BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vất vả nghề hái rau sông

Cập nhật ngày: 22/04/2014 - 04:21

Thu hoạch rau sông

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ tại ấp Phước Trung làm nghề hái rau sông đã được 13 năm. Mỗi ngày, từ sáng tinh mơ anh Tuấn đã bắt đầu công việc của mình. Muốn hái rau, anh phải dùng ghe men theo bờ sông, bờ rạch mà tìm.

Dụng cụ mang theo rất đơn giản, chỉ là một cây dài khoảng 4m có gắn sẵn cái liềm bén ngót dùng để móc những đọt rau tận trên cây cao.

Rau sông rất đa dạng, phong phú về cả chủng loại và hương vị. Anh Tuấn nhẩm sơ sơ cũng kể ra hơn 15 loại rau sông mà anh từng biết, tuy nhiên anh chỉ thu hái thường xuyên khoảng 10 loại như lộc vừng, mặt trăng, lá cách, bía bái, bù lời, rau câu…

Theo anh, trong số đó có hai loại rau khá hiếm, ăn rất ngon, đó là mặt trăng và xương máu. Có làm thường mới biết, hái rau sông mà không rành thì dễ dàng nhầm lẫn vì có những loại cây lá thoạt nhìn thì giống nhau nhưng nhìn kỹ mới biết chúng chỉ na ná nhau, phải quen rồi thì mới phân biệt được.

Mỗi loại rau sông có một hương vị khác nhau như xương máu có vị chua, lộc vừng vị béo chát, mặt trăng lại chát chát, chua chua…

 Rau sông cho thu hoạch quanh năm nhưng vào đầu mùa mưa thì chúng mới thật sự nhiều và đủ loại. Nghề thu hái rau sông coi vậy cũng không phải dễ. Ngày nào người hái cũng phải phơi mình giữa sông nước, nắng mưa, lại còn phải đối mặt với những phiền toái, nguy hiểm có thể xảy ra như gặp phải rắn, ong, đỉa, kiến…

Sau một ngày thu hái vất vả, người hái rau lại phải tranh thủ lặt, tỉa, rửa ráy… giữ sao cho rau được tươi ngon, không bị héo úa, rồi đến công đoạn sắp xếp rau cho vào bao, bọc để đem giao hàng.

Anh Tuấn cho biết, hiện nay ngày càng có nhiều người thu hái rau sông với số lượng lớn, nên công việc của anh cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Để có đủ số lượng rau giao cho khách hàng trong ngày, anh Tuấn phải mướn thêm một nhân công cùng làm. Rau sông hái qua một đợt, chỉ khoảng gần một tuần sau cây lại ra đọt non.

Vì thế người hái phải nhớ để quay lại mà hái tiếp, có vậy mới bảo đảm lượng rau ổn định. Suốt một ngày làm việc ròng rã như thế, anh Tuấn thu hoạch được khoảng 100kg rau; ấy là vào mùa nắng, còn mùa mưa thì có thể thu được khoảng 180kg/ngày.

Rau được bán với giá 15.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày anh Tuấn kiếm được khoảng 500.000 đồng sau khi trừ hết chi phí.

Anh Tuấn trong một chuyến đi thu hái rau sông.

Anh Tuấn cho biết, rau sông trên thị trường có nhiều nguồn gốc nhưng rau sông xuất xứ từ Trảng Bàng vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn cả, đặc biệt là khi dùng chúng để ăn với món bánh tráng thịt luộc Trảng Bàng. Hiện nay, lượng tiêu thụ rau sông ngày càng tăng, nhờ thế những người làm nghề hái rau sông như anh Tuấn có việc làm ổn định quanh năm.

 Cũng theo nghề này được 4 năm nay, chị Đặng Thị Muộn, ngụ ấp Phước Hội, đã có được nguồn thu nhập đáng kể. Chị Muộn nhận xét, hái rau sông không khó nhưng phải chịu cực mới được. Phải đi hái thật sớm, rau mới tươi ngon. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa đi hái rau sông cực lắm.

Gặp lục bình dày đặc càng khốn khổ vì di chuyển rất  khó khăn. Chịu cực thành quen, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Muộn vẫn cần mẫn đi hái rau sông, rau sông. Mỗi ngày chị thu hoạch được khoảng 20kg rau các loại, kiếm khoảng 200.000 đồng/ngày.

So với anh Tuấn, giá rau chị Muộn bán ra có thấp hơn, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, là do chị không tìm được mối tiêu thụ chính mà phải bán qua trung gian. Chị Muộn bày tỏ mối băn khoăn, thắc mắc, giá rau sông Tây Ninh bán tại các siêu thị, các chợ ở thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi chị đi hái rau rất cực khổ mà chỉ bán được với giá 10.000 đồng? Chị ước gì những người làm nghề vất vả như mình có được đầu mối thu mua với giá cả ổn định và hợp lý hơn.

CHÂU PHA