Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cũng như người dân vùng cao ở Yên Bái, Hà Giang, người dân ở Pác Nặm (Bắc Kạn) đã khai phá những quả đồi để làm ruộng bậc thang cấy lúa.
Ruộng bậc thang xã Nghiên Loan. (Nguồn: baobackan.org.vn)
Đến với huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) du khách không chỉ bị hấp dẫn bởi nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của các dân tộc vùng cao mà còn bị mê đắm trước vẻ đẹp của những cung ruộng bậc thang nằm vắt ngang các sườn đồi.
Pác Nặm là một huyện vùng cao với đa số người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Do địa hình chủ yếu là đồi núi nên đất sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng số một đối với người dân nơi đây.
Khắc phục điều này bằng sự cần cù và sáng tạo của mình ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Pác Nặm người dân đã bạt đất, đá tạo thành những thửa ruộng bậc thang uốn quanh các sườn đồi. Vì vậy, ở đây, những thửa ruộng bậc thang vừa là nơi cung cấp nguồn lương thực chủ yếu, vừa mang lại vẻ đẹp cho mỗi vùng quê.
Đi theo Tỉnh lộ 258B, ngay ở cửa ngõ của huyện Pác Nặm, du khách đã được chiêm ngưỡng những cung ruộng bậc thang kỳ vĩ mang vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc. Đặc biệt là tại đỉnh đèo Kéo Điếp, phóng tầm mặt xuống du khách mới thấy hết sự kỳ vĩ và nên thơ của những thửa ruộng bậc thang ôm trọn những quả đồi.
Ruộng bậc thang xã Công Bằng vào mùa lúa chín. (Nguồn: baobackan.org.vn)
Ruộng bậc thang ở Pác Nặm đã có từ rất lâu và nhiều đời nay, người dân nơi đây vẫn canh tác và không ngừng mở rộng các thửa ruộng. Ruộng bậc thang ở Pác Nặm mang một vẻ đẹp huyền bí cùng những ý nghĩa sâu sắc về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên.
Ông Ma Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm, cho biết Pác Nặm là một trong 60 huyện nghèo nhất trong cả nước. Nằm cách xa trung tâm tỉnh hơn 90km về phía Bắc, đường giao thông đi lại ở đây khó khăn chủ yếu là dốc núi. Toàn huyện có tổng diện tích đất tự nhiên là gần 47.540ha, nhưng mới chỉ có gần 4.410ha đất nông nghiệp, chiếm 9,3%; trong đó đất trồng lúa cả năm là 1.882ha.
Nhờ tận dụng, khai phá đất đai tốt cộng với thâm canh tăng vụ nên sản lượng lương thực của huyện đạt hơn 20.200 tấn, bình quân lương thực đạt 633 kg/người/năm. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 4% trở lên.
Do địa hình cao, nếu san cả một quả đồi chỉ bằng sức người để làm ruộng là điều không thể. Vì thế, người dân vùng cao đã nghĩ ra cách bạt đất theo bậc tam cấp để làm ruộng. Mỗi hòn đất, mỗi thửa ruộng chứa biết bao mồ hôi, công sức, thể hiện trí tuệ, trình độ canh tác lúa nước của người dân vùng cao. Việc làm bậc tam cấp giúp người dân tận dụng tối đa diện tích triền đồi và giảm hiện tượng rửa trôi, cũng như sạt lở đất canh tác.
Ruộng bậc thang xã Nghiên Loan. (Nguồn: baobackan.org.vn)
Không giống như miền đồng bằng, các cánh đồng có hệ thống kênh mương đến tận ruộng, ở vùng cao dẫn được nước, giữ được nước trên ruộng bậc thang là cả vấn đề. Để có nước sản xuất, người dân phải đào mương dẫn nước dọc các triền đồi hoặc dùng hệ thống máng tre, nứa đưa nước về.
Do phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên nên việc sử dụng tiết kiệm nước vào mùa khô là điều quan trọng nhất đối với việc canh tác trên ruộng bậc thang. Theo trình tự, nước được đưa về thửa ruộng cao nhất, sau đó cho chảy xuống thửa tiếp theo và cho đến thửa cuối cùng.
Về mùa mưa, để tránh ruộng bị rửa trôi mạnh hoặc bị sạt lở, người dân không đắp bờ cao mà để dòng nước tràn từ thửa này xuống thửa khác. Trung bình mỗi hộ dân Pác Nặm có từ 3-5 thửa ruộng, thửa rộng có diện tích lên đến 1.000-2.000m2, thửa bé chỉ vài chục m2. Sự phụ thuộc vào nhau trong quá trình sử dụng nước để canh tác ruộng bậc thang giúp tăng cường tính gắn kết cộng đồng. Khi hệ thống mương, máng dẫn nước bị hỏng, người dân trong thôn lại cùng nhau nạo vét, tu sửa.
Anh Lý Văn Sinh, dân tộc Mông, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm cho biết: Gia đình có hơn 2ha chủ yếu là ruộng bậc thang, những thửa ruộng này được cha ông để lại, mỗi năm cấy một vụ lúa cũng đủ ăn. Nhiều gia đình còn trồng ngô, đậu đỗ trên những thửa ruộng bậc thang. Người dân ở đây rất quý trọng và giữ gìn những thửa ruộng bậc thang của mình.
Những sườn núi bị chinh phục bởi bàn tay người dân. (Nguồn: baobackan.org.vn)
Vào mùa lúa chín, giữa mênh mông núi rừng hình ảnh các sơn nữ nhanh tay gặt những bông lúa chín vàng bên những cung ruộng bậc thang uốn lượn tạo nên vẻ đẹp riêng của miền sơn cước Pác Nặm.
Theo ước tính của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm, toàn huyện có hơn 1.500ha đất trồng lúa thì đất ruộng bậc thang chiếm khoảng 50-60%. Với sự hỗ trợ của máy móc việc khai hoang tạo ruộng bậc thang của người dân Pác Nặm đã bớt vất vả hơn.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ruộng bậc thang. Người dân Pác Nặm coi trọng và tự hào về những thửa ruộng bậc thang mà mình đang có.
Những thửa ruộng bậc thang không chỉ là nơi cung cấp lương thực mà còn cho thấy ý chí vươn lên, khát vọng ấm no và trình độ, sự sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân vùng cao.
(Theo TTXVN)