BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về An Cơ - Sa Nghe hôm nay 

Cập nhật ngày: 09/12/2019 - 11:29

BTN - Ngày nay đến Sa Nghe, hỏi Sa Nghe nghĩa là gì thì rất hiếm người biết. Nhưng địa danh bao giờ cũng mang một ý nghĩa nào đó gắn liền với vùng đất mà chính nó được gọi tên. Thật ra, Sa Nghe là cách gọi chệch âm của “Sro nghe ”, từ này gốc Khmer có nghĩa là cây lúa hoang, lúa ma hay lúa trời.

Đường 788 vào Sa Nghe.

Men theo quốc lộ 22B từ thị trấn Tân Biên cho tới ngã ba Vịnh, vòng qua Chòm Dừa - Ðồng Khởi tới Phước Vinh nơi nào cũng thấy người dân lập miếu thờ công thần của một thời khai hoang mở cõi. Dừng lại ở An Cơ, huyện Châu Thành, có một địa danh khiến nhiều người thắc mắc đó là Sa Nghe. Nếu như ai đó chịu khó tìm trong lịch sử thì sẽ thấy cái tên lạ lùng này đã xuất hiện không ít, và người dân nơi đây đã góp xương máu trong công cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương.

Ngày nay đến Sa Nghe, hỏi Sa Nghe nghĩa là gì thì rất hiếm người biết. Nhưng địa danh bao giờ cũng mang một ý nghĩa nào đó gắn liền với vùng đất mà chính nó được gọi tên. Thật ra, Sa Nghe là cách gọi chệch âm của “Sro nghe ”, từ này gốc Khmer có nghĩa là cây lúa hoang, lúa ma hay lúa trời. Sở dĩ dân gian gọi lúa hoang là lúa ma vì hạt lúa có râu rất dài, chim muông rất sợ ăn phải những hạt này bởi nếu lỡ ăn chắc chắn sẽ chết do không thể nuốt được.

Ngoài ra, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Ngày xưa muốn lấy lúa ma, người dân phải thức khuya chống xuồng vào ruộng thu hoạch và trở về nhà trước khi mặt trời mọc vì khi bình minh lên lúa ma sẽ rụng hết. Hạt lúa ma sống rất lâu trong đất, đến mùa hạt sẽ nảy mầm rồi vươn cao. Nước lũ dâng cao tới đâu thì cây lúa cũng ngoi theo tới đó. Ngày nay, lúa ma rất hiếm và đang được bảo tồn ở các vườn quốc gia.

Từ cái tên Sa Nghe - lúa ma thôi đã cho thấy vùng đất này xưa kia hoang vu mông quạnh đến cỡ nào. Và cũng chính vì lẽ đó mà nó được chọn làm căn cứ kháng Pháp của Khâm Tấn Tường. Tài liệu “30 năm đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975)” cho biết: “Ở Tây Ninh, quan đại thần Khâm Tấn Tường trấn nhậm vùng này, không tuân lệnh bãi binh (1862), rút về An Cơ xây dựng đồn luỹ, tổ chức lực lượng nghĩa quân kháng chiến.

Nhiều gia đình binh sĩ và những người yêu nước cũng vào vùng này sinh sống. Thành An Cơ được xây dựng rộng hàng trăm mẫu (bên ngoài sát khúc sông của Sóc Om, ngang bến Sóc Thiết còn lại vết tích bờ thành An Cơ, chân thành rộng hơn trên 20m. Chiều dài hàng kilomet bao quanh một khối đất rộng hình cột cầy. Ba mặt dựa vào ưu thế khúc cong của Sóc Om; mặt tiền bờ thành cao với luỹ tre dài kiên cố; dựa lưng vào rừng rậm hiểm trở, thành An Cơ như một pháo đài kiên cố.

Thanh thế của lực lượng nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Khâm Tấn Tường đã chỉ huy nghĩa quân cùng với nhân dân “bố trận” với “bẫy gỗ”, cung tên “hoả hổ” đánh cho giặc Pháp nhiều trận tan tác ở Vịnh, Sóc Om, trảng An Cơ…”.

Có thể nói vùng Sa Nghe - An Cơ là vùng đất rất lý tưởng cho các anh hùng khởi binh ở giai đoạn đầu kháng Pháp như Khâm Tấn Tường, Trương Huệ, Pu Khâm Pô… Dù các nghĩa quân đã gây cho giặc rất nhiều tổn thất dù cuối cùng vẫn hy sinh, như trường hợp đại thần Khâm Tấn Tường. Khi tên chủ người Pháp là Lac-cơ-lô-giơ (Larelauze) kết hợp với bọn việt gian bao vây thành An Cơ cả bốn mặt thì ông cùng nghĩa binh thất thủ, và ông đã tuẫn tiết để không sa vào tay giặc. Ông được nhân dân lập miếu tôn thờ tại khu vực Bến Thứ ngày nay.

Rạch Vịnh

Khâm Tấn Tường ngã xuống thì có Trương Quyền và Pu Khâm Pô tiếp tục nổi lên. Cứ điểm chính của hai lực lượng này là ở Trà Vong. Ngày 7.6.1866, nghĩa quân đã giết chết La-sa-ge và tên Ðại uý Lac-cơ-lô-giơ. Ngày 14.6.1866,  Ðờ-la-grăng-đi-e đã phái Mạc Sét chỉ huy truy lùng nghĩa quân 6 ngày liền và đã đụng độ tại sông Vịnh- tiền đồn của phủ An Cơ. Trận chiến này Mạc-sét và 10 tên khác đã bị tiêu diệt.

Trong cuốn “Chống xâm lăng”, GS Trần Văn Giàu cho biết: “Ðịch có 150 quân ra trận cùng hai khẩu đại bác… Quân khởi nghĩa bình tĩnh chờ địch lội qua rạch Vịnh… Hai bên đánh xáp lá cà. Quan năm Mạc-sét và một số đông lính địch bị chém chết… Ðến 5 giờ, địch chạy tán loạn về đồn, mất chủ tướng… đến 3 giờ sáng cả bọn sống sót mới về tới đồn, xác còn vía mất…”. Qua đó, cho thấy vùng đất này luôn xuất hiện những vị anh hùng  nghĩa sĩ lãnh đạo nhân dân chống giặc tới cùng.

150 năm trước Sa Nghe - An Cơ là vậy. Ngày nay, thành An Cơ đã không còn nữa. Sa Nghe cũng hoàn toàn mất giống lúa ma. Nhưng anh linh của tiền nhân như vẫn còn đâu đây, ngàn đời hộ trì cho dân cho nước. Từ đường 788 từ ngã ba Vịnh đến An Cơ là một vùng nông thôn yên bình và trù phú. Nhờ hệ thống kênh thuỷ lợi chạy qua vùng này như kênh Tây, kênh TN 10, 21, 25… mà những cánh đồng được xanh hơn, người dân làm thêm nhiều vụ trong năm hơn.

Nhìn trên bản đồ địa lý địa phương Tây Ninh (tỷ lệ 1: 70.000) ta thấy ngay địa danh Sa Nghe có hình bông lúa. Tức là vùng đất này chủ yếu chuyên canh lương thực là lúa, nhưng bên cạnh những cánh đồng lúa bạt ngàn ta còn thấy An Cơ có cao su và các loại hoa màu khác. Ði vòng qua các ấp An Thọ, An Lộc, Vịnh, Sa Nghe…ta thấy nhà cửa, sân vườn khang trang, môi trường trong sạch. Nếu so với trước đây chừng mười năm thì Sa Nghe - An Cơ đã hoàn toàn thay đổi diện mạo. Chợ An Cơ nằm bên trái tuyến đường lên, không khí nhộn nhịp sầm uất như cuộc sống đang vận động mạnh mẽ trong chính nó vậy.

An Cơ nói chung và Sa Nghe nói riêng trước đây là một phần diện tích tự nhiên của Hảo Ðước, một xã gần biên giới còn rất nhiều khó khăn. Tháng 1.2004, An Cơ được tách ra thành một xã riêng với diện tích khá khiêm tốn là 36.73km2, dân số trên dưới mười ngàn người. Tuy là bé nhỏ và vùng đất này vốn không được thiên nhiên ưu đãi, cũng như không thuận lợi về mặt địa lý kinh tế, nhưng chính quyền và người dân nơi đây luôn chăm chỉ lao động, sản xuất, góp phần dần thay đổi diện mạo của chính quê hương mình. An Cơ - Sa Nghe của khói lửa chiến chinh đã lùi vào quá khứ, thay vào đó là một vùng nông thôn của ngày hôm nay trù phú, yên ả, thanh bình và thơm ngát một màu xanh hy vọng.

ÐÀO THÁI SƠN