Cửa Đại cách Hội An
khoảng 5km, được những người yêu biển ví von là “khúc nhạc lòng miền Trung”. Đây
là vùng biển thơ mộng, làm đắm lòng bao lữ khách. Về đây, nghe hát bài chòi,
khách càng thấy yêu quý vùng đất này...
Bài chòi được xem là một trò chơi dân gian đặc sắc
bởi nghệ thuật “hô” như hát, đòi hỏi người hô có sự am hiểu văn hoá và chất
giọng, năng khiếu để thu hút người chơi. Về cách chơi, có thể xem đây là một
cách chơi bài có từ lâu đời. Không ai biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những
cư dân Hội An đã chơi và truyền lại đời sau cho con cháu. Đến nay, bài chòi trở
thành sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài
nước...
Người ta dựng lên 10 cái chòi lá cho 10 người chơi
ngồi. Bài gồm 30 quân cờ, ứng với 10 thẻ gỗ. Mỗi người được phát một thẻ và
“đậu” một khoản tiền nhất định. Có thể so sánh cách chơi bài chòi tương tự như
chơi lô tô ở miền Nam.
“Anh hiệu” (tương đương nhà cái) mở đầu bằng câu hiệu: “Gió xuân phảng phất ngọn
tre/ Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi” (như “lẳng lặng mà nghe, cờ ra con
mấy...” khi chơi lô tô) để mọi người yên vị, bắt đầu cuộc chơi. Anh này mở từng
lá bài và “hô” hoặc hát những câu ca dao, dân ca... miễn sao có từ ngữ, hình ảnh
liên quan đến hình ảnh trong bài. Khi đó, chòi nào có hình ảnh này thì gõ mõ báo
hiệu. Ngày trước, luật chơi khắt khe, đòi hỏi người chơi phải liên tưởng câu hát
với hình ảnh ứng trên thẻ bài của mình. Vì vậy, “anh hiệu” phải dùng những câu
hát ví von làm cho người chơi hồi hộp và chú tâm suy nghĩ. Chơi thì nhiều nhưng
hiếm có người có tài hát bài chòi sao cho du dương, trầm bổng, tạo sự thích thú
cho người chơi. Hiện nay, các câu hát thường có từ ngữ liên quan đến hình ảnh
trong bài, tạo điều kiện cho nhiều người cùng chơi, thu hút được du khách... Cứ
thế, “anh hiệu” hát hoài cho đến khi chòi nào trúng được ba đôi trước thì thắng,
được người mang rượu mời và cờ đến cắm trước chòi.
Bài chòi sau một thời gian mai một nay đã trở nên
phổ biến, nhất là từ khi Hội An trở thành di sản văn hoá. Bài chòi được bảo tồn
và phát triển thành nghệ thuật sân khấu dân gian, biểu diễn cho du khách vào
những thời điểm nhất định chứ không chỉ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán như trước
đây. Hô bài chòi trở thành hát bài chòi. Khi diễn ra trước công chúng, người
chơi không phải “đậu” tiền, nhưng được những phần quà của ban tổ chức khi thắng
cuộc. Điều lý thú là chơi bài chòi, người chơi biết thêm nhiều về đời sống văn
hoá qua những câu ca dao lục bát, câu thơ, những lời hát, điệu hò... rất phong
phú. Vì thế, bài chòi không bị xếp ngang với các trò chơi ăn thua, sát phạt
khác.
Bài chòi thường được biểu diễn ở khu phố dọc sông
Hoài phục vụ du khách. Nhưng thích nhất là được tổ chức ở bãi biển Cửa Đại, cách
phố Hội khoảng 5km. Đây là bãi biển sạch sẽ, thơ mộng. Nơi con sông Thu Bồn đổ
ra biển, nhưng nước biển Cửa Đại trong đến không thể trong hơn, cát trắng đến
không thể trắng hơn. Chính vì vậy, nơi đây có khá nhiều resort cao cấp. Dù hiện
đại, tiện nghi đến đâu, kiến trúc, lối sinh hoạt ở các khu resort vẫn trân trọng
thiên nhiên. Bãi biển được giữ nguyên, không bị ngăn cách tạo nên bờ cát trắng
mịn trải dài ngút ngàn. Dù là “đất vàng” nhưng Cửa Đại vẫn có bãi biển công
cộng, công viên dọc bờ biển... phục vụ người dân bản địa và du khách. Khi tổ
chức bài chòi tại Cửa Đại, các chòi lá được dựng lên. Có sân khấu hẳn hoi. Khán
giả đứng ngồi trên cát tùy thích. Diễn viên là những cư dân phố Hội. Có người đã
70-80 tuổi vẫn đến chơi hoặc hô bài chòi. Cây nhà lá vườn nhưng chương trình này
luôn thu hút sự chú ý của du khách. Người nước ngoài dù không hiểu lời nhưng cảm
thấy thích thú qua cách “hô” vần điệu đầy tính nghệ thuật dân gian của “anh
hiệu”. Giọng người đất Quảng cưng cứng như khi “hô” thì rất tuyệt. Vì thế, khi
hô bài chòi thì đích thị phải là người con đất Quảng như hát cải lương phải rặt
giọng miền Tây vậy.
Kết hợp trong chuyến đi khách có thể tham quan phố
cổ Hội An và các làng nghề truyền thống của phố cổ, ngược ra Đà Nẵng để tham
quan các danh thắng, như: Bà Nà, Bãi Bụt, Non Nước...
K.D (st)