Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ở đâu có quan họ là ở đó tình làng nghĩa xóm còn thắm thiết, tình yêu quê hương đất nước còn tươi đẹp và cao cả theo như tinh thần của di sản.
Bước vào mùa thu tỉnh Bắc Ninh bắt đầu tổ chức hát quan họ định kỳ trên hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, trung tâm TP Bắc Ninh. Cùng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác ở quanh khu vực này, quan họ đang góp phần phát triển du lịch cho địa phương.
Tháng 9-2009, quan họ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng từ thời điểm đó đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, đã tạo điều kiện cho văn hóa, trong đó có quan họ được lên ngôi, phát triển và lan tỏa.
Quan họ như một làn điệu hội tụ khí chất của rất nhiều làn điệu dân ca. Cái trong sáng, rộn ràng của chèo. Cái thổn thức, mặn mà của hát dặm. Cái khoan nhịp sâu lắng của ca trù. Cái thênh thang, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ.
Nhưng trên hết, quan họ dễ hát, dễ gần như một lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người, mọi nơi. Không chỉ ngoài sân đình hay trên thuyền rồng, cứ ở đâu người ta thấy lòng tươi vui hoặc thoảng nỗi nhớ thương thì lại ngân nga một làn điệu quan họ.
Quan họ đi khắp nơi, từ đồng bằng tới biển cả, lên tận Tây Nguyên bạt ngàn núi rừng, rồi sang cả trời Tây đầy băng tuyết giá lạnh. Những người ở nơi khác đến sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh đều vui mừng và ngạc nhiên vì có lúc bất ngờ nghe thấy một làn điệu quan họ của chị hàng hoa trong chợ Nhớn hay chợ Giàu.
Kinh Bắc là đất văn hiến với những tài năng và tinh hoa được hội tụ. Mảnh đất sản sinh ra nhiều tiến sĩ và trạng nguyên nhiều nhất nước, cũng là mảnh đất với những cánh đồng trù phú và những làng nghề giàu có nhất cả nước.
Là đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng của các đình đền chùa nổi tiếng, Bắc Ninh, Kinh Bắc là nơi lưu giữ hồn gốc Việt lâu đời nhất. Một đội ngũ trí thức đại khoa đông đảo, cộng với những người thợ thủ công cần cù và sáng tạo trong lao động đã làm nên những làn điệu độc đáo và đặc sắc.
Trong quan họ có mối quan hệ gắn bó giữa sáng tạo bác học và sáng tạo dân gian, sự đan xen, hòa nhập giữa sáng tạo của người trí thức và người lao động bình dân tạo nên cái thắm thiết, chan hòa trong quan họ.
Phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hóa để tạo nên một xã hội ổn định và phồn vinh. Quan họ cũng vậy, khi xã hội đã phát triển thì nó càng cần được coi trọng và giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đất Kinh Bắc.
Khi những làn điệu trong sáng, tha thiết cất lên trên thuyền rồng, giữa lòng hồ lộng gió với hàng nghìn người dân và du khách thập phương thì lại làm dấy lên và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người.
Các nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là hát quan họ, người nghe không chỉ nghe hát mà nghe cả lịch sử, nghe văn hóa của một vùng quê giàu truyền thống.
Ngày nay, đứng trên phố phường nhộn nhịp, giữa đô thị còn nhiều lo toan, xô bồ thì những câu ca quan họ ngọt ngào ấy như giúp mọi người lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Có nhiều thứ đã mất, có nhiều nỗi đau đã đi qua, còn quan họ vẫn “sống mạnh mẽ”, tiếp tục phát triển và lan tỏa.
Dân ca quan họ quả là một tài sản vô giá cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng gìn giữ và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, ở trong nước và cả cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Hát quan họ trên hồ kết hợp với các hoạt động văn hóa đặc sắc mà tỉnh Bắc Ninh đang triển khai rất độc đáo, hướng đến những giá trị văn hóa, nhân văn cao cả.
Theo xu hướng phát triển và điều kiện hội nhập, trong tương lai Bắc Ninh sẽ mở rộng phạm vi hát quan họ ra toàn tỉnh theo định kỳ vào các dịp lễ tết. Sau này, du khách thập phương không chỉ biết tìm về quan họ qua hội Lim, hội Dâu mà họ có thể tìm thấy quan họ ở những sân khấu chuyên và không chuyên.
Nguồn Báo Tuổi trẻ