BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn nghệ làng ta: Mỹ thuật trẻ ra quân

Cập nhật ngày: 14/08/2011 - 10:54

Thế là sau cả năm thai nghén ý tưởng, rồi lại chăm chút từng ly, tấc, từng mảng khối, gam màu, những đứa con tinh thần của các hoạ sĩ Tây Ninh đã rõ hình hài. Những tưởng lòng đam mê nghệ thuật đã bị cùn mòn đi giữa biết bao toan tính cơm áo đời thường! Thế mà đến hẹn vẫn cứ lại lên. Anh em í ới gọi nhau về! Và rồi 21 tác phẩm của 18 tác giả đã cùng được tập hợp về văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh, để ngày 12.8 cùng ra mắt bạn bè tại Bình Phước - đơn vị đăng cai triển lãm mỹ thuật miền Đông Nam bộ 2011. Có lẽ đây cũng là lần ra quân hùng hậu nhất trong mấy năm qua.

Phố cũ - Sơn dầu của Nguyễn Phúc Nhẫn

Ta sẽ gặp lại các hội viên Mỹ thuật Việt Nam: Nguyễn Văn Bình vẫn trẻ trung và “quậy tưng” trong bức “Sóng tình” với hình dung những mềm mại thân hình nàng tiên cá, lẫn các đợt sóng bạc đầu trước gió. Anh lại còn vẫy vùng trong khoảng trời giấy dó của riêng mình. Trần Văn Chỉnh cũng “vượt lên chính mình” với cả sơn dầu và in đồ hoạ - một chất liệu mới thời kỹ thuật số. Chỉnh đã “số hoá” lòng mình bằng bố cục màu huyền ảo lẩn khuất gương mặt người hớn hở hoặc âu lo. Đặng Văn Thức vẫn trung thành với tranh khắc gỗ nhưng lần này có cả tranh kích thước lớn dài gần mét rưỡi, với những đường nét bạo tay, đậm đạp và chắc khoẻ. Ở “Tiếng vọng tuy nhỏ hơn nhưng lại ẩn chứa những suy tư nặng ký- có lẽ về môi trường và cùng với nó là đời sống hoang dã đang kêu cứu.

Lướt  qua lớp hoạ sĩ tuổi trung niên nhưng đã có bút pháp vững vàng ổn định…  để tìm đến tranh tượng các hoạ sĩ trẻ. Thấy mà mừng, bởi thế hệ này luôn luôn tung ra những “chiêu lạ mắt, lạ tư duy. Như Nguyễn Nam- khắc gỗ với “Xóm Sình- La Gi” là một bản màu rất đẹp và lạ mắt. Như Nguyễn Phúc Nhẫn với “Phố cũ”- sơn dầu nhưng lại là một thứ sơn dầu trăm phần trăm gốc Việt. Đấy là nhờ tranh vẽ trên một tấm nền bằng cót ép, những vệt nan cót bong ra đã góp vào tranh một ý tưởng lạ. Suy diễn ra một chút, có thể hiểu mọi đô thị dẫu hiện đại của ta đều có gốc gác của làng. Phan Hùng Dễ lại càng lạ hơn qua “Tĩnh vật”. Nền tranh bằng giấy báo tiếng Anh cũ kỹ đã ngả màu. Nhưng tĩnh vật ấy là những ấm, bình tích, chén sứ rất đặc trưng của đồ gốm Việt. Trong tranh, những món đồ quê kiểng ấy lại ngời lên đúng chất men quý của gốm sứ dân gian. Có vẻ như lại có ẩn ý gì đây về một thời hội nhập toàn cầu, những bản sắc Việt Nam sáng ngời kia không thể mất!

Trần Hoàng Hạc và tranh

Lớp hoạ sĩ hội viên trẻ nhất thường là giáo viên các trường phổ thông. Mạnh về khắc gỗ có Nguyễn Đình Bảo Trung, Nguyễn Tấn Bình và Nguyễn Tuấn Kiệt. Tấn Phát có bức sơn dầu “Ngày mai ra khơi” là bức duy nhất có đề tài về những người lao động- thợ đóng thuyền. Hai cô giáo Trần Thị Huyền Trinh và Nguyễn Cao Thanh Hồng có những tác phẩm sơn mài thật đẹp về tĩnh vật và hẻm phố. Điều đáng kể nhất ở triển lãm mỹ thuật miền Đông lần này là có sự góp mặt của 3 thế hệ một gia đình họa sĩ. Đấy là nữ hoạ sĩ Trương Thị Tho còn sung sức tuy đã kịp lên chức bà ngoại. Chị có bức “Mặt trời nhỏ” vẽ toàn các gương mặt trẻ em ngời sáng, tràn đầy niềm vui lẫn tình thương yêu. Đấy còn là cô con gái của chị- Phan Thị Bảo Thư với bức sơn dầu “Tây Ninh quê tôi” rất dung dị. Đặc biệt là cô cháu gái Trần Hoàng Hạc, năm nay mới lên lớp 8 nhưng đã có tranh tham gia với bức tĩnh vật “Bình hoa Việt” tràn đầy màu sắc dân gian, dân tộc.

N.Q.V