BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn hoá Khmer Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 23/08/2023 - 06:19

BTNO - Phải đợi lâu lắm, rốt cuộc cũng đến lúc khai sinh một cuốn sách về văn hoá Khmer Tây Ninh, tác giả: Đào Thái Sơn, Nxb Thanh niên, năm 2023.

Đồng Khedol. Ảnh: Đồng Huỳnh

Đợi! Vì cả chục năm nay, ngoại trừ vài cuốn sách của những người yêu Tây Ninh như “Trảng Bàng phương chí”, “Tây Ninh Đất và Người”, “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” của các tác giả sống chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh; chưa có cuốn nào của người ở Tây Ninh, viết tại Tây Ninh cả.

Nhất là khi sách ấy lại chuyên về văn hoá của người Khmer Tây Ninh- một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chiếm khoảng 0,7% dân số tỉnh nhà. Vậy mà tác giả vẫn “biên khảo và ghi chép” được tới 345 trang (khổ 13x20), thì cũng thật kỳ công!

Ấy! Mà không chỉ có văn hoá Khmer. Trong bài đầu tiên: “Ngôi chùa và vai trò Phật giáo Nam tông trong đời sống tinh thần người Khmer”, tác giả đã tập hợp đầy đủ các tư liệu khá chính xác về sự phát triển của miền đất Tây Ninh qua các thời kỳ; điều mà các nhà viết sử hoặc nghiên cứu Tây Ninh nên tham khảo; cũng là điều mà các cuốn sử địa phương thường mắc nhiều sai sót.

Tuy vậy, phần trọng tâm của sách, như tên gọi vẫn phải là các đặc trưng của nền văn hoá Khmer. Đấy là các ngôi chùa, từ ngôi Khedol tráng lệ ngay ở TP. Tây Ninh cho đến những ngôi ở các xã, ấp giáp biên cương như Phụm Ma, Hoà Thạnh… Đấy còn là các lễ hội đầy bản sắc dân tộc. Là Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, tắm Phật, nhập thần…

Còn nữa, là sự phân tích đầy mới lạ và thú vị về các biểu tượng của văn hoá Khmer. Như Yeat- quỷ Dạ Xoa, chim thần Krud, rắn thần Naga và cá sấu… Về văn hoá dân gian, nếu người Nam bộ có là Linh Sơn Thánh Mẫu, bà Chúa xứ… thì người Khmer cũng có bà Lục Dầy, nữ thần Đất Mẹ. Có cả những vị thần đã trở nên quen thuộc với người Việt như ông Tà trong “Tục thờ Đá”.

Tác giả cũng không quên mô tả những nét đẹp của Phật giáo Khmer trong các bài Khất thực, Xuất gia… những món ẩm thực đặc sắc như thốt nốt, bò hóc… hay điệu múa Chhay-dăm độc đáo. Nhưng, có lẽ thú vị hơn cả là những bài bút ký (ghi chép) những địa danh xưa và nay mang dấu ấn văn hoá Khmer trên đất Tây Ninh.

Đấy là Khe Đon theo dấu người xưa, Bang chrum- vùng đất đi lên từ bùn lầy khói lửa cho đến Trở lại Sóc Con Trăng, hay Làng Hoà Hiệp và di tích tháp Nàng Rà. Và, ngay cả một địa danh đã rất quen thuộc với người dân Tây Ninh và các nhà nghiên cứu lịch sử, thì ở cuốn sách này, đọc bài: “Bà Đen từ tên núi đến tên thần” vẫn thấy lạ lùng bởi những điều rất mới. Mới, vì tác giả đã cặm cụi đi tìm từ những điển xưa tích cũ. Có chuyện từ hàng ngàn năm, thuở Bà-la-môn giáo thịnh hành trên xứ sở Angkor.

Từng đi đến các chùa, dự nhiều lễ hội Khmer, vậy mà đến nay, đọc sách của Đào Thái Sơn, mới biết vùng đất có chùa Khedol xưa, từng có tên gọi Sđo. Mà Sđo có một nghĩa liên quan đến con voi. Và theo tác giả thì: “cái núi gần phum Sđo chính là núi Phụng, mà núi Phụng xưa có tên là núi Voi…

Con voi này đã giúp cho phe nữ chiến thắng phe nam trong truyền thuyết thi đắp núi Bà, núi Cậu của người Khmer ở đây…”. Đọc đoạn này, cũng muốn “thưa” với anh rằng có lẽ anh lầm, bởi chính trái núi lớn nhất- núi Bà Đen mới từng được gọi là núi Voi trong quá khứ. Anh ra phía Suối Đá, xã Phan ở mé Đông núi mà xem! Từ phía ấy, núi Bà y hệt hình dáng một con voi phủ phục, vươn vòi.

Chùa Botum Kirirangsay, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Lại nữa, đọc bài về chùa Kà Ốt, đến giờ mới biết tên chữ của chùa Kiri Sattray Meanchay lại là “gần núi, phụ nữ chiến thắng” cũng là theo sự tích đã kể trên. Tác giả mô tả các chùa kỹ lưỡng và chi tiết. Từ đất đai, kích cỡ, nghệ thuật, năm sinh cho tới những lần bị đạn bom vùi dập, rồi lại hồi sinh nhẫn nại trong hoà bình cho tới các nhà sư, nghệ sĩ nào đã sống đời tâm huyết với các cuộc hồi sinh ấy.

Đọc các bài ghi chép về các thôn ấp, từng là phum sóc của người Khmer, như bài Trở lại Sóc Con Trăng. Đấy là “Một địa danh chỉ mới nghe qua thôi cũng đã khiến người ta mường tượng đến khung cảnh của một ngôi làng vắng vẻ đìu hiu ở đâu đó nơi miền biên giới…”.

Và rồi: “Trở lại Sóc Con Trăng, trầm hồn vào một thời quá vãng, rồi nhìn lại hôm nay mới thấm thía hơn câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa…”. Đáng tiếc (và cũng có thể đáng buồn nhất) là cái tên xưa đã mất, người nay gọi đây là ấp Con Trăn.

Tư liệu tác giả cho thấy một địa danh từng được ghi trong Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ; từng được ghi trong bản đồ chiến sự của quân đội Mỹ; cũng là nơi vang dậy chiến công của Sư đoàn 9 Quân Giải phóng anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ… thì làm sao có thể nhạt mờ trong lịch sử và tâm trí nhân dân.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của cuốn sách này vẫn là nguồn tư liệu và sự phân tích thấu đáo, truy vết tận nguồn của tác giả. Chính điều này, lắm khi gây ra sự bất ngờ. Như câu chuyện về bông sen đá ở xã Tiên Thuận. Đa số các nhà nghiên cứu có ý kiến rằng đây là một bộ ngẫu tượng thờ gồm linga và yoni của nền văn hoá cổ xưa.

Còn Đào Thái Sơn, truy vết về quá khứ Bà-la-môn rực rỡ, lại cho rằng: “Bông sen đá chính là tượng trưng cho đoá sen mọc ra từ rốn của ngài (thần Visnu) và trụ đá gắn trên phần lồi của bông sen chính là tượng trưng cho thần Brahma được sinh ra để tạo lập thế giới…”.

Còn về địa danh Mỏ Công, người dân địa phương chỉ biết tới quê mình có gò đá nổi lên có hình mỏ chú chim công. Nhưng tác giả lại căn cứ vào ngôn ngữ Khmer, thì đấy là Thmo cong, nghĩa là lớp đá. Đúng, sai thế nào còn chưa rõ, nhưng rõ ràng đấy là những giả thuyết đầy thuyết phục, đáng để các nhà nghiên cứu mai sau tiếp tục tìm tòi và giải đáp.

Bất ngờ nữa là sự truy vết đã xuất hiện nhiều “mộc danh” gắn với địa danh. Như chùa Svây-cây xoài; Ampil-Tầm Phô-cây me; Con Trăng-cây lá buông hay Praha Miệt là rừng Nghệ. Nhưng bất ngờ lớn nhất là nền văn hoá của 0,7% dân số tỉnh Tây Ninh này lại rất giàu bản sắc với tinh hoa.

Có được điều này là do sự kết nối với cội nguồn dân tộc từ cả ngàn năm trước. Nhiều mỹ tục hay đến nay vẫn được người Khmer Tây Ninh kế thừa và tiếp nối, thậm chí thăng hoa như trường hợp múa trống Chhay-dăm.

Thật là một cuốn sách “gối đầu giường” cho những ai muốn tìm hiểu về văn hoá Khmer Tây Ninh nói riêng và văn hoá Tây Ninh nói chung trên một miền đất phía Tây Nam Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Việt