Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người dân đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra chống kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được kinh doanh tại một cơ sở.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng gây ra nhiều hệ luỵ với người dân và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, năng suất cây trồng, môi trường và khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngoài thị trường. Người dân đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra chống kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Đại lý... khổ lây
Nông dân mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng chỉ có... khóc ròng do cây trồng không phát triển, mất mùa, cây trái bị sâu bệnh, ảnh hưởng chung đến ngành nông nghiệp. Hệ luỵ khi người nông dân mua nhầm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thời gian qua đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, các ngành chức năng vào cuộc xử lý.
Phân bón giả, kém chất lượng là một vấn nạn đang tồn tại trong xã hội. Do việc sản xuất phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đem lại “siêu lợi nhuận”, không ít cơ sở bất chấp đạo đức kinh doanh, tung ra thị trường.
Các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các địa phương có lỗi gián tiếp để cho những sản phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường gây hại cho ngành nông nghiệp. Các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thường có giá bán vật tư cho các đại lý với hoa hồng cao hơn các sản phẩm có thương hiệu. Ham lãi cao nên các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp đã nhập hàng hoá kém chất lượng để kinh doanh.
Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả công tác thanh tra cho thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) chấp hành tốt điều kiện kinh doanh; các sản phẩm của công ty vi phạm năm trước giảm lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn các trường hợp vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc); các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp còn kinh doanh các sản phẩm hết hạn, ngoài doanh mục cho phép sử dụng.
Tuy nhiên, một chủ cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu chia sẻ, dù cơ sở chấp hành tốt các quy định pháp luật nhưng việc kinh doanh nhầm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng khó tránh khỏi.
Có sản phẩm kinh doanh thời gian dài vẫn bảo đảm chất lượng, nhưng sau đó, vì hám lợi, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, đại lý bị ảnh hưởng nặng nề, bị nông dân tẩy chay với lý do cơ sở, đại lý bán hàng “đểu”. Nhiều nông dân đưa ra lý do trên để không thanh toán tiền mua vật tư nông nghiệp của đại lý trước đó, khiến đại lý rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Chủ cơ sở này cho rằng, để giải quyết vấn nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, ngoài nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, đại lý kinh doanh, cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Vì không chỉ nông dân mà những đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chấp hành tốt quy định cũng trở thành nạn nhân của những doanh nghiệp làm ăn thiếu đạo đức, cố tình sản xuất hàng kém chất lượng.
Tăng cường xử lý vi phạm
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan như Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính... tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân thông qua các buổi tập huấn, hội thảo; hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, ổn định giá cả, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tổ chức kiểm tra đột xuất (khi có dấu hiệu vi phạm) để xử lý kịp thời, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo vệ người nông dân.
Theo Thanh tra Sở NN&PTNT, những tháng đầu năm 2023, đơn vị thực hiện 2 cuộc kiểm tra 50 cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp (1 cơ sở sản xuất phân bón), lấy 130 mẫu (phân bón 54 mẫu, thuốc bảo vệ thực vật 73 mẫu, hạt giống 3 mẫu) kiểm nghiệm.
Kết quả: 9/50 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hoá; 26/130 mẫu vi phạm chất lượng (15/130 mẫu không đạt chất lượng, 11/130 mẫu giả). Thanh tra Sở NN&PTNT tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, Thanh tra Sở NN&PTNT thực hiện 1 cuộc kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy 45 mẫu (thức ăn chăn nuôi 25 mẫu, thuốc thú y 20 mẫu). Kết quả: 1/17 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh, 14/45 mẫu vi phạm chất lượng (11/45 mẫu không đạt chất lượng, 3/45 mẫu giả). Đã xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với tổng số tiền hơn 91 triệu đồng.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Tấn Hưng