Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài tham dự Cuộc thi viết phóng sự, ký sự:
Vào nơi “bác sĩ” chuyên khoa…vặn bẻ
Thứ bảy: 05:25 ngày 13/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không cần khám bệnh, nghe bệnh nhân khai bị đau chỗ nào là “bác sĩ” vặn bẻ, giẫm đạp hay bấm huyệt lên chỗ ấy. Ðó là cách trị bệnh quái lạ của một nhóm người tự xưng là “bác sĩ”, hiện đang hành nghề trong một ngôi nhà khang trang ở ấp Hội Phú, xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

“Bác sĩ” Tuấn chữa bệnh cho ông S ở nhà trước.

MUỐN TRỊ BỆNH PHẢI NGHE KINH VÀ QUỲ LẠY

Nhìn bề ngoài, căn nhà tường khang trang, rộng rãi của vợ chồng ông Ðông, bà Hường cũng yên ắng như bao nhiêu gia đình khác ở ấp Hội Phú, nhưng khi bước vào mới cảm nhận được nơi đây là một thế giới hoàn toàn khác lạ.

Chúng tôi vừa dừng xe trước sân nhà, bà Hường, trạc 40 tuổi, nhanh chân bước ra, chỉ tay về phía vườn cây cao su ở sau nhà, bảo: “Ðem xe ra ngoài đó cất, tránh người ta dòm ngó khi nhà có đông người”. Sau hè, có cả chục chiếc xe gắn máy dựng dưới bóng râm. Trong nhà sau, có hơn mười người đàn ông, đàn bà ngồi trên ghế, nằm võng hay ngồi bệt dưới nền gạch để chờ trị bệnh.

Cạnh đó, có hai người đàn bà nằm sấp trên một chiếc chiếu. Trực tiếp chữa trị cho hai bệnh nhân này là hai nam thanh niên trạc 25, 30 tuổi mà các bệnh nhân ở đây gọi cung kính là “thầy”. Cách chữa trị của hai “thầy” này khá lạ. Họ dùng gót chân hoặc dùng cùi chỏ ấn trên lưng bệnh nhân. Có khi họ nắm chân, tay bệnh nhân bẻ quặt lên trên, quẹo qua phải, quẹo qua trái hết cỡ, đến khi nào người bệnh la lên họ mới dừng lại. Một bệnh nhân nam ngồi dựa lưng vào một chiếc ghế bố để sát vách tường, một “thầy” nắm tay chân người bệnh vặn, bẻ búa xua, không theo một phương pháp nào cả.  

Ở nhà trên, rèm treo che kín hết tất cả cửa cái, cửa sổ. Trong nhà chỉ còn ánh sáng lờ mờ và tiếng quạt máy chạy rì rì. Giữa nhà, đặt hai bàn thờ thờ các đấng thiêng liêng của hai tôn giáo khác nhau. Những bệnh nhân mới được chủ nhà dẫn lên nhà trên làm lễ “ra mắt các đấng”.

Các bệnh nhân mới cùng bà Hường quỳ trước bàn thờ, nghe bà gõ chuông, đọc kinh và lạy, xá nhiều lần, sau đó mới ra nhà sau ngồi chờ đến lượt chữa trị. Những lúc đông khách nhưng chưa có bệnh nhân mới làm lễ “ra mắt”, căn nhà trên cũng được dùng làm chỗ chữa bệnh. Ở đó có một nam thanh niên “chuyên khoa” chữa trị các bệnh viêm xoang, nhức đầu, đau mắt v.v... Thanh niên này tỏ ra có kinh nghiệm dày dặn về điều tra lý lịch của bệnh nhân. Anh ta hỏi rất kỹ về địa chỉ cư ngụ, mối quan hệ với người giới thiệu v.v…

Sau phần thẩm vấn, cảm thấy yên tâm về bệnh nhân, người thanh niên này mới cởi mở tự giới thiệu là “bác sĩ”, tên Kim Tuấn, nhà ở tỉnh Bình Dương, thường xuyên qua nhà của người chị kết nghĩa là bà Hường để phụ với chị và hai đệ tử chữa bệnh.

“Bác sĩ” Tuấn khoe: “Từ sáng tới giờ, tôi đã chữa trị cho 40 người rồi. Buổi chiều còn đông bệnh nhân hơn, sẽ có thêm nhiều bác sĩ nữa đến phụ chữa bệnh. Làm xong ở đây, tôi còn phải đi xuống xã Trường Tây, huyện Hoà Thành để chữa bệnh cho 15 bệnh nhân khác đang chờ ở đó”.

Ở nhà sau, một thầy thuốc khác vặn bẻ cho bệnh nhân.

CHỮA TRỊ HAY HÀNH HẠ NGƯỜI BỆNH ?   

Vừa chuyện trò, “bác sĩ” Tuấn vừa trị bệnh cho một phụ nữ bị viêm xoang đến từ tỉnh Bình Dương. Người bệnh nằm ngửa trên nền gạch, “bác sĩ” Tuấn dùng hai tay ấn trên đỉnh đầu bệnh nhân, vùng mặt và xương hàm người bệnh. Nét mặt của bà thể hiện sự đau đớn tột cùng nhưng không dám kêu la. Vừa xong, bà lết ra ngồi dựa lưng vào vách tường, thều thào nói nhỏ: “Ðau quá, nhưng ráng chịu, vì nhà ở xa lâu lâu mới tới đây một lần”.

Một vài bệnh nhân lớn tuổi được ưu tiên cho lên nhà trước để “bác sĩ” Tuấn chữa. Chứng kiến một cụ ông bị hành hạ, chúng tôi toát mồ hôi ướt cả áo. Cụ ông nằm sấp xuống nền gạch, hai tay “bác sĩ” nắm hai cổ chân bệnh nhân bẻ ngược lên, đồng thời dùng gót chân phải dẫm mạnh lên xương sống.

Cứ mỗi lần vị “bác sĩ” này dùng hết sức bình sinh nhấn xuống là bệnh nhân kêu rên: “Ui da, đau quá thầy ơi!”. Có lúc bệnh nhân đau quá cong người lại như con tôm. Bệnh nhân càng rên la, “bác sĩ” càng dẫm mạnh hơn. Trị bệnh xong bằng kiểu này, “bác sĩ” Tuấn đổi qua kiểu khác, nắm một chân trái của bệnh nhân bẻ cong lên, dùng chân phải tiếp tục đạp lên xương sống người bệnh và nhấn xuống. Ðộng tác đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi “bác sĩ” Tuấn buông ra, bệnh nhân ngồi quặt quẹo một chỗ. Mãi một lúc sau ông mới lê bước nổi ra ngoài.

Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đá ngoài sân, cụ già kể: “Tôi tên S, 75 tuổi, nhà ở xã Tân Ðông, bị đau xương khớp mấy năm nay, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không tiền đi bệnh viện chữa trị. Nghe đồn ở đâu có thầy bà trị bệnh làm phước là tôi tìm đến, biết đâu phước chủ may thầy. Qua bốn lần đến đây chữa trị, ông S biết rõ về gia đình này. Chỉ vào chiếc xe tải đậu trước sân nhà kế bên, ông kể, trước đây, vợ chồng bà Hường làm nghề thu mua mủ cao su.

Hiện nay, ông Ðông- chồng bà Hường vẫn làm tài xế chạy chiếc xe tải đó để đi chở mủ, còn bà Hường, mấy năm nay ở nhà làm thầy trị bệnh. Mỗi ngày có bảy tám chục bệnh nhân đến đây trị bệnh. “Hồi sáng, tôi thấy có khoảng 20 người. Tôi phải chờ đến giờ này mới được chữa trị”, ông S nói.

Hỏi về khoản trả công điều trị cho các “bác sĩ” ở đây, ông chỉ tay về phía những bao gạo trong nhà, nói: “Tôi thấy, những bệnh nhân khác khi trị hết bệnh thì mua một bao gạo 25kg đem đến trả lễ cho thầy. Ai không có tiền đem đến nửa bao cũng được. Tôi hoàn cảnh khó khăn, chưa có tiền nên chưa mua”.

Ngoài nhà sau và nhà trước, phòng ngủ của gia chủ cũng được trưng dụng làm nơi chữa trị cho bệnh nhân bị đau ở những vùng nhạy cảm. Giữa trưa, sau khi cơm nước xong, hầu hết các thầy đều lên nhà trên nằm ngủ, “bác sĩ” Tuấn vẫn chữa trị bệnh cho một bệnh nhân nữ trong phòng. Qua cánh cửa hé mở, chúng tôi thấy nữ bệnh nhân khoảng 25 tuổi nằm ngửa, vén áo lên cao, còn “bác sĩ” Tuấn đặt một túi gì đó lên bụng người phụ nữ rồi ấn xuống lăn qua lăn lại, thấy lạ, chúng tôi hỏi thì được biết “bác sĩ” đang “trị tan mỡ” cho bệnh nhân.

Một số bệnh nhân đến muộn, buổi sáng chưa được điều trị nằm, ngồi vạ vật trong nhà, ngoài vườn chờ đợi. Chúng tôi hỏi thăm một bệnh nhân nữ, chị cho biết nhà ở xã Tân Ðông, đã đến đây điều trị được 3 lần. Những lần trước mấy đệ tử của thầy Kim Tuấn trị nên ít đau. Bữa nay, thầy Tuấn trực tiếp ra tay nên đau hơn. Bệnh nhân này tả: “Thầy cứ bóp mạnh từ trên vai kéo xuống tới bàn tay. Ðau quá, không chịu nổi, tôi khóc luôn tại chỗ”.

Chị L, nhà ở TP Hồ Chí Minh kể: “Hôm trước tôi thấy một bệnh nhân bị mù hai mắt, nhà ở tỉnh Bình Phước cũng đến đây trị bệnh; kết quả sau khi điều trị bằng cách đặt muối lên đỉnh đầu, dùng lửa hơ, mắt vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng, còn trên đầu bị lột da, rướm máu. Cuối cùng, người bệnh phải lọ mọ đón xe về Bình Phước, tới nay không thấy trở lại, chẳng biết bệnh tình ra sao”.

Một số bệnh nhân ngồi chờ đến lượt mình chữa trị.

THẮC MẮC CHƯA CÓ LỜI ÐÁP

Qua tiếp xúc với các bệnh nhân, chúng tôi được biết những người đến nhờ các “thầy” trị bệnh đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Có người mới đến lần đầu, có người đi được 3, 4 lần. Hầu hết bệnh nhân đều mang hoa quả để cúng kiếng. Có một số người mang gạo, nước tương, rau củ để nấu thức ăn đãi những bệnh nhân ở xa.

Một vài người bệnh không nặng, trong lúc chờ trị bệnh tự nguyện xuống nhà bếp nấu cơm, làm thức ăn chay đãi mọi người. Một người cùng địa phương thường xuyên đến đây trị bệnh và làm công quả nấu nướng thức ăn cho biết, các “thầy” ở đây làm việc rất bài bản, có giờ giấc rõ ràng. Buổi sáng chữa bệnh từ 7 đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều, từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ. Hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, chủ nhật nghỉ.

Rời căn nhà bà Hường, nhìn thấy còn nhiều người tiếp tục đến để được điều trị bệnh, chúng tôi hết sức băn khoăn: Một căn nhà thường xuyên tụ tập đông người, hoạt động chữa bệnh một cách phản khoa học và có phần mê tín dị đoan như thế, lẽ nào lâu nay chính quyền địa phương và ngành chức năng không hề hay biết?

Thảo Nguyên- Sông Ninh

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục