BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn thơ Tây Ninh: Được mùa xuất bản

Cập nhật ngày: 20/11/2011 - 12:30

Tính trên danh sách, số hội viên bộ môn Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh (VHNT) đã vượt quá con số 100. Còn theo thống kê mới, con số này hiện còn 75. Trước đây, số hội viên văn học tập trung đông nhất ở huyện Hoà Thành và thị xã Tây Ninh, nay đã rải đều khắp 9 huyện, thị trong tỉnh. Đặc biệt, ở huyện Tân Châu, sau khi Câu lạc bộ Thơ của huyện ra đời và hoạt động đã tập hợp được hơn 40 thành viên, qua đó đã giới thiệu cho Hội VHNT kết nạp 10 hội viên mới.

Nhiều hội viên lâu nay rất nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động văn học Tây Ninh hiện vẫn còn bền bỉ cộng tác với Hội như: Phan Phụng Văn, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Quốc Việt, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Văn Tài, Vũ Miên Thảo, Minh Phương, Đặng Mỹ Duyên, Nguyên Hạ, Nguyệt Quế, Phùng Thị Tuyết Anh, Đào Phạm Thuỳ Trang... Những hội viên kỳ cựu này cùng với số hội viên mới kết nạp về sau như Trần Nhã My, Đào Thái Sơn, Trương Thứ Bảy, Đặng Hoàng Thái, Vũ Thiện Khái, Bùi Bảo Kỳ, Hạ Vi Phong… đang là những cây bút chủ lực của văn học Tây Ninh.

Để tạo điều kiện chăm lo, giúp đỡ về chuyên môn cho đội ngũ cầm bút, phân hội Văn học đã thành lập Ban chủ nhiệm trại sáng tác văn học, hằng năm tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế sáng tác, giao lưu với các tỉnh bạn và mở một trại sáng tác tại tỉnh nhà. Phân hội cũng đã cử hàng chục lượt hội viên có năng lực tham gia các trại sáng tác do các hội chuyên ngành, Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam... tổ chức. Từ đó giúp các hội viên tích luỹ thêm kinh nghiệm, thực tế cuộc sống và nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu sáng tạo. Nhiều đầu sách đã được xuất bản với chất lượng ngày càng được khẳng định.

Một hoạt động cũng cần được ghi nhận là phân hội Văn học đã tổ chức được 2 cuộc toạ đàm, hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của 2 nhà văn Xuân Sắc và Vân An, nhằm tôn vinh những người đã có nhiều công sức đóng góp cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhìn lại các tác phẩm xuất bản trong 5 năm qua sẽ thấy không khí văn học đã thật sự khởi sắc. Phải nói chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của Chính phủ năm 2004 đã tạo ra bước phát triển “đột phá” này. Đây cũng là chất xúc tác, kích thích cảm hứng sáng tác trong lực lượng cầm bút tỉnh nhà. Song song với những đầu sách được xuất bản từ nguồn kinh phí tài trợ, một số cây bút tâm huyết trong và ngoài Hội đã tự đầu tư kinh phí xuất bản thêm nhiều đầu sách, tạo thêm sinh khí cho đời sống văn học Tây Ninh. Nếu như những năm về trước, Hội thường chỉ chú trọng đầu tư cho các tác phẩm in chung nhiều tác giả thì từ sau Đại hội VHNT lần thứ III đã có chủ trương thẩm định tác phẩm xuất bản của từng tác giả. Nhiều cây bút văn, thơ đã có đầu sách riêng như: Dòng sông và nỗi nhớ (Vũ Miên Thảo, NXB Văn nghệ - 2006), Chuyện đời đen trắng (Thạch Minh, NXB Hội Nhà văn – 2008), Mùa bông súng tím biếc (Nguyễn Khắc Luân, NXB Hội Nhà văn – 2009), Chớp mắt rồi cười (Trần Hoàng Vy, NXB Văn nghệ - 2009). Đặc biệt, trong 2 năm 2010 và 2011, sau khi nguồn kinh phí tài trợ tăng lên, số lượng đầu sách cũng tăng theo với 15 đầu sách: Về thơ có: Phơi rơm của Cảnh Trà, Đường Tim của Nguyễn Văn Tài, Những ngón tay rỉ máu của Trương Thứ Bảy, Chiếc bóng bên đời của Lê Thị Phù Sa, Nắng qua lăng kính của Kha Ly Chàm, Con sông chúng mình tập thơ của Nguyễn Thị Kim Liên… Văn thì có Duyên muộn của Phùng Thị Tuyết Anh, Tôi và Bạn – Bạn và Tôi của Nguyễn Đức Thiện, Nỗi niềm nghệ sĩ của Đặng Hoàng Thái, Khắc khoải tiếng rừng xưa của Phùng Phương Quý, Thằng Lại của Lê Bá… Hiện còn một số tác phẩm đang chờ thẩm định để tiếp tục in ấn. Chưa kể, bên cạnh đó, nhiều hội viên như Trần Hoàng Vy, Minh Phương, Nguyệt Quế, Trương Thứ Bảy, Sông Hương đã tự đầu tư kinh phí để in tác phẩm của mình. Riêng 2 nhà văn Nguyễn Đức Thiện và Trần Hoàng Vy được Hội Nhà văn và nhà xuất bản tài trợ để cho ra đầu sách. Tất cả đã góp phần làm cho diện mạo văn học Tây Ninh thêm sắc màu tươi mới.

LA NGẠC THUỴ