Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
Về chứng bệnh “sợ trách nhiệm”
Chủ nhật: 23:08 ngày 05/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, ngại việc trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương và một số bộ, ngành Trung ương

-Bàn Dân nè, những ngày gần đây qua theo dõi báo chí, truyền thông, tui thấy có nổi lên một vấn đề, coi bộ cũng “hot” lắm. Nhưng khi đọc đi đọc lại một số bài viết về vấn đề ấy, tui thấy sao mà… nó rối rắm quá, bài nào phân tích càng sâu thì càng… khó hiểu, mà bài nào viết hời hợt, qua loa cũng chẳng dễ hiểu chút nào!

-Mới nghe qua cách đặt vấn đề của ông, Bàn Dân đã thấy “lùng bùng lỗ tai”. Xin lỗi nghen, ông vô đề kiểu đó Bàn Dân… chẳng hiểu gì hết?!

-Tui chưa kịp vô đề ông đã ngắt ngang rồi. Chuyện tôi muốn đề cập đến là vấn nạn “sợ trách nhiệm” được cho là đang hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực khiến nhiều việc bị trì trệ ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được khơi dậy và phát huy, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.

-À, chuyện đó thì không thể nói là vấn đề mới, vì từ lúc sinh thời, Bác Hồ của chúng ta đã có nhiều lần nhắc đến, và ngay cả người đứng đầu Đảng ta hiện nay cũng đã chỉ đích danh nó là “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 1973, tức là cách đây đã nửa thế kỷ…

-Tui đâu có nói chuyện cán bộ, công chức “sợ trách nhiệm” là vấn đề mới. Ý là tui muốn nói đến chuyện những ngày gần đây công luận đặt vấn đề phải có cách “điều trị” căn bệnh ấy vì nó được cho là “trầm kha” lắm rồi. Và đó cũng chính là điều mà tui cảm thấy khó hiểu muốn nhờ ông lý giải cho tui biết đó!

-Vậy là ông muốn hỏi tại sao cán bộ, công chức lại “sợ trách nhiệm” đó hả? Chuyện này thì theo Bàn Dân biết là vị “nữ tướng tư lệnh ngành Nội vụ” đã có giải trình trước cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất rồi.

Cụ thể là theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, ngại việc trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương và một số bộ, ngành Trung ương; thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

-À, nói vậy là cơ quan quản lý Nhà nước về công vụ, công chức đã biết quá rõ thực trạng của “căn bệnh trầm kha” ấy rồi. Mà bà Bộ trưởng có xác định nguyên nhân của chứng bệnh ấy là do đâu vậy không hả ông?

-Có chứ, nói về nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo ngành chức năng cho rằng, trước hết là do nhận thức và ý thức trách nhiệm, cũng như năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức bị hạn chế.

Hai là, việc nêu gương của một số cán bộ đứng đầu chưa thực sự nghiêm túc. Ba là, thể chế chính sách còn bất cập, chồng chéo, chậm sửa đổi một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn; quy chế, phối hợp giữa các bộ, địa phương vẫn còn một số mặt chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất.

Bốn là, kỷ cương, kỷ luật đang được siết chặt, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang được đẩy mạnh, hàng loạt cán bộ công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng cũng dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.

-Người có trách nhiệm cao nhất về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và công vụ nói như vậy là “bấm đúng huyệt” chứng bệnh “sợ trách nhiệm” quá rồi. Nhưng mà… tôi cảm thấy mấy cái “triệu chứng ì ạch” ấy có cái thuộc về chủ quan, có cái thuộc về khách quan, như vậy thì về mặt pháp luật nó có vi phạm gì không ông hả?

-Về việc này thì sau khi chỉ ra văn nguyên của bệnh sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nhấn mạnh: “Những biểu hiện về đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, vi phạm các quy định của Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức”.

-Vậy là rõ rồi! Nhà nước mình là nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ai vi phạm pháp luật ắt phải chịu sự chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Có nghĩa là “phác đồ điều trị” chứng bệnh “sợ trách nhiệm” đã có đủ, vậy sao mình hổng chữa đi mà phải phân tích, mổ xẻ đủ mọi chiều chi cho mất công, mất thời gian vậy hả ông?

-Nói thì dễ vậy chớ làm hổng phải dễ đâu ông ơi! Ông thấy các “nguyên nhân của bệnh sợ trách nhiệm” nói trên, có cái thuộc về cán bộ, công chức, viên chức “cấp dưới”, có cái thuộc về “cấp lãnh đạo”, có cái thuộc về “thể chế”, có cái thuộc về “tâm lý”. Nói chung là có liên quan rất nhiều người, nhiều lĩnh vực, hay nói cách khác là căn bệnh quái ác ấy tràn lan như kiểu “đại dịch” rồi, cần phải có quyết tâm thật lớn kiểu “chống dịch như chống giặc” mới được!

-Ông nói không sai. Nhưng tôi nghĩ nước mình, dân mình từng đánh thắng “đại địch”, “đại dịch” biết bao lần rồi, giờ không lý do gì mình không trị được cái chứng bệnh ù lì, ì ạch kia đâu!  

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh