Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều người nghèo ở huyện Châu Thành khi cần vốn làm ăn đã vô tình bị một số người chuyên cho vay nặng lãi “cắt cổ”. Kết quả là họ bị mất tài sản và thiếu nợ một cách oan uổng.

Nhiều người nghèo ở huyện Châu Thành khi cần vốn làm ăn đã vô tình bị một số người chuyên cho vay nặng lãi “cắt cổ”. Kết quả là họ bị mất tài sản và thiếu nợ một cách oan uổng. Thực trạng này đã và đang làm xáo trộn đời sống của một bộ phận bà con ở vùng quê này. Các ngành chức năng cần làm rõ, ngăn chặn và có biện pháp xử lý.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà vách đất xiêu vẹo, ông Trịnh Công Thành (SN 1959, ngụ ấp Suối Dộp, xã Thái Bình) không ngăn được những giọt nước mắt kể: Tháng 4.2009, vợ chồng ông đem 2 “sổ đỏ” (giấy CNQSDĐ) thế chấp ở Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành để vay 20 triệu đồng. Sau đó đàn heo bị dịch bệnh, bán lỗ, đến thời điểm trả nợ ngân hàng, ông Thành không có khả năng chi trả, tài sản có nguy cơ bị phát mãi. Do đó vợ chồng ông vội đi vay “nóng” để trả ngân hàng. Sau khi trả nợ xong, ông Thành xin vay tiếp tiền ngân hàng để trả nợ bên ngoài, nhưng không được vì ông thuộc diện “nợ khó đòi”. Trong khi chưa phải biết tính sao thì ông Thành tình cờ gặp một anh tên Tuấn và một phụ nữ tên Thanh giới thiệu cho biết là đang cho vay vốn và đáo hạn ngân hàng cho một số bà con. Ông Thành nhờ họ cho vay số tiền 100 triệu đồng. Tuấn và Thanh yêu cầu vợ chồng ông Thành đưa 2 sổ đỏ, hộ khẩu và thoả thuận sẽ lấy tiền dịch vụ 10% khi vay được. Tuy nhiên, họ nói ông Thành cần phải vay ở ngoài 50 triệu đồng để làm thủ tục. Tuấn, Thanh đưa vợ chồng ông Thành đến gặp một người tên là Lê Thị Hường vay 50 triệu đồng, với điều kiện nếu trong 1 tháng không trả được nợ thì phải làm thủ tục chuyển nhượng đất. Vay nợ của bà Hường 50 triệu đồng, nhưng ông Thành chỉ thực sự nhận 27 triệu đồng, vì bị trừ các khoản tiền dịch vụ 5 triệu đồng, tiền xoá thông tin nợ xấu trong ngân hàng 10 triệu đồng, tiền lãi suất đóng trước một tháng 5 triệu đồng và tiền làm giấy phép kinh doanh mua bán mì lát để nộp ngân hàng 3 triệu đồng (ông Tuấn nói phải có giấy phép kinh doanh mới được vay tiền ngân hàng). Tuy nhiên gần nửa năm sau, ông Thành vẫn chưa vay được 100 triệu đồng từ ngân hàng như lời hứa, ông tìm ông Tuấn hỏi mới biết ngân hàng “đóng băng”, không cho vay nữa. Sau đó họ còn hứa sẽ vay 150 triệu đồng từ “đường dây” của Ngân hàng Tân Định (TP.HCM), đồng thời họ hướng dẫn ông Thành làm thủ tục “sang nợ” từ bà Hường qua cho ông Lê Thanh Hùng (SN 1983, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long, huyện Châu Thành) cả vốn lẫn lãi với số tiền là 83 triệu đồng, hoặc phải sang tên 2 sổ đỏ của vợ chồng ông Thành (đang bị bà Hường cầm giữ) cho ông Hùng. Túng cùng, vợ chồng ông Thành đành chấp nhận làm thủ tục chuyển quyền SDĐ. Nhưng sau 2 tháng, vẫn không vay được tiền như lời hứa, ông Hùng bàn bạc với anh Thành sang tên sổ đỏ cho một người đàn ông khác tên là Trịnh Minh Thi, để được nhận 110 triệu đồng. Đến nước này, ông Thành không còn cách nào khác đành sang tên cho ông Thi. Như vậy, để vay được 110 triệu đồng, ông Thành phải trả các khoản nợ cùng tiền lời, tiền dịch vụ, chỉ còn 4 triệu đồng và phải chịu mất 2 sổ đỏ. Hiện nay, hai vợ chồng ông Thành đang nộp đơn đến TAND huyện Châu Thành nhờ giải quyết.
![]() |
Bà Tươi kiếm tiền bằng nghề bán bắp |
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Huỳnh Huệ, 43 tuổi, ngụ cùng địa phương với ông Thành, vì muốn vay tiền làm ăn nên cũng bị mất sổ đỏ. Vào ngày 19.8.2010, hai vợ chồng tên là Tuấn, Nương gọi điện thoại hỏi bà Huệ nếu có cần vay tiền ngân hàng thì photocopy một bộ hồ sơ gồm sổ đỏ và những giấy tờ khác có liên quan để ông Tuấn vay ngân hàng giùm. 2 ngày sau, ông Tuấn nói với bà Huệ nếu cần tiền gấp thì gặp bà Lê Thị Hường. Bà Hường cho bà Huệ vay 60 triệu đồng, nhưng trừ trước 1 tháng tiền lãi hết 9 triệu đồng, trừ tiền “cò” cho ông Tuấn 6 triệu đồng. Bốn tháng sau, bà Hường tìm gặp bà Huệ để đòi tiền vốn và tiền lãi 36 triệu đồng/4 tháng. Sau đó, bà Nương thay mặt bà Hường đòi nợ bà Huệ. Bà Nương nói, nếu không trả nợ sẽ mất đất, mất nhà. Do bà Huệ không có tiền trả nợ, vợ chồng ông Tuấn, bà Nương và bà Hường dẫn bà Huệ đến gặp ông Lê Thanh Hùng để ký tên hợp đồng vay 100 triệu đồng, cộng với tiền lãi năm 2011 là 80 triệu đồng. Sau đó, ông Hùng đưa cho bà Hường 100 triệu đồng, nhưng trừ tiền nợ và lãi thiếu bà Hường 96 triệu đồng, tiền lãi ông Hùng lấy trước 4 triệu đồng(!?). Như vậy, bà Huệ không còn đồng xu nào, lại thiếu nợ ông Hùng 180 triệu đồng. “Tôi vẫn biết ký tên là lãnh nợ, nhưng vì tôi làm việc ở xã, sợ bà Hường đến quậy, nên tôi phải đến phòng công chứng ký hợp đồng”, bà Huệ than thở.
Tương tự như thế, bà Lê Thị Tươi (SN 1963, ngụ khu phố 4, thị trấn Châu Thành) cũng bị mất 2 sổ đỏ, vì dính vào đường dây chuyên dùng thủ đoạn cho vay nặng lãi, lấy đất. Bà Tươi cho biết, chồng bà bị bệnh nặng, phải đưa xuống TP.HCM chữa trị. Do không có tiền chạy chữa thuốc thang, nên bà Tươi lần lượt đem 2 sổ đỏ đi vay ngân hàng, quỹ tín dụng ở huyện Châu Thành, với số tiền 125 triệu đồng. Do không có khả năng trả nợ ngân hàng nên bà Tươi tìm gặp ông Tuấn, bà Nương. Họ giới thiệu cho bà Tươi đến vay tiền ông Lê Thanh Hùng. Ông Hùng dẫn bà Tươi vào đóng tiền ngân hàng, lấy 2 sổ đỏ ra. Sau đó, ông Hùng làm một giấy nợ có nội dung vợ chồng bà Tươi nợ ông Hùng 155 triệu đồng, mỗi tháng đóng tiền lãi 5%. Sau khi hoàn tất thủ tục ký giấy nợ, ông Hùng cầm 2 sổ đỏ và hứa sẽ vay ngân hàng ở Thị xã với số tiền lớn. Ngày 19.7.2010, ông Hùng hướng dẫn vợ chồng bà Tươi đến Phòng công chứng số 1, ở Thị xã… ký tên lãnh tiền (?). Vợ chồng bà Tươi ký tên, thấy số tiền ghi trong hợp đồng là 300 triệu đồng. Bà Tươi cứ ngỡ số tiền này là số tiền được cầm về để lo thuốc thang cho chồng. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng bà mới biết mình đã ký giấy chuyển nhượng QSDĐ. Và ông Hùng tiếp tục sang nhượng 2 phần đất của bà Tươi cho một phụ nữ tên Kim Anh và yêu cầu vợ chồng bà Tươi phải trả cho bà Kim Anh tiền lãi 32 triệu đồng/tháng. Lúc này, vợ chồng bà Tươi mới “chết đứng” khi biết mình bị mất đất mà còn thiếu nợ người khác. Bà Tươi nói trong nước mắt: “Lợi dụng vợ chồng tôi bối rối và không hiểu về pháp luật, họ đã lừa tôi ký vào hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Tôi đã làm bản tường trình gửi các cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo này và mong các cơ quan sớm giải quyết”.
Qua 3 trường hợp nêu trên, cho thấy các đối tượng cho vay nặng lãi đã dùng nhiều thủ đoạn cho vay hết sức tinh vi để đưa bị hại vào tròng buộc phải chuyển nhượng QSDĐ, rốt cuộc tiền vay thì cũng không còn. Vụ việc nêu trên cũng là bài học cho những ai có nhu cầu vay tiền từ “dịch vụ đen” cần cảnh giác.
Minh Ngô – ThẢo Nguyên