Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vàng chưa ngừng tăng giá
Chủ nhật: 09:04 ngày 10/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thị trường vàng trong nước tiếp tục có những đợt tăng giá dữ dội của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999. Dù vàng liên tục tăng lên những mức giá cao kỷ lục mới và đã xuất hiện những lo ngại nhưng dường như đà tăng giá của kim loại quý này vẫn chưa dừng lại.

Vàng thế giới lập kỷ lục vượt 2.150 USD, giá trong nước cao chưa từng thấy

Trong sáng 7/3, vàng SJC lập đỉnh mới trên mốc 81,3 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cũng tiệm cận mốc 69 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất của loại vàng này từ trước đến nay.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết lần lượt ở mức 79,3 - 81,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 67,63 - 68,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong 2 ngày trở lại đây, giá vàng miếng tăng khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/lượng. Chưa đầy một tháng qua, từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng khoảng 7 triệu đồng/lượng. Đây là mức tăng cao nhất tính theo tháng, đồng thời liên tiếp phá vỡ hàng loạt kỷ lục về giá.

Giá vàng trong nước tăng mạnh liên tục trong thời gian vừa qua khiến thị trường vàng trở nên sôi động. Ảnh: Phạm Hùng
Giá vàng trong nước tăng mạnh liên tục trong thời gian vừa qua khiến thị trường vàng trở nên sôi động. Ảnh: Phạm Hùng
Trên thế giới, giá vàng vọt lên 2.151,34 USD/ounce (thời điểm 10 giờ sáng 7/3 giờ Việt Nam). Giá vàng tăng mạnh và lên đỉnh cao lịch sử trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chính trên thế giới, trong đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông cũng có lợi cho giá vàng - một kênh đầu tư an toàn.

“Lý do quan trọng khiến vàng tăng giá là chúng ta đang chứng kiến thị trường ngày càng tin rằng Fed đang tiến gần đến việc cắt giảm lãi suất” - chiến lược gia trưởng Bart Melek của Công ty TD Securities nhận định.

Kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra ở Dải Gaza vào tháng 10 năm ngoái, giá vàng thế giới hiện đã tăng hơn 400 USD/ounce. “Giá vàng có thể khó tăng cao thêm nhiều trong ngắn hạn, nhưng tôi cho rằng trong quý II, giá vàng có thể vượt qua ngưỡng 2.300 USD/ounce” - ông Melek nhận định.

"Đến thời điểm hiện tại, xu hướng chung của giá vàng là đang lên, chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng từ cuối năm ngoái đến nay vẫn còn, chưa bị triệt tiêu. Mấy ngày nay, việc giá vàng thế giới tăng cũng nằm trong dự báo. Từ nay đến cuối năm, dự báo giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.200 - 2.300 USD/ounce" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nói.

Nội Nếu giá vàng thế giới có tăng lên mức như dự báo 2.200 - 2.300 USD/ounce thì giá vàng trong nước tính đúng, đủ chỉ đạt ngưỡng cao nhất là 78 triệu đồng/lượng rồi quay đầu giảm. Vì vậy, nhà đầu tư không nên mua vàng vào thời điểm này nếu có ý định "lướt sóng" kiếm lời.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh

Nhiều người lùng mua vàng

Trước biến động của giá vàng, những ngày gần đây, giao dịch trên thị trường vàng Việt Nam diễn ra khá sôi động, đặc biệt mặt hàng như nhẫn tròn trơn đã xảy ra tình trạng "cháy" hàng cục bộ. Nhiều người có tâm lý đầu tư vàng theo kiểu “lướt sóng” để kiếm lời.

Tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 5/3, tái diễn cảnh người dân phải xếp hàng, lấy phiếu chờ 15 - 20 phút mới được vào giao dịch. chị Kim Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) mua vào 10 chỉ vàng nhẫn và 2 lượng vàng miếng. “Giờ lãi suất ngân hàng thấp không hấp dẫn nên tôi chỉ mua bán vàng” - chị Kim Anh nói.

Thời điểm này lại chứng kiến cảnh dân tranh thủ chốt lời hay mua gom vàng, bất chấp giá vàng miếng SJC đang ở ngưỡng cao ngất 81,3 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn cao nhất trong lịch sử gần 69 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng cũng khiến những người vay vàng méo mặt. Năm ngoái, thấy vàng miếng SJC loanh quanh ngưỡng 68 - 70 triệu đồng/lượng, chị Hoài Phương đợi giá giảm sẽ tích lũy mua dần để trả nợ. Nhưng càng chờ giá càng đi lên và giờ đây giá liên tục tăng lên mức chưa từng có.

“Sau 3 năm, với khoản vay chưa tới 150 triệu đồng nhưng giờ đây nếu người thân đòi thì tôi phải chi tới 250 triệu đồng ra mua vàng miếng SJC để trả. Con số này tương ứng với mức lãi suất lên đến 20%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng” - chị Phương than thở.

Kể từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng trong nước liên tục "nhảy múa" theo sự biến động của giá vàng thế giới, xu hướng chủ đạo là tăng lên. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,3 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 4,2 - 4,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng tăng của giá vàng thế giới và nhu cầu mua vàng trong nước tăng giữa lúc nguồn cung khan hiếm.

“Việt Nam không sản xuất vàng mà là nhập khẩu. Vấn đề là cung - cầu đang bất đối xứng, cầu có mà cung không có; thị trường vàng Việt Nam chưa liên thông với thị trường vàng thế giới, nhiều khi giá vàng thế giới tăng 1 nhưng giá vàng trong nước tăng 2” - ông Huỳnh Trung Khánh nói.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng, trong suốt 10 năm qua, chắc chắn lượng cung vàng trên thị trường ngày càng bị thu hẹp, một phần nằm trong két sắt của người dân, một phần chuyển hóa thành vàng trang sức và xuất khẩu.

“Chưa kể, người tiêu dùng Việt bị hiệu ứng FOMO, tức sợ bỏ lỡ không mua vàng bây giờ thì giá càng tăng cao. Đây cũng là một nguyên nhân lý giải vàng trong nước đang tăng kỷ lục như hiện nay” - ông Phương nói.

Vàng trong nước bị làm giá?

Chênh lệch bất thường giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng với khoảng cách mua - bán bị đẩy lên rất cao dẫn đến rủi ro rất lớn cho người mua vàng. Tỷ lệ thuận với lượng người mua lớn sẽ là giá ngày càng tăng cao, và cứ như thế, vàng nhẫn ngày càng hút khách, từ đó chuyện khan hàng có thể xảy ra.

Quan sát thị trường, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết, trên thị trường vàng hiện tại, có một số tiệm vàng nắm giữ một số lượng vàng lớn và có tập khách hàng và lượng giao dịch hằng ngày lớn. Ưu thế này khiến họ dường như chi phối được giá vàng trong nước.

Họ là những “market maker” (những người tạo lập thị trường, được quyền đưa ra mức giá), còn những người mua bán vàng cho họ chỉ có lựa chọn chấp nhận mức giá đó. Nguyên tắc là “nhà cái” luôn thắng nên họ luôn đưa ra mức giá nào có lợi nhất cho họ, khi giá tăng sẽ đẩy giá tăng ngay, còn khi giá giảm sẽ từ từ giảm để bảo đảm lợi nhuận.

"Dự báo từ nay đến cuối năm, nếu Việt Nam không có giải pháp tăng nguồn cung, giá vàng trong nước sẽ tăng tỷ lệ thuận theo giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trong nước có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn có thể lên tới 73 - 74 triệu đồng/lượng"- ông Huỳnh Trung Khánh nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường thay đổi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng. “Giá vàng trong xu hướng đi lên, với khoảng 40% xác suất lên được mức 85 triệu đồng/lượng”, ông Hiếu dự đoán nhưng cũng lưu ý, rất khó để đoán định được mức tăng tại thời điểm này vì giá vàng đang biến động dữ dội.

Các chuyên gia tài chính khuyến cáo: nhà đầu tư thận trọng “lướt sóng” vàng vì chênh lệch giá mua bán đang rất lớn. Nếu quyết định mua vàng cần xem xét tình hình tài chính, phân bổ danh mục đầu tư hợp lý, không vay tiền để mua vàng.

Nhà đầu tư nên bình tĩnh không nên lao vào “cơn sốt” vàng bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Triển vọng vàng về dài hạn vẫn tích cực. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới tăng với tốc độ rất nhanh và đang ở đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại như hiện nay, áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trở lại. Theo các tín hiệu kỹ thuật, vàng đang ở trong tình trạng quá mua. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng có thể quay đầu giảm nếu hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục