BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vay tiền bằng tài khoản điện thoại, tiềm ẩn rủi ro 

Cập nhật ngày: 22/10/2022 - 02:45

BTN - Với lời quảng cáo hấp dẫn, “không cần thế chấp, giải ngân nhanh, giao dịch trực tuyến, không cần gặp mặt… mọi người có thể dùng tài khoản iCloud trên điện thoại iPhone để vay tiền một cách dễ dàng”. Tuy nhiên, giao dịch dạng này tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro.

Quảng cáo cho vay tiền qua iCloud xuất hiện trên các trang mạng xã hội

Anh T.H.T (ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) cho biết, anh biết đến dịch vụ cho vay tiền qua tài khoản iCloud khi xem tin tức trên trang mạng xã hội facebook. “Do thấy lời mời vay tiền quá hấp dẫn, tôi chủ động nhắn tin cho một trang facebook có tên “Hỗ trợ vốn tiêu dùng qua iPhone”. Sau đó, tôi được một người tên A giới thiệu đây là dịch vụ vay tiền nhanh chóng, không cần thế chấp, hình thức trả góp hằng ngày, bảo mật thông tin tuyệt đối, khách hàng có thể vay từ 5-25 triệu đồng, tuỳ thuộc vào đời máy. Họ yêu cầu tôi phải đăng nhập tài khoản iCloud của bên cho vay thì mới được nhận tiền. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với nhân viên và gửi hình ảnh xác nhận thông số điện thoại của tôi thì họ đã từ chối hỗ trợ cho vay, do đời máy đã cũ ”- anh T nói.

Tương tự, chị T.H (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) chia sẻ, cứ mỗi lần lên mạng xã hội facebook, chị đều thấy rất nhiều trang quảng cáo dịch vụ cho vay tiền qua tài khoản iCloud. Không chỉ vậy, các đối tượng còn chủ động nhắn tin chào mời và giới thiệu dịch vụ vay tiền với thủ tục đơn giản, trong vòng 15 phút là nhận được tiền, không cần gặp mặt, không cần giấy tờ, thời gian vay tối đa lên đến 12 tháng, lãi suất vay từ 12% - 20%/năm. Điều kiện duy nhất là phải sở hữu điện thoại iPhone chính chủ. Tuỳ vào dòng máy của khách hàng mà sẽ có mức vay cụ thể, như iPhone 11-11 Promax sẽ được vay từ 5-8 triệu đồng; iPhone 12-12 Promax 6-10 triệu đồng; iPhone 13-13 Promax 8-15 triệu đồng; iPhone 14-14 Promax 15-30 triệu đồng. Tuy nhiên, để được vay tiền, họ yêu cầu chị H phải đăng xuất iCloud trên điện thoại của chị rồi đăng nhập tài khoản iCloud của bên cho vay và bật tính năng tìm kiếm trên điện thoại. Do không có nhu cầu vay, nên chị H đã từ chối.

Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định, lãi suất vay do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định thì cấu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.

Anh M.T (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) là một kỹ thuật viên sửa điện thoại cho hay, vay tiền qua iCloud trên điện thoại iPhone là một dịch vụ cho vay tiền online, khách hàng sẽ dùng tài khoản iCloud iPhone của mình thế chấp. Mọi thủ tục, quá trình vay tiền, trả tiền… đều được thực hiện online. Khách hàng chỉ cần đăng nhập tài khoản iCloud do bên cho vay cung cấp thì họ sẽ có quyền điều khiển điện thoại của bạn, nắm toàn bộ thông tin trên điện thoại. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dữ liệu riêng tư của khách hàng có thể bị sử dụng vào hoạt động trái pháp luật hoặc lừa đảo. Do đó, mọi người nên nói không với dịch vụ này để tránh tiền mất tật mang.

Chị H nhận được tin nhắn quảng cáo vay tiền qua iCloud từ các đối tượng cho vay

Bên cạnh đó, hiện nay, việc vay tiền qua các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động diễn ra khá phổ biến. Các giao dịch thực hiện thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động.

Việc vay và cho vay tiền qua ứng dụng rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản như tải ứng dụng, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và CMND/CCCD, đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều ứng dụng cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Chị Y.N (ngụ TP. Tây Ninh) cho biết, trước đó, để đăng ký vay 1,5 triệu đồng từ ứng dụng V.L.H, chị phải chuyển khoản đặt cọc số tiền 600.000 đồng. Sau khi chuyển khoản, chị bị chặn liên lạc và cũng không vay được tiền từ ứng dụng này. “Do số tiền bị lừa đảo không lớn nên tôi không trình báo cơ quan chức năng mà coi đây là bài học kinh nghiệm cho bản thân”- chị N nói.

Ông V.V (ngụ thị xã Hoà Thành) cho hay, gần đây, địa chỉ gmail của ông liên tục nhận được rất nhiều lời mời chào, quảng cáo vay tiền với các ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản bảo đảm, giải ngân trong ngày, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp, cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu… “Tôi thấy phiền khi nhận được những nội dung như vậy. Dù tôi đã xoá chúng khỏi hệ thống, nhưng những tin nhắn có nội dung vay tiền vẫn tiếp tục được gửi đến”- ông V chia sẻ.

Để bảo đảm quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, Bộ Công an khuyến cáo người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Thiên Di