Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vẫn trăn trở phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Thứ bảy: 06:12 ngày 13/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vấn đề “hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần” vẫn là nội dung còn ý kiến nhiều chiều tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thực trạng day dứt

“Số người hưởng BHXH một lần tăng dần đều hằng năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này” - thực trạng này được nêu trong báo cáo giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Xã hội.

Còn theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia nhưng cũng có tới gần 4,06 triệu người rút BHXH một lần (tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 01 người rời khỏi hệ thống BHXH). 

Xét theo khía cạnh giới, số lượng lao động nữ hưởng BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam.

Cũng cần quan tâm, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần).

Điều này cho thấy việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn), phần nữa cũng do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...) nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ. 

Ảnh minh họa (Nguồn: MD) 

Lí giải nguyên nhân, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn.

Nguyên nhân nữa được chỉ ra là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Năm 2020 có khoảng 60% - 80% người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc làm. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần...

Trên thực tế, dù vì bất cứ lý do nào, khi nhận BHXH một lần, người lao động là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên và trực tiếp nhất. Bởi, số tiền họ nhận về ít hơn mức đóng, lại không được hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản hoặc không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, càng không được hưởng chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình.

Người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.

 Dù chọn phương án nào cũng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động

Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Lật đi, lật lại vấn đề, xem xét nhiều khía cạnh gắn với thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội, dự thảo luật đã đưa ra 2 phương án về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1: tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Khác với quy định hiện hành là, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Dù đã được góp ý, tiếp thu và chỉnh lý, song hai phương án trên trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn.

Qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, thì đa số cho rằng, Phương án 1 có nhiều ưu điểm. Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội dù ủng hộ phương án 1 như đề xuất của Chính phủ nhưng đề nghị cần xác định rõ hơn điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần...

Song cũng có ý kiến đồng tình với Phương án 2 với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1, theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 01/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần. 

Thể hiện sự thận trọng, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu về quy định này nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang “trở thành thói quen” mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta. 

Thực tế, hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khá nhạy cảm, phức tạp đã có tiền lệ trong quá khứ gặp phải phản ứng của một bộ phận người lao động khi có đề xuất thay đổi. Mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài./.

Nguồn dangcongsan.vn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục