ngành giao thông Hà Nội nêu trên, nguy cơ “vỡ trận” giao thông luôn rình rập bởi đây cũng là tuyến đường có mật độ phương tiện cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Hơn nữa, chiều rộng mỗi làn các tuyến đường chỉ 7 đến 9 m, nếu cắt ra 3 m dành riêng cho BRT hoạt động, nguy cơ ùn tắc đối với các phương tiện khác hoàn toàn có thể xảy ra.

Dự án BRT là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh áp lực giao thông của Thủ đô ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, lộ trình triển khai BRT cần phù hợp điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại của Hà Nội. Hơn nữa, để tận dụng được hết những ưu điểm của BRT, cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện vận hành như đồng bộ các hạng mục theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống soát vé, lắp đặt biển báo, sơn kẻ vạch phân làn giao thông, vệ sinh, lắp đặt thiết bị đóng/mở cửa tại 16 trong số 23 nhà chờ, bổ sung các biển hướng dẫn, thông tin cho hành khách, hoàn thiện việc kết nối với các cầu vượt đi bộ,…

Đồng thời, nghiên cứu kỹ các phương án, từ phân luồng đến bố trí lực lượng hỗ trợ giao thông hợp lý khi thực hiện chạy chính thức, tránh phát sinh ùn tắc. Một việc quan trọng khác là hướng dẫn người dân cụ thể cách thức sử dụng dịch vụ vận tải mới này cũng như tuyên truyền để người dân chấp hành các quy định mới, không lấn đường dành riêng cho BRT,… Ngoài ra, cũng cần đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó, hình thành ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, bảo đảm điều kiện cho BRT vận hành thành công ở Hà Nội và sau này có thể mở rộng phát triển ở các đô thị khác.

Nguồn Báo Nhân dân

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục