Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vang xa những khúc ca hào hùng
Thứ tư: 09:45 ngày 23/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua từng ca từ, vần thơ, những nhạc sĩ, nhà thơ Tây Ninh đang lan toả, làm đẹp hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng quên mình vì nhiệm vụ.

Lãnh đạo Công an Tây Ninh tặng hoa tri ân những tác giả đã có ca khúc sáng tác về lực lượng Công an nhân dân và chiến sĩ Công an nhân dân ưu tú

Trung tá Phạm Thanh Thuý (tác giả Nhất Minh)- Đội trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh vừa bước chân vào con đường sáng tác ca cổ hai năm nay. Chị chia sẻ, vốn thích nghệ thuật dân tộc, chị vẫn hay ngân nga những bài vọng cổ ngợi ca quê hương, tình đồng chí, đồng đội, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc sáng tác. Năm 2021, xúc động trước sự hy sinh của chiến sĩ Công an Lê Huỳnh Nhật Minh- người con quê hương Bến Cầu đã ra đi vì nhiễm Covid-19 khi đang làm nhiệm vụ, chị sáng tác bài vọng cổ “Mẹ ơi đừng khóc vì con” vỏn vẹn trong vòng một giờ đồng hồ.

“Tôi với Minh là đồng đội, nhưng chưa từng quen biết. Qua những bài viết, những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của em, tôi cảm nhận được Minh là một chiến sĩ trẻ yêu đời, luôn hết mình vì nhiệm vụ. Tôi thật sự xúc động và cảm phục trước tình cảm của Minh dành cho mẹ. Thời điểm đó, dù đang chống dịch với rất nhiều gian khó nhưng Minh vẫn lạc quan, luôn chia sẻ những khoảnh khắc tươi vui để mẹ vững lòng. Tình cảm dạt dào đó đã khiến trái tim người mẹ trong tôi lay động, tôi muốn thay Minh gửi đến mẹ em những lời tâm tình, động viên cô vơi bớt nỗi đau quá lớn này”- chị Thuý nói. Bài vọng cổ ấy ra đời và được nghệ sĩ Thanh Nhường- Đoàn Văn công Quân khu 9 thể hiện, ngay lập tức nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của đông đảo mọi người và đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải A tại Cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Vừa qua, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đợt sáng tác về “Lực lượng Công an và người chiến sĩ Công an ưu tú”, chị Thuý có dịp cùng đi với mọi người đến thăm di tích lịch sử Bàu Rong tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Sau chuyến đi, chị viết nên bản vọng cổ “Ký ức Bàu Rong” như một lời tri ân của cán bộ chiến sĩ Công an Tây Ninh gửi đến 10 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này.

Trung tá Phạm Thanh Thuý bên nghệ sĩ Kim Tuyến- người thể hiện ca khúc “Ký ức Bàu Rong”

Hiện nay, tác giả Nhất Minh cũng vừa hoàn thành phần lời của bài ca cổ “Nỗi lòng của mẹ”- viết về câu chuyện của liệt sĩ Trần Văn Lành- người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh). Anh đã hy sinh khi cùng đồng đội tìm kiếm người mất tích dưới lòng kênh năm 2019.

“Tôi muốn qua những bài ca cổ này sẽ lan toả nhiều hơn những hy sinh, cống hiến của các chiến sĩ Công an, và mong mọi người hãy cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho xã hội”- Trung tá Phạm Thanh Thuý nói.

Thầy giáo Huỳnh Văn Oanh (nhạc sĩ Huỳnh Oanh) với niềm đam mê âm nhạc của mình đã sáng tác rất nhiều bài hát thuộc nhiều thể loại, trong đó có những ca khúc viết về lực lượng vũ trang. Ca khúc anh sáng tác gần đây nhất là bài “Vì cuộc sống bình an”. Bài hát được viết tặng chiến sĩ Công an nhân dân Nguyễn Huỳnh An Khang đã hy sinh trên đường tuần tra truy bắt tội phạm. Tác giả Huỳnh Oanh kể, trong chuyến thực tế sáng tác, ghé thăm gia đình liệt sĩ An Khang, anh được nghe câu chuyện về người chiến sĩ trẻ đã mãi mãi ra đi ở tuổi 27, bỏ lại sau lưng người mẹ già và một mối tình còn dang dở.

 Tác giả Huỳnh Oanh ấn tượng với câu chuyện cảm động về người chiến sĩ có tuổi thơ cơ cực, lớn lên từ gánh chè mộc mạc của người mẹ nghèo miền biên giới Bến Cầu. Chàng trai ấy luôn khát khao được đứng vào hàng ngũ Công an nhân dân. Anh đã không ngừng học tập, rèn luyện để đến ngày nhận quyết định, chạy về sà vào vòng tay mẹ mà khoe rằng: “Mẹ ơi, nay con thành công an thật rồi!”. Hình ảnh này được nhạc sĩ chuyển tải thành câu hát: “Ôm lấy mẹ khoe niềm hạnh phúc” đầy tâm đắc.

Thời gian qua, nhiều bài hát về các chiến sĩ lực lượng vũ trang được tác giả Huỳnh Oanh miệt mài sáng tác. Hơn 10 năm trước, anh đã chấp bút viết “Rạng ngời Công an Tây Ninh”; hay nhạc thiếu nhi “Em là Cảnh sát giao thông” được Bến Thành audio viedeo phát hành DVD. Gần đây là những chuyến thực tế sáng tác về Lữ đoàn tàu ngầm 189- thuộc vùng 4 Hải quân, Trung đoàn 935 Phòng không không quân; Trung đoàn Pháo cao xạ 230 với những ca khúc “189 Lữ đoàn kình ngư”, “Tình yêu cùng những cánh bay”…

“Tôi luôn mong muốn được dùng giai điệu, lời ca để truyền tải những nhọc nhằn, vất vả, hy sinh của người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang”- nhạc sĩ Huỳnh Oanh nói. Tác giả cũng chia sẻ thêm, viết về lực lượng vũ trang, bản thân anh không ngại sự “khô cứng”, bởi anh đã dùng ca từ, phép ẩn dụ, nhân hoá sự vật, hiện tượng để chúng “có tình” và đẹp hơn. 

Không dùng lời ca, tác giả Mai Tuyết lại thể hiện tình cảm của mình với lực lượng vũ trang qua những vần thơ. Nhà thơ Mai Tuyết chia sẻ, từ năm 2015, được tham gia vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cô có nhiều dịp đi cùng anh chị em văn nghệ sĩ tìm hiểu cuộc sống, nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ, người chiến sĩ Công an: những chàng trai “Trái tim ấy. Trước quân thù luôn mạnh mẽ/ Trước tình yêu anh vẫn cứ ngây ngô”.

Nhà thơ Mai Tuyết có dịp đi nhiều nơi, đó là Chốt dân quân thường trực Mít Mọi (Tân Đông, Tân Châu); là Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên; là Trung ương Cục miền Nam… Mỗi chuyến đi, cảm xúc trong cô lại cuộn trào. Bởi có quá nhiều những hy sinh thầm lặng, có quá nhiều những mất mát đau thương và cũng không ít những hào hùng làm nên chiến tích.

“Viết giữa tháng Tư”, chạm tay vào quá khứ, nhà thơ chợt thảng thốt: “Sao bia mộ có người ghi tên mà không ghi họ/lặng lẽ nơi này. Quê hương cũng không ghi rõ”.

“Đây là cảm xúc của tôi khi đến thắp hương tại Nghĩa trang Ban An ninh Trung ương Cục ở Đồi 82 vào tháng 4 vừa qua. Nhìn những ngôi mộ vô danh, tôi không khỏi bùi ngùi. Lúc thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi không cầm được nước mắt. Các anh đã hy sinh quá nhiều. Đến tên họ của các anh cũng không còn”.

Không chỉ chiến tranh mới chia ly, cách trở. Giữa thời bình, vẫn có những phút giây xa cách. Người vợ hiền một mình chăm con cho chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Đó là hình ảnh người con gái trong bài thơ “Có thể bây giờ” của nhà thơ Mai Tuyết.

“Có thể bây giờ anh tạm xa em

Nghe mùa hạ trên đầu chang chang nắng

Để bên đời bớt đi vai gánh nặng

Lặng lẽ đi về hạnh phúc riêng chung

.....

Giờ thời bình mà anh vẫn luôn vắng mặt

bởi phía trước vẫn cần anh gay gắt

đấu tranh với tội phạm. Để chúng mình hạnh phúc được gọi tên”

Đâu đó trong những trang thơ, ta bắt gặp hình ảnh người Cảnh sát giao thông đường thuỷ với tinh thần trách nhiệm đêm ngày tuần tra trên dòng sông quê hương “dù nắng cháy thịt da mặc bão dông dữ dội”; ai đó đang ngân nga khúc hát về người lính quân hàm xanh đêm ngày tuần tra trên biên giới vì bình yên cuộc sống…

Mỗi ca khúc, bài thơ là tình cảm trân quý, biết ơn mà các nghệ sĩ, nhà thơ mong muốn được thể hiện, đáp đền những cống hiến, hy sinh thầm lặng đến các anh- những chiến sĩ Công an, những người lính Cụ Hồ. Dù trong thời bình hay giữa khói lửa chiến tranh, các anh vẫn luôn “trung với Đảng, hiếu với dân”, sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Ngọc Diêu - Vi Xuân

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục