BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vấn nạn bao chiếm, lấn chiếm đất lâm nghiệp vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát: Phải tích cực, khẩn trương xử lý trong thời gian ngắn nhất

Cập nhật ngày: 11/04/2009 - 08:23

Vùng lỏi Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Tình trạng này không chỉ là sự xâm hại nghiêm trọng tài nguyên quốc gia mà còn gây trở ngại lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, tăng độ che phủ và phòng hộ đối với các công trình sự nghiệp phát triển kinh tế trọng điểm của đất nước và của tỉnh. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2008 diện tích đất lâm nghiệp, quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong tỉnh ta bị bao chiếm, lấn chiếm lên tới hơn 2.700 ha. Trong đó riêng ở Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát, vùng rừng đặc dụng có nguồn gien động, thực vật quý giá nhất, phải được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt nhất cũng bị bao chiếm, lấn chiếm trên 600 ha. Việc giải quyết, xử lý tình trạng này đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo liên tục từ năm 2000 đến nay, nhưng xem ra vẫn chưa tiến triển được nhiều…

Ngày 7.4.2009, tại VQG Lò Gò – Xa Mát đã diễn ra hội nghị triển khai công tác trồng rừng năm 2009 và giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp, trồng cây sai mục đích trong lâm phần VQG. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

VQG Lò Gò - Xa Mát với hệ sinh thái đặc trưng có diện tích lên tới hơn 18.800 ha (cùng với vùng đệm có diện tích tương đương), có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái đất ngập nước của vùng chuyển tiếp giữa Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; Bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu để bảo tồn nguồn gien, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục và phục vụ du lịch sinh thái. Nếu không kể diện tích bị bao chiếm, lấn chiếm từ trước, thì trong năm 2008 vừa qua VQG đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo tồn vốn rừng, trồng rừng mới… Cụ thể đã bảo vệ rừng được nghiệm thu 15.159 ha (đạt 99% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh được nghiệm thu 1.147 ha (đạt 100% KH). Toàn bộ diện tích này được giao khoán cho 13 nhóm hộ với hơn 50 hộ thành viên nhận khoán bảo vệ.

Trong năm 2008 lực lượng bảo vệ rừng và hạt kiểm lâm VQG đã phát hiện 31 trường hợp vi phạm lâm luật (giảm 11 vụ so cùng kỳ năm trước), trong đó có 11 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, 8 trường hợp khai thác lâm sản trái phép (chủ yếu là rừng trồng). Về việc trồng rừng mới, thực hiện được nghiệm thu hơn 39 ha (bằng 195% KH). Về chăm sóc rừng trồng, thực hiện được hơn 153 ha (đạt xấp xỉ KH). Chống cháy rừng trồng, thực hiện được nghiệm thu 868 ha, vượt hơn cùng kỳ năm trước 3,7%. Tiếp nhận, thả về rừng 40 kg rắn hổ mây, 53 con khỉ, 37 kg trút (tê-tê), 25 kg rùa, 15 kg kỳ đà, 7 kg con càng tôm cùng với một số con trăn, cu-li… Bảo vệ, chống cháy rừng trồng thực hiện được nghiệm thu hơn 868 ha… Đối với các đối tượng phá hoại rừng, hạt kiểm lâm VQG đã xử lý 29/31 vụ, chuyển cơ quan chức năng khởi tố hình sự 2 vụ về hành vi săn bắt động vật quý hiếm, thu phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước 28,2 triệu đồng, thu giữ nhiều phương tiện tang vật phá rừng như xe bò, xe đạp thồ, lưới, bẫy động vật, trong đó nhiều nhất là các loại bẫy bắt thú rừng (1.611 cái bẫy).

Bản đồ vườn quốc gia

Để có được kết quả đó, VQG đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm huy động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng. Cụ thể là VQG đã mở nhiều cuộc tuyên truyền giáo dục về môi trường tại các trường học với hơn 800 học sinh tham gia, tổ chức cho các em tham quan thực tế tại VQG; tổ chức họp dân truyên truyền pháp luật về rừng rất nhiều lần với hàng trăm người tham dự, trong đó đã yêu cầu 186 lượt hộ ký cam kết bảo vệ rừng cùng với VQG. Hoạt động tích cực này đã đem lại hiệu quả rừng tự nhiên được bảo vệ, phục hồi tốt, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm nhiều so với năm trước (giảm 11 vụ); công tác phòng chống cháy rừng được thực hiện tốt, rừng tự nhiên không bị cháy, chỉ có 2 vụ cháy rừng trồng thiệt hại không đáng kể và 11 vụ cháy trảng cỏ được dập tắt kịp thời.

Tuy nhiên vấn đề tồn tại khá “nhức nhối” ở VQG vẫn là vấn nạn bao chiếm, lấn chiếm trên 600 ha đất lâm nghiệp chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Nghĩa là chưa bị cưỡng chế chặt bỏ cây trồng sai mục đích nhằm giải phóng đất, thu hồi đất để VQG trồng lại rừng. Mặc dù trong năm qua VQG đã có nhiều cố gắng giải quyết vấn nạn này, cụ thể là đã vận động và cưỡng chế trồng rừng được 46 ha (vượt KH 26 ha), nhưng thực tế vẫn không thấm vào đâu so với số diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bao chiếm (618 ha) để trồng cây sai mục đích, thậm chí có cả trường hợp đất rừng lấn chiếm lại được… cấp quyền sử dụng đất (?!) và cả những trường hợp cất nhà ở trên đất lấn chiếm của VQG mà con số đã lên tới… 87 căn nhà.

Để giải quyết thực trạng đó, trong phát biểu chỉ đạo hội nghị ngày 7.4 tại VQG Lò Gò – Xa Mát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhấn mạnh: Phải xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, bao chiếm đất lâm nghiệp, cấp giấy CNQSDĐ trái phép. Chủ tịch UBND huyện, xã phải thường xuyên chỉ đạo sâu sát trong công tác xử lý. Đối với nhiệm vụ trồng rừng (trước nay vốn mặc nhiên được xem như là việc riêng của… VQG cũng như các chủ rừng- NV), Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chỉ tiêu trồng rừng phải được ghi vào nghị quyết của các cấp uỷ, kế hoạch của các cấp chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm với tỉnh về chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn quản lý từ nay đến năm 2010, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước huyện.

Người dân CPC ở sát biên giới sang phơi mì xắt lát trong VQG

Về những kiến nghị cụ thể của VQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân yêu cầu UBND huyện Tân Biên tổ chức họp các phòng ban huyện cùng với Ban quản lý VQG và các hộ dân giải quyết dứt điểm việc xác định đường ranh giới nông – lâm trong vòng tháng 4.2009. Đối với 22 vụ vi phạm bao chiếm đất lâm nghiệp đã có hồ sơ, nhưng còn tồn đọng từ năm 2002 đến nay cần phải phân tích hồ sơ, xác định thẩm quyền của ai để giao về địa phương phân cấp xử lý trong vòng tháng 4.2009 không để kéo dài thời gian. Ông Phạm Văn Tân còn nói rõ, ngày 28.4.2009 UBND tỉnh sẽ đi kiểm tra vấn đề này.

Với sự quan tâm, chỉ đạo rõ ràng dứt khoát như thế của lãnh đạo UBND tỉnh, hy vọng sắp tới VQG Lò Gò - Xa Mát sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp bị bao chiếm từ lâu nay.

NGUYỄN TẤN HÙNG