Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Châu, đến cuối tháng 10.2010, toàn huyện có 1.863 hộ nghèo, trong đó có 824 hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương.
Vợ chồng ông Lành nương tựa vào nhau để sống |
Vừa qua, Phòng Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Châu có gửi tờ trình đến UB.MTTQVN tỉnh Tây Ninh đề xuất về việc thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân thực sự khó khăn. Trong đó, đề nghị tặng quà cho 10 hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương. Lần theo những địa chỉ trong danh sách, chúng tôi đã tìm đến nơi và chứng kiến nhiều cảnh ngộ nao lòng.
Chị Đặng Ngọc Lành, sinh năm 1967, ngụ khu phố 3, bị bệnh rối loạn tuần hoàn não từ thuở sơ sinh. Đến nay, chị đã 42 tuổi nhưng vẫn sống độc thân và không có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Chị Lành có 8 anh chị em đều đã có gia đình riêng, người nào cũng phải vất vả mới lo đủ miếng ăn cho mình nên không thể nào bảo bọc chị. 13 năm trước, chị Lành và đứa cháu trai tên Đỗ Ngọc Tài được cha mẹ chị cưu mang nhưng rồi cha mẹ chị lần lượt qua đời. Hiện chị Lành và đứa cháu bơ vơ, không ai nuôi dưỡng. Chính quyền địa phương đã xét cho chị Lành và cháu Tài được hưởng tiền bảo trợ xã hội 200.000 đồng/người/tháng. Trong số tiền ít ỏi này, chị Lành phải mua thuốc trị bệnh hết 160.000 đồng, rồi còn phải lo cho cháu Tài đi học (hiện cháu Tài học lớp 7A4, Trường THCS thị trấn Tân Châu). Chị Lành buồn bã kể: “Những lúc hết tiền, tôi kêu cháu Tài lên chợ xin gạo, vào chùa xin nước tương về ăn. Tôi bệnh ngày càng nặng, không biết sống được bao lâu nữa. Chỉ tội nghiệp cho cháu, không biết sau này tương lai nó ra sao?”. Đúng ra không chỉ cháu Tài, mà cả chị Lành- tương lai cũng rất mờ mịt.
Bà Bạc vừa đi giẫy cỏ mì về, đang nấu bữa cơm trưa |
Bà Phạm Thị Bạc, ngụ ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông là một cảnh ngộ bi thương, khó khăn khác. Năm nay bà đã 86 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi người con trai bị bệnh tâm thần. Khi chúng tôi đến thăm, bà vừa đi giẫy cỏ mì thuê về và đang nấu bữa cơm trưa. Vừa đun lửa nồi cơm, bà Bạc vừa kể: trước đây, gia đình bà sinh sống ở Campuchia. 35 năm trước, chồng bà qua đời, để lại cho bà 5 người con. Năm 1990, bà và các con về Tân Châu sinh sống. Đến nay, những người con của bà lần lượt có gia đình ra ở riêng và “cũng nghèo lắm nên ít khi về thăm mẹ”.
Nhiều năm nay, bà Bạc sống với người con trai bị bệnh tâm thần tên Nguyễn Văn Nia. Năm nay anh Nia đã 35 tuổi, nhưng suốt ngày chỉ biết chạy chơi với con nít trong xóm hoặc đi lang thang khắp nơi. Thương cho hoàn cảnh của gia đình bà, năm 2006, Hội Nông dân xã Thạnh Đông xây tặng cho bà căn nhà tình thương, Phòng LĐ-TB&XH cũng xét cho hai mẹ con bà được hưởng tiền bảo trợ xã hội 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn không đủ trang trải cuộc sống nên mặc dù đã ở vào tuổi gần đất xa trời, bà Bạc vẫn phải chạy vạy tìm việc làm thuê. “Tôi xin đi giẫy cỏ cao su, cỏ mì thuê, kiếm được 15.000 đồng/ngày. Nhưng lâu lâu mới có người thuê chứ không phải lúc nào cũng có”, bà Bạc nói.
Nhìn bà lão ở tuổi gần đất xa trời vẫn phải lê thân đi làm công việc lao động nặng nhọc để kiếm sống mà không khỏi chạnh lòng. Chưa biết bà còn làm được đến bao lâu?
Vợ chồng ông Phan Văn Lành, 73 tuổi và bà Hồ Thị Bụi, 78 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Hiệp lại là trường hợp đáng thương khác. Hơn mười năm trước, ông Lành bị bệnh phổi và mắt bị cườm nước. Sau khi điều trị hết bệnh phổi cũng là lúc cả hai mắt của ông không còn nhìn thấy ánh sáng. Chuyện xui này tiếp nối chuyện rủi khác. Hai vợ chồng ông Lành có một đứa con trai tên Nguyễn Văn Mưa, đã lập gia đình. Vợ chồng anh Mưa chưa kịp sinh cho ông bà đứa cháu nào thì năm 2004, anh bị bệnh nặng, qua đời. Vợ anh Mưa đi lấy chồng khác. Từ đó đến nay, vợ chồng ông Lành phải sống trong cảnh tuổi già hiu quạnh. Không ruộng đất, không nghề nghiệp, bao năm qua ông bà vẫn ở nhờ trên đất công của xã. Năm 2010, chính quyền địa phương đã xây tặng vợ chồng ông Lành một căn nhà đại đoàn kết trên quỹ đất công của xã và cho hưởng chế độ bảo trợ xã hội 200.000 đồng/người/tháng. Sống trong cảnh nghèo khó, neo đơn nên đôi vợ chồng già luôn đối mặt với những nỗi buồn lo. Bà Bụi kể: “Hiện nay, tui thường xuyên bị bệnh nhức đầu, xây xẩm mặt mày, đang đi muốn té thì té. Còn ổng thì bệnh đủ thứ, nhất là bị ngứa cùng mình, rất khó chịu. Tui còn dòm ngó ổng được, còn ổng chẳng nhìn thấy gì hết nên tui cứ phải căn dặn ổng sáng nào mà nghe tui không lên tiếng thì vào giường rờ thử coi tui còn sống hay không”.
Chị Lành và cháu Tài |
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Châu, đến cuối tháng 10.2010, toàn huyện có 1.863 hộ nghèo, trong đó có 824 hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương. Mặc dù các hộ nghèo này đều được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, ngoài ra, những dịp lễ, tết chính quyền cũng quan tâm thăm hỏi, tặng quà, nhưng so với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu thốn của họ thì sự trợ giúp ấy vẫn không thấm vào đâu. Vì vậy, họ đang rất cần được sự chia sẻ của cộng đồng xã hội.
Đại Dương