Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Về Bến Tre, nghe kể chuyện “Đường Hồ Chí Minh trên biển”
Chủ nhật: 21:19 ngày 19/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chúng tôi về Bến Tre vào những ngày đầu năm mới. Chuyến đi thực tế trong chương trình đào tạo của lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Tây Ninh, gắn việc học với tham gia nghiên cứu, tiếp xúc trực tiếp những vấn đề ở cơ sở, theo hệ thống quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”.

Bia đá không tên trong khu bảo tồn.

Đến Bến Tre, chúng tôi được nghe huyền thoại về con tàu không số, về bến Thạnh Phong - một vùng đất ven biển, từng đứng mũi chịu sào, nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc, nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng.

Căn cứ địa cách mạng Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) trước năm 1975 bao gồm cả xã Thạnh Hải ngày nay, nằm cuối cù lao Minh. Vùng đất ven biển Đông dài hơn 20km này được giới hạn bởi hai cửa sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông, địa hình gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát, nổng cát và những khu rừng ngập mặn ven biển, ven sông với những dải rừng ráng, chà là, dừa nước…

Đến đây, rồi nhìn lại đoạn hành trình đã đi, mới thấy hết sự heo hút, nhưng mang tầm chiến lược của một vùng đất. Thạnh Phong là căn cứ tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam năm xưa của đường Hồ Chí Minh trên biển, một kỳ tích, một huyền thoại góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tháng 8.1962, Quân uỷ Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Để triển khai nghị quyết đó, ngày 19.9.1962, Quân uỷ Miền quyết định xây dựng một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, lấy phiên hiệu Đoàn 962, có nhiệm vụ xây dựng các bến, bãi ven biển miền Nam, tiếp nhận hàng hoá, cất giấu vũ khí. Đoàn 962 được bố trí ở các tỉnh, Bến Tre được chọn làm nơi đứng chân, trong đó có một đơn vị bến tương đương cấp trung đoàn, phiên hiệu A101.

Bia lưu niệm Trường Đảng Bến Tre.

Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển thì có nhiều tại một số tỉnh nhưng Bến Tre có đặc thù riêng, là căn cứ chủ yếu của Ban Chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa. Nơi đây vừa là bến tiếp nhận, vừa là trạm trung chuyển, đồng thời là đầu mối cấp phát trang bị lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre.

Với thời gian 15 năm, không gian trải rộng từ ven biển Cà Mau đến Bà Rịa, trên đất bạn Campuchia về sâu lãnh thổ Việt Nam đến Bến Tre, bến A101 - bến Bến Tre đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu cập bến an toàn và hàng trăm lực lượng trung chuyển vũ khí từ các bến ra chiến trường. Có thể khẳng định rằng, trong sự đóng góp to lớn đó vào thành tích chung của “đường Hồ Chí Minh trên biển” phải kể đến sự cống hiến không nhỏ về mọi mặt của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre.

Thời tiết giữa trưa nhưng không oi nồng, gió từ biển thổi vào, cả lớp chúng tôi say sưa lắng nghe nhân viên thuyết minh kể về những chuyến vượt biển thành công, chuyển vũ khí, cán bộ, tài liệu từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam; nín thở khi nghe chuyến cuối cùng chở 50 tấn hàng đến Thạnh Phong vào cuối tháng 11.1970, lúc còn cách bờ biển chừng 20 hải lý, bị tàu tuần tiễu của địch phát hiện, siết chặt vòng vây.

Đoàn Tây Ninh thắp hương tưởng niệm các anh hùng – liệt sĩ.

Sau cuộc đọ súng ác liệt nhưng không cân sức, chi bộ trên tàu quyết định huỷ tàu rồi lệnh cho tất cả chiến sĩ còn sống sót rời tàu bơi vào bờ bằng thúng nan. Năm chiến sĩ bơi vào tới bờ nhưng ba người đã lọt qua phía vùng đất do địch kiểm soát thuộc huyện Ba Tri và đã không còn có thể nhìn thấy ngày thống nhất của nước nhà; 50 tấn hàng cũng đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển.

Chúng tôi thắp hương tại khu “bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Vùng đất cách mạng này vốn chịu nhiều đau thương, mất mát. Như tại Cồn Rừng - Hồ Cỏ, nơi diễn ra trận chống càn đẫm máu giữa lực lượng bảo vệ căn cứ và địch trong 21 ngày đêm (giáp Tết năm 1964).

Với sự mưu trí, dũng cảm kiên cường của quân và dân Thạnh Phong, đến ngày thứ 21, quân Mỹ - nguỵ bị tiêu hao nhiều sinh lực nên buộc phải rút lui, căn cứ địa, bến, bãi Thạnh Phong được bảo vệ an toàn. Nhưng, chúng đã oanh kích huỷ diệt toàn khu vực.

Một trong những chứng tích chiến tranh từ trận chống càn đó là ngôi mộ tập thể 21 người dân ở Hồ Cỏ (trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai) trốn máy bay oanh kích cùng một hầm. Một trái bom napalm thả xuống ngay miệng hầm. Vị trí hầm cũ cũng là ngôi mộ tập thể. 5 năm sau, con số 21 đau thương lại được lặp lại trên đất Thạnh Phong.

Đoàn Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm trước bia tưởng niệm trong khu bảo tồn.

Đó là vào một đêm tháng 2.1969, Đại uý Bob Kerrey chỉ huy một toán lính biệt kích Seal Rangers của Hải quân Mỹ đột nhập vào ấp 5, xã Thạnh Phong (gần Vàm Khâu Băng) rồi ra lệnh giết hại 21 thường dân là người già, phụ nữ và trẻ em vô tội đang trú ẩn trong hầm, nạn nhân người bị mổ bụng, người bị đập đầu vào cối xay…

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 60 năm vẫn là dấu ấn không thể phai mờ, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay và mai sau.

Chia tay Thạnh Phong, Đồn Biên phòng Cổ Chiên, chúng tôi vẫn chưa muốn rời xa, vẫn vang bên tai câu hát: … Sóng xoá đi dấu vết/ Biển vẫn còn đường mòn… Những con thuyền bé nhỏ/ chạy đua với mặt trời/ Lướt theo hình bán đảo/ Gợi nên những đường mòn/ Tháng năm còn giữ lại/ Vẫn lướt sóng miệt mài/ Những binh đoàn thép lửa/ Chạy đua với thời gian/ Chi viện tiền tuyến” (Đường Hồ Chí Minh trên biển. Sáng tác: Nguyễn Cường).

Phương Hồng

Tin cùng chuyên mục