Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về chốt Cầu Bò
Thứ hai: 17:45 ngày 08/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con đường đất đỏ trước mắt chúng tôi cứ dài hun hút theo những vòng xe của hai cán bộ đồn Biên phòng Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) đang dẫn đường phía trước. Ngoằn ngoèo rồi tăm tắp, tăm tắp lại ôm cua… Miền biên giới chiều nay gió dịu nhẹ mang chút hơi nước mát lành từ những thửa ruộng miên man hai bên đường ra chốt.

Chúng tôi đang về chốt Cầu Bò (ấp Bình Phú - xã Bình Thạnh)- là chốt được biết đến với “ba không”: không điện, không nước, không đường giao thông liên tuyến.

Bụi đỏ vẫn mịt mờ vùng biên viễn dưới bánh xe của đoàn văn nghệ sĩ thuộc Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh đi thực tế sáng tác theo chủ đề “Bút ký, truyện ngắn Tây Ninh 2018”.

Chi hội Văn học chúng tôi chọn huyện Trảng Bàng để đi thực tế sáng tác bởi ở đây có một truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời với 7/10 xã được công nhận là “xã anh hùng”, 334km2 nhưng có đến 150.000 người sinh sống.

Ðặc biệt là ba xã cánh Tây của huyện gồm Phước Chỉ, Bình Thạnh, Phước Lưu có diện tích đất mênh mông nhưng điều kiện sống khá khắc nghiệt, nước giếng sâu 20-40m nhưng toàn nước phèn, sinh hoạt của người dân vì thế mà bị ảnh hưởng rất nhiều. Có nhiều hộ phải mua nước sinh hoạt hoặc ra tận An Thạnh (Bến Cầu) để xin nước về dùng.

Còn chiến sĩ ở chốt Cầu Bò thì sao?

Chạm vào mắt chúng tôi là cây cầu bắc qua con rạch để đi vào chốt đung đưa... Tuổi thọ cây cầu chắc cũng đến hàng chục, vì mặt cầu lót những thân cây tầm vông, tràm vàng và cả những miếng gỗ tạp đã xuống cấp.

Diện tích của chốt chừng vài chục mét vuông với mái lá đã đậm dấu ấn tháng ngày, chiếc giường cũng rất “cách tân” vì chân là chân ghế bố, đặt lên đó một bộ vạt làm chỗ nghỉ ngơi của chiến sĩ. Thế nhưng điều ấn tượng hơn cả với chúng tôi là chiếc đèn năng lương mặt trời nhỏ xíu xiu như những cây đèn “hột vịt” ngày xưa, nó sẽ tự sáng khi có bóng tối. Ðó chính là thứ ánh sáng duy nhất của chiến sĩ ở chốt bởi nơi đây chưa hề có đường điện đi qua.

Chính trị viên Nguyễn Văn Thành cho biết: “Cho tới bây giờ, chốt Cầu Bò vẫn là chốt xa đồn nhất và khó khăn nhất. Không có điện lưới quốc gia, giếng nước thì khoan vài chục mét mà toàn nước phèn nên anh em phải dùng nước sông làm nước sinh hoạt. Chỉ có nước uống là dùng nước bình…”.

Chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự khó khăn thiếu thốn của chiến sĩ chốt Cầu Bò qua việc mái lá mong manh xạc xào dưới gió; mấy tấm bạt che làm vách cho giảm cái lạnh thông thốc của vùng biên giới cũng không chịu được sức gió ràn rạt nên cứ thi nhau bong tróc, nhạt màu. Bàn ghế cũng chẳng có gì, nền nhà bằng đất sét mát lạnh ngày nắng, nhão nhoét ngày mưa…

Nhiều khó khăn vất vả vậy mà anh em vẫn thay nhau bám trụ để giữ cho một góc biên cương ngày càng bình yên tươi đẹp.

Chúng tôi còn biết thêm, bây giờ đã đỡ lắm rồi, chứ mấy năm về trước, đội quân vác thuê thuốc lá lậu cứ chạy rểu rểu đầy trời, chiến sĩ thì ít, đồn thì xa, có tiếp ứng cũng khó lòng bắt hết được và họ cũng đâu để mình bắt được.

Vậy là cán bộ đồn biên phòng phải làm bước đột phá bằng cách “dân vận khéo”, mời đầu nậu tới, nói chuyện bằng tình cảm, phân tích, vận động để họ hiểu ra đây là việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình biên giới quốc gia.

Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của cấp trên và cán bộ, chiến sĩ đồn, chốt, tình hình buôn lậu thuốc lá qua đường biên giới khu vực ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng từ mấy năm nay đã giảm rõ rệt.

Một chiến sĩ trẻ ở chốt hướng chúng tôi nhìn ra tầm hơn trăm mét, xa xa sau những tán cây tràm vàng cao thấp là con đường đất đỏ mới đắp cao cao. Ðó chính là đường biên giới, con đường đánh dấu tình hữu nghị của hai nước Việt Nam - Campuchia. Cũng là nơi có nhiều mồ hôi công sức của cán bộ chiến sĩ đổ xuống mới hoàn thành đẹp đẽ, nhanh chóng như vậy.

Chiều buông nhanh theo từng đợt sóng lúa lượn lờ màu xanh dìu dặt của vùng biên giới. Ánh hoàng hôn không còn nữa, mà màu mây xám đã giăng khắp chân trời. Ðoàn chúng tôi ra về sau những cái bắt tay thật chặt của những chiến sĩ trẻ ở chốt. Cây cầu trăm thứ gỗ một lần nữa lại rung lên vì những bước chân qua…

Ð.P THUỲ TRANG

Tin cùng chuyên mục