Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ lâu huyện Tam Đường được ví như “viên ngọc sáng” trong lĩnh vực phát triển du lịch của tỉnh. Bởi, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là sự mến khách, khung cảnh nên thơ của những bản du lịch cộng đồng giữ chân được nhiều du khách khi đến tham quan, khám phá.
Nhắc đến Tam Đường, chắc hẳn nhiều du khách mường tượng ngay đến vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh như: Động Tiên Sơn, Thác Tác Tình, Thác Cầu Mây. Thú vị, mạo hiểm hơn là du lịch leo núi thám hiểm đỉnh Pu Ta Leng và ghé thăm các bản du lịch cộng đồng để tận mắt tìm hiểu vẻ đẹp những ngôi nhà truyền thống, tìm hiểu nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc.
Được biết, huyện Tam Đường xây dựng chương trình phát triển dịch vụ du lịch đến năm 2020, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở giữ vững bản du lịch cộng đồng ở Bản Hon (xã Bản Hon) và bản Nà Luồng (xã Nà Tăm), huyện triển khai xây dựng thêm 3 điểm du lịch cộng đồng tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng), Nà Khương (xã Bản Bo). Để xây dựng thành công các bản du lịch cộng đồng, trong hai năm qua tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng) huyện Tam Đường đã có nhiều chính sách hỗ trợ các bản từ đầu tư làm đường giao thông, hỗ trợ bà con giống lan, cây ăn quả ôn đới.
Cọn nước ở bản Nà Khương thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.
Cùng với đó các ban ngành đoàn thể chung tay góp sức cùng bà con trồng hoa hồng, tam giác mạch, làm hàng rào đá để tô điểm thêm vẻ đẹp cho bản làng. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng tập huấn về du lịch, tạo điều kiện cho bà con đi tham quan các mô hình làm du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi kinh nghiệm. Hướng dẫn người dân tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa gùi, khăn, túi thổ cẩm, ghế mây để quảng bá, giới thiệu đến du khách. Trong hành trình khám phá các bản du lịch cộng đồng, chúng tôi bị ấn tượng bởi bản Nà Luồng (xã Nà Tăm). Cách thành phố Lai Châu gần 40km, bản Nà Luồng có 102 hộ dân tộc Lào sinh sống. Nằm ngay cạnh dòng sông Nậm Mu hiền hòa uốn lượn bên ruộng lúa chín vàng; những ngôi nhà sàn thấp thoáng bên sườn núi tạo vẻ đẹp bình dị, êm đềm. Dù đã đến bản nhiều lần nhưng cảm xúc của chúng tôi không hề giống nhau. Hình ảnh người phụ nữ Lào dịu dàng, thân thiện trong trang phục truyền thống, nụ cười với hàm răng đen thu hút mọi ánh nhìn, tạo ấn tượng khó quên. Phụ nữ nơi đây giỏi thêu thùa, dệt vải, may vá. Đa số trang phục của các thành viên trong gia đình đều do các chị làm nên và hiện nay với các sản phẩm: túi xách, áo váy, khăn thổ cẩm được nhiều gia đình bày bán cho khách du lịch. Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc chúng tôi được bà con mời ăn bữa cơm chiều với nhiều món ăn đậm đà hương vị núi rừng: cá nướng, nộm chua, thịt nướng. Chương trình văn nghệ đậm chất “cây nhà lá vườn” do đội nghệ của bản Nà Luồng biểu diễn với các làn điệu dân ca, múa xòe làm say đắm lòng người khiến chúng tôi thêm quyến luyến tình người nơi đây.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lò Văn Điếng - Trưởng bản Nà Luồng tâm sự: “Trung bình mỗi tháng, bản Nà Luồng đón hơn 200 lượt khách đến tham quan. Du lịch đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã nên chúng tôi tích cực vận động bà con đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, bản đã có 5 hộ gia đình áp dụng mô hình kinh doanh du lịch phục vụ nhu cầu của du khách”.
Hai năm trở lại đây, bản du lịch cộng đồng Nà Khương (xã Bản Bo) trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài tỉnh bởi vẻ đẹp của những coọn nước. Đến bản Nà Khương vào mùa xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cọn nước giống như những bông hoa khổng lổ cần mẫn dẫn nước tưới vào đồng ruộng. Dưới con suối hiền hòa, hình ảnh những cô gái Thái vui đùa sau những ngày làm việc mệt mỏi minh chứng cho cuộc sống bình yên nơi núi rừng Tây Bắc. Coọn nước đã trở thành nét đẹp văn hóa gắn bó với đời sống của bà con, mỗi coọn nước được dựng lên là mong ước về mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Với mục tiêu xây dựng bản Nà Khương trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thời gian qua, xã Bản Bo tiến hành trồng các loại hoa, cây xanh dọc tuyến đường vào các bản: Nà Khuy, Phiêng Pẳng, Nà Cang, Nà Khương. Hướng dẫn bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, giữ gìn bản làng xanh - sạch - đẹp.
Chia tay bản Nà Khương, chúng tôi tiếp tục khám phá vẻ đẹp của bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu). Với độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển, Sì Thâu Chải được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ tạo cảm giác thư thái, nhanh chóng quên đi mệt mỏi sau chặng đường đi dài. Từ trên cao phóng tầm mắt, chúng tôi ngắm trọn vẻ đẹp của bản với cảnh sắc thanh bình. Các con đường dẫn vào bản đều được ghép đá, những ngôi nhà trình tường mang đậm nét cổ kính, hoang sơ thể hiện kiến trúc độc đáo về nhà ở của đồng bào dân tộc Dao. Nhà nào cũng trồng hàng chục chậu địa lan, nhiều vườn cây ăn quả. Sì Thâu Chải cũng là mảnh đất của nhiều lễ hội đặc sắc như: nhảy lửa, tủ cải. Đây cũng là điểm đến của các vận động viên chuyên nghiệp thực hiện bay dù lượn thỏa lòng đam mê khám phá vùng đất mới và chinh phục độ cao. Theo chia sẻ của bà con, mặc dù mới được đầu tư xây dựng được 2 năm nay nhưng bản đã thu hút nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ, du khách nước ngoài đến tham quan tìm hiểu. Tính riêng dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, khách du lịch đến bản Sì Thâu Chải đạt 1.760 lượt người.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tẩn Thị Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tính đến ngày 15/9, lượng khách du lịch đến với huyện Tam Đường ước đạt 41.400 lượt, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch ước đạt 10.2 tỷ đồng. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế của huyện như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Đồng thời, kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch. Triển khai nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở các khu, điểm du lịch… quyết tâm đưa Tam Đường trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách”.
Theo Báo Lai Châu