BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lược ghi tại cuộc hội thảo tìm giải pháp xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông:

Vất vả với “tảng băng xanh”

Cập nhật ngày: 17/06/2014 - 07:06

Lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua thị trấn Gò Dầu.

Đại diện Công ty TNHH VMC Tây Ninh gọi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông là “tảng băng xanh” và đề xuất trục vớt lục bình xong, tách ra làm ba loại: rễ dùng làm phân bón hữu cơ, thân làm vật liệu xây không nung còn lá có thể làm phân hữu cơ vi sinh hoặc thức ăn gia súc. Đại diện Công ty này cho biết, đây là giải pháp tối ưu, bảo đảm sự hài hoà giữa lợi ích và chi phí trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa chính quyền Tây Ninh với Công ty.

Đại diện Công ty CP Năng lượng tái tạo toàn cầu (GRE)- doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng triển khai các công nghệ xử lý, tái chế, tái tạo năng lượng từ rác thải nguy hại và rác thải y tế lại cho rằng, có thể biến lục bình thành phân hữu cơ dạng rắn và lỏng, làm chất đốt, chất hút ẩm, thức ăn gia súc, phân bón lá và biogas. Công ty khẳng định, giải pháp này có tính hiện đại hoá cao và đồng bộ, tiết kiệm được thời gian, giải quyết một phần phân bón cho đồng ruộng, thức ăn cho chăn nuôi, tái tạo năng lượng và cải thiện môi trường.

Trong khi đó, đại diện Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp: bèo lục bình sau khi trục vớt, được chuyển đến thiết bị cắt tự động theo kích thước mong muốn, phối trộn với vi sinh vật cùng các nguyên liệu khác để bảo đảm độ ẩm và cân bằng thành phần dinh dưỡng để sản xuất phân vi sinh phục vụ cho nông nghiệp. Công nghệ này có chi phí thấp, có thể áp dụng trong thực tiễn cho tất cả hệ thống kênh rạch trên cả nước.

Riêng đại biểu đến từ Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông chính là nguồn tiềm năng sinh khí methan to lớn. Với sức sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn hàng trăm ngàn tấn, đây cũng là nguồn nguyên liệu hữu cơ quan trọng để sản xuất khí sinh học cũng như sản xuất điện.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thuộc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cùng thạc sĩ Phạm Mai Duy Thông thuộc Trung tâm Công nghệ môi trường lại thiên về ý tưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Theo ông Sỹ, nghề đan lục bình làm đồ mỹ nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long có đầu ra ổn định nhưng lại thiếu nguyên liệu. Tây Ninh nên tổ chức cho người dân đi cắt lục bình bán cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở miền Tây. Về lâu dài, Tây Ninh nên hình thành các làng nghề đan lát lục bình. Để làm được điều này, ông Sỹ hiến kế: “Để lục bình đạt tiêu chuẩn đan lát, cần sử dụng hệ thống dây, cọc khoanh nuôi lục bình hai bên bờ sông. Phương pháp này còn có tác dụng giảm bớt xói mòn bờ sông và tạo luồng cho tàu bè đi lại dễ dàng”.

Trong khi nhiều đơn vị, cá nhân đề nghiêng về ý tưởng sử dụng lục bình như một nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phước thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến việc tìm phương pháp hạn chế lục bình sinh sôi nảy nở. Ông cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến lục bình xâm lấn trên sông Vàm Cỏ Đông và các hệ thống kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là do các nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, mía đường thải ra sông, suối. Các chất thải này làm gia tăng hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng trong nước, tạo điều kiện cho rong, tảo và lục bình phát triển. Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, quan trọng nhất là cần phải tập trung xử lý ô nhiễm và hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Tiến sĩ Phước cũng trình bày một số phương pháp xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, nước thải từ chăn nuôi heo, nước thải tinh bột khoai mì, cao su và đề nghị các cơ quan Nhà nước quản lý nghiêm các kênh rạch.

Lục bình từng được người dân Tây Ninh thu mua làm hàng mỹ nghệ.

Ba vị tiến sĩ Lê Khắc Hoàng, Đặng Thiên Ân và Nguyễn Thị Hồng Loan đến từ Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có ý kiến nên xử lý lục bình bằng biện pháp sinh học. Nhóm tác giả này trình bày, có hai loài bọ cánh cứng mà thế giới đang sử dụng để phòng trừ sinh học cây lục bình rất hiệu quả là N. bruchi và N.eichhoniae. Cả hai loài côn trùng này đã được Thái Lan nhập từ Florida (Mỹ), nhân nuôi và phóng thích vào môi trường tự nhiên để kiểm soát cây lục bình từ 20 năm trước. Đại diện nhóm cho biết: “Từ các kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới về việc sử dụng các loài thiên địch để phòng trừ lục bình cho thấy, đây là giải pháp có tiềm năng góp sức cho công tác phòng trừ và kiểm soát lục bình. Biện pháp này có tính hiệu quả lâu dài về kỹ thuật cũng như kinh tế, và giảm thiểu tối đa tác động môi trường so với các biện pháp hoá học”.

Tại hội thảo, còn có nhiều tham luận khác. Mỗi tham luận đều là một công trình nghiên cứu khoa học đầy tâm huyết. Tất cả được các cán bộ có trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh ghi nhận để nghiên cứu, thẩm tra tính khả thi trước khi quyết định áp dụng vào thực tiễn.

Trong những năm qua, Tây Ninh vẫn loay hoay vất vả với những biện pháp xử lý lục bình trên sông Vàm, như giăng dây đuổi chúng trôi về hạ nguồn, thu mua cọng lục bình để sản xuất hàng mỹ nghệ, tổ chức trục vớt... tốn không ít tiền của, công sức. Thế nhưng, tất cả đều chưa cho thấy hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, “tảng băng xanh” lục bình vẫn hằng ngày hằng giờ thi nhau sinh sôi nảy nở, thi nhau giăng mắc, phủ kín mặt sông. Hiện trạng này đã gây nên vô vàn khó khăn cho giao thông đường thuỷ, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong nuôi trồng thuỷ sản trên sông. Bà con nông dân vẫn đang mỏi mắt trông chờ một biện pháp thật hữu hiệu nào đó ra đời để giúp họ cởi bỏ được vấn nạn do lục bình gây ra.

Đại Dương

Bèo lục bình hay lục bình (còn gọi bèo Nhật Bản hoặc bèo tây) du nhập vào Việt Nam từ năm 1902. Trong điều kiện thuận lợi, lục bình phát triển rất nhanh phủ kín mặt nước. Khi thối mục, chúng làm giảm ôxy hoà tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thuỷ sinh khác. Loài thực vật này không chỉ cản trở giao thông đường thuỷ mà còn làm chậm dòng chảy, giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa nước.