Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vật giá leo thang, người lao động thêm chật vật
Thứ ba: 23:06 ngày 29/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, mức thu nhập từ lương của người lao động không theo kịp mức tăng giá của một số dịch vụ, mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Các loại rau, củ quả cũng tăng giá khiến đời sống hằng ngày của người dân càng thêm khó khăn.

Từ ngày 1.7.2023, mức lương của cán bộ, công chức, người làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước được tăng thêm 20%, nhiều khoản trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng được điều chỉnh giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một bộ phận người lao động, tạo điều kiện cho người lao động cải thiện đời sống.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp chậm trả lương, nhiều lao động phải nghỉ việc không hưởng lương, thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí bị mất việc làm...

Giá hàng hoá thiết yếu tăng nhanh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 25.8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Giá gạo 5% tấm trong ngày 25.8 ở mức 638 USD/tấn, tăng 105 USD/tấn so với ngày 19.7 (thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu). Giá gạo 25% tấm cũng từ 513 USD/tấn ngày 19.7 lên 623 USD/tấn vào cuối tuần qua.

Thị trường lúa gạo trong nước càng về cuối vụ Hè Thu, giá lúa mua tại ruộng của nông dân cũng đã tăng lên trên 7.500 đồng/kg, Trong khi đó, giá gạo tại các điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh được ghi nhận tăng hơn 100.000 đồng/bao (mỗi bao 25kg), điều này ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hằng ngày của nhiều người.

Bà Nguyễn Thị Kiều, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, gia đình bà vừa mới mua 1 bao gạo Tài nguyên thơm 450.000 đồng vào ngày 26.8.2023, so với tháng trước, cùng loại gạo trên bà mua chỉ 335.000 đồng/bao.

Theo tìm hiểu của người viết tại nhiều đại lý gạo trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, giá nhập gạo ở thời điểm hiện tại đã tăng từ 10%-15%, loại nào cũng tăng giá. Trong đó, một số loại gạo phổ biến như: gạo Hương Lài có giá 17.500 - 19.000 đồng/kg (tuỳ nơi bán), gạo thơm Thái 20.000 - 21.500 đồng/kg, gạo thơm lài Campuchia 23.000 - 25.000 đồng/kg, gạo Tài nguyên Chợ Đào giá 24.000 đồng/kg, gạo thơm Nhật 23.000 đồng/kg, gạo tấm thơm 17.000 đồng/kg… mức giá này đều tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng 7.

Anh T.T.D, chủ một đại lý gạo tại phường 2, thành phố Tây Ninh cho biết, hiện tại, cửa hàng anh không có loại gạo nào giá dưới 14.000 đồng/kg. Khách mua số lượng nhiều thì phía cửa hàng mới giảm giá lấy chiết khấu. Theo anh D, giá gạo thay đổi theo ngày nên cửa hàng không nhận đặt hàng trước.

Bà Loan, kinh doanh gạo tại chợ Long Hoa cho biết, từ cuối tháng 7 đến nay, giá gạo nhập về cứ tăng dần, trước đây có loại gạo giá từ 10.000 đến 13.000 đồng/kg nhưng bây giờ, gạo rẻ nhất cũng 14.000 đồng/kg. Không có gạo nào dưới 14.000 đồng/kg.

Trong 5 phiên điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng, hiện đã gần chạm mốc 25.000 đồng/lít xăng A95, điều này tác động rất mạnh khiến chi phí vận chuyển, dịch vụ tăng thêm, đẩy giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu tăng theo.

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ một sạp kinh doanh thịt ở chợ Tây Ninh (phường 2, TP. Tây Ninh) cho biết, thời gian gần đây, giá nhiều loại thực phẩm tăng cao so với đầu năm nay. Trong đó, giá các loại thịt gà tăng khá cao trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Giá đùi gà công nghiệp làm sẵn tăng 10.000-15.000 đồng/kg, hiện ở mức 75.000-80.000 đồng/kg; ức gà công nghiệp tăng 10.000 đồng/kg, lên mức 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, sức mua lại giảm nhiều.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, bán rau củ quả tại chợ Tây Ninh, thời gian gần đây tình hình buôn bán chậm hơn do người dân thắt chặt chi tiêu. Mặc dù bán chậm nhưng giá các loại rau củ quả tại sạp vẫn phải phụ thuộc vào tình hình nguồn cung, nhà vườn.

Hiện giá một số loại rau củ quả có “nhích” nhẹ như: bắp cải có giá 15.000 đồng/kg, cải thảo 12.000 đồng/kg, khoai tây 17.000 đồng/kg...  mưa nhiều như những ngày qua, rau củ quả đã tăng khoảng 20%-30% so với điều kiện thời tiết bình thường.

Người lao động lâm vào khó khăn

Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ không hưởng lương khiến đời sống một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động gặp khó khăn, trong khi giá lương thực, thực phẩm thiết yếu liên tục tăng cao.

Chị Lê Nguyễn Kiều Trang, công nhân lao động tại Khu công nghiệp Phước Đông cho biết, hơn 2 tháng nay, công ty nơi chị làm việc thiếu đơn hàng nên công nhân được cho nghỉ luân phiên, số ngày lao động của chị trong tháng 7 chỉ được 15 ngày, không được tăng ca nên số tiền chị nhận được gần 3 triệu đồng.

Trong khi đó, chỗ làm của chồng chị đang trong đợt cắt giảm nhân sự, làm việc cầm chừng nên tổng thu nhập của hai vợ chồng trong tháng 7 chưa được 5 triệu đồng, sau khi trả tiền thuê phòng và chi phí ăn uống, đi lại, gia đình chị gần như không dư được đồng nào.

Theo chị Trang, hiện nay, mọi thứ sinh hoạt đều tăng, từ giá điện, giá xăng, giá gạo, giá sữa, giá thịt, cá… mỗi khi đi mua sắm chị phải đắn đo, suy tính rất kỹ, nếu như trước đây, khi có công việc ổn định, mỗi ngày hai vợ chồng chị chỉ tốn tiền ăn sáng và tối vì thời gian làm việc trong công ty, công nhân được ăn trưa, nếu có tăng ca thì thêm bữa ăn chiều nên tổng chi phí trong ngày của 2 người chỉ khoảng 100.000 đồng.

Ông Lương Anh Quốc, ngụ xã Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, làm nghề chạy xe ba gác cho biết, mặc dù giá xăng đã tăng đến lần thứ năm nhưng giá cước vận chuyển hàng hoá không thể tăng theo vì nếu tăng cao hơn thì “nằm chờ dài cổ” cũng không có ai gọi. “Mỗi ngày kiếm được cuốc xe là mừng lắm, giờ lấy công làm lời chứ đừng nghĩ tới chuyện tăng giá, khách không kêu là đói”- ông Quốc tâm sự.

Đối với những người đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, nhất là những người chỉ có nguồn thu nhập chính từ lương, không có nguồn thu nào khác, đợt tăng lương ngày 1.7.2023 vừa qua, cao hơn mức cũ 310.000 đồng/một hệ số là khoản bù đắp rất cần thiết.

Anh P.V.H là cán bộ một xã ở huyện Dương Minh Châu cho biết, với mức lương sau điều chỉnh, tính luôn cả phụ cấp chức vụ, mỗi tháng anh lãnh được gần 6 triệu đồng. Tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng anh hơn 10 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, anh phải lo cho hai đứa con nhỏ đang tuổi đến trường, khoản chi tiêu mỗi tháng của gia đình anh cũng gần hết con số ấy, gần như không có tích luỹ, nên mỗi khi gia đình có người đau ốm, phải nằm bệnh viện hay vấn đề bất khả kháng đều khiến anh hết sức lo lắng.

Theo anh H, với những người làm công ăn lương, tăng lương là tin rất vui. Tăng lương cũng đồng nghĩa với việc gia đình anh có thêm thu nhập để chi tiêu, cải thiện mức sinh hoạt. Tuy vậy, mức tăng này cũng không thấm vào đâu, từ sau tháng 7 đến nay, mọi loại nhu yếu phẩm đều đã tăng giá. Năm học mới đã đến, anh đang rất lo vì số tiền phải mua sách, vở, đồng phục và các khoản phí khác của hai đứa con với mức thu nhập như hiện nay sẽ khó lòng kham nổi.

Nói đến việc tăng lương, nhiều người lao động rất mừng nhưng họ lo lắng về vấn đề giá cả tăng theo. Bởi chưa tăng lương thì giá đã tăng và không cần tăng lương thì giá cũng tăng. Người dân mong muốn Nhà nước có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống.

Nguyên An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục