Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vẻ đẹp tiềm ẩn trên những cung đường tình yêu cao nguyên đá Hà Giang
Chủ nhật: 08:58 ngày 12/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bất kỳ ai khi đi trên cung đường nối giữa thị trấn Mèo Vạc và thị trấn Đồng Văn đều sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cảnh, của vật và của những con người mộc mạc nơi đây.

Xếp nốt những túi quà cuối cùng lên xe, đoàn công tác gồm 25 người của Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II, CATP Hà Nội khởi hành lúc đồng hồ điểm 5h sáng. Những nữ chiến sỹ thầm lặng đứng sau trong các chuyên án, thầm lặng đứng sau trong các báo cáo thành tích, thầm lặng trong cả việc tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan khăn, đan áo dành tặng các cháu đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó háo hức lên đường đi đến với thầy và trò điểm trường Mã Lầu, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Nơi cất giấu những bí mật cần giải mã

Tạm biệt Hà Nội với bao liên tưởng, xe lao vun vút trên cung đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng mất gần 6 tiếng đồng hồ mới đưa đoàn đến thành phố Hà Giang. Sau khi nghỉ ngơi, và được đơn vị bạn ở Hà Giang cho “mượn" 2 cán bộ là người dân tộc Mông - thổ dân của vùng đất Đồng Văn - đoàn công tác tiếp tục lên đường. Chẳng mấy chốc, tấm biển đề "Cao nguyên đá địa chất Đồng Văn" đã hiện ra trước mắt với  những dãy núi đá vôi cao sừng sững được bao phủ bởi màu xanh ngắt của cây rừng. Xen kẽ giữa các dãy núi cao là những "vườn đá", thung lũng đá đủ hình thù kích cỡ, chỗ thì nhọn hoắt như chông, chỗ lại trơn tròn nhẵn nhụi nằm xếp lên nhau hàng đoàn dài.

Cao nguyên đá Đồng Văn thực ra chỉ là tên gọi chung của một cao nguyên đá vôi trải dài trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Không phải tự nhiên mà nơi đây được thế giới công nhận là thành viên của mạng lưới địa chất công viên toàn cầu. Không phải chỉ bởi những giá trị về cảnh quan, truyền thống, văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa mà còn bởi một lý do vô cùng quan trọng là cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cất giấu những bí mật đang cần được giải mã của cả 3 giai đoạn phát triển của vỏ Trái đất từ Đại cổ sinh, Đại Trung sinh đến Đại Tân sinh... 

Trí tưởng tượng còn đang miên man thì trước mắt chúng tôi hiện ra một thung lũng ruộng bậc thang đương mùa đơm bông. Những thửa ruộng bậc thang tựa như những gợn sóng xanh bất tận lan ra từ một cái chấm xanh giữa thung lũng. Mùa này lúa chưa chín nên chưa thấy được cái óng vàng mà chỉ một màu xanh với đủ các sắc độ từ xanh rì đến xanh ngả màu vàng tạo nên một tổng thể tuyệt đẹp và hài hòa như sự sắp xếp có chủ ý của một họa sỹ có năng khiếu thiên bẩm về màu sắc. Con đường từ Quản Bạ lên Mèo Vạc nhìn từ trên cao trông như dải lụa ngà mềm mại vắt trễ nải quanh các triền núi xanh ngắt những thông, những  bách tán và những nương ngô đương thì con gái. 

Những cung đường hình chữ M, chữ U hay đơn giản chỉ là những đường lượn sóng mềm mại dẫn tôi đi hết những cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, khiến cho tôi đắm chìm trong cảm giác thích thú. Tôi chỉ nhận ra trời đã trở chiều khi nhìn thấy làn khói bếp mỏng manh thi thoảng bốc lên từ những ngôi nhà gỗ của đồng bào nằm ẩn mình trên những sườn núi. Cái cảm giác se lạnh dần len lỏi trong không khí cùng với bóng tối vừa đủ để chúng tôi đi thăm quan một vòng thị trấn Mèo Vạc nhỏ nhắn và thanh bình trước khi chìm vào giấc ngủ thơm mùi sơn cước.

Niềm yêu thương gửi gắm

Theo đúng lịch trình, cả doàn dậy sớm để tiếp tục phần quan trọng nhất của cuộc hành trình đi tặng quà cho các em nhỏ điểm trường Mã Lầu. Cung đường từ Mèo Vạc đi Đồng Văn là cung đường nguy hiểm nhất với hơn 50km đèo dốc cua tay áo nhưng cũng là một trong những cung đường đẹp nhất với tên gọi là cung đường hạnh phúc. Chúng tôi đến Mã Pí Lèng khi mặt trời còn đang ngái ngủ giấu mặt đằng sau dãy núi cao vút trùng trùng điệp điệp. “Tấm chăn” mây khổng lồ, trắng muốt, bông xốp và bồng bềnh phủ kín mặt sông Nho Quế khiến tôi bất giác nhớ đến câu thơ của nhà thơ Huy Cận: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”.

9h sáng, chúng tôi đã có mặt tại lưng chừng núi để bắt đầu chuyến đi bộ nhọc nhằn qua 2km đường dốc trơn trượt xuống điểm trường Mã Lầu. Càng đi chúng tôi càng cảm phục những thầy cô giáo vùng cao kiên trì bám trụ với các con ở những ngôi trường cheo leo lưng chừng núi. Nói là trường cho sang chứ thực ra chỉ là ngôi nhà cấp 4 vách đất lợp pro xi măng với vẻn vẹn 40 cháu học sinh lớp 1 và lớp 2.

Khi chúng tôi đến nơi, 40 cháu đã có mặt đầy đủ ngồi khoanh tay ngay ngắn trên ghế  nhựa. Những cô bé, cậu bé khuôn mặt lem luốc, đứa có dép đứa chân trần tròn mắt nhìn chúng tôi. Những ánh mắt vừa lạ lẫm, vừa sợ sệt cùng những bàn chân lấm lem bùn đất của sân trường lầy lội sau cơn mưa đêm hôm trước khiến cho tất cả đoàn chúng tôi chùng lại. Chỉ mong rằng những tấm áo len còn vụng về mà chị em chúng tôi tranh thủ đan trong suốt một năm qua, những chiếc áo khoác dày, những đôi ủng nhiều màu sắc, những đôi tất xinh xắn... sẽ giúp các con có một mùa đông ấm áp bởi nó chất chứa biết bao tình cảm sẻ chia mà chúng tôi gửi gắm. 

Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc của các thầy cô giáo khi kể về những gian khó khi vừa “dạy” vừa “dỗ” con em của các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn huyện Ma Lé mới thấm thía cái chân lý rằng chỉ khi tình yêu đủ lớn người ta mới có thể truyền được tình yêu và cảm hứng cho người khác.

Tình yêu mới mang về

Chia tay nhau trong bịn rịn, chúng tôi hẹn ngày lại được trở lại Hà Giang, trở lại với thầy và trò tiểu học Mã Lầu. Những em bé lũn cũn, bé nhỏ và thơ ngây đứng vẫy tay tạm biệt khiến cả đoàn xúc động. Tạm biệt Mã Lầu, xe đưa chúng tôi thăm quan cột cờ Lũng Cú lúc mặt trời đã xế bóng. Ánh hoàng hôn đủ đẹp để tôn lên sắc trắng sắc hồng của những vạt tam giác mạch bên vệ đường. Vẻ đẹp mộc mạc của tam giác mạch tựa như những thiếu nữ vùng cao má đỏ hây hây, vừa gùi quẩy tấu tay vừa thoăn thoắt quấn sợi gai, ánh mắt ngây thơ và nụ cười vô tư lự khiến cả đoàn không thể cầm lòng.

Vào thời điểm này tam giác mạch chưa rộ đều và hoa chưa bật tung sắc hồng vì chưa có sương muối và gió rét. Nhưng chừng đó thôi cũng khiến chị em trong đoàn ngẩn đi vì một khung cảnh quá đỗi thần tiên: trên là trời xanh thăm thẳm, dưới đất là những vạt hoa trắng hồng yểu điệu được bao bọc bởi màu xanh thẫm của cây rừng. 

Từ xa, cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh và sững sững như anh lính tiêu binh đứng nghiêm trang bảo vệ Tổ quốc. Lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay phấp phới trong cái nắng gió nơi cột mốc biên giới. Sau nghi lễ chào cờ trang nghiêm, chúng tôi khẩn trương tạm biệt Lũng Cú để trở về Hà Nội cho kịp thời gian. Xe đi trong đêm và lần đầu tiên trong đời chúng tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ma mị của núi rừng Hà Giang trong một đêm trăng đầy.

Mở cửa xe để cái mát lạnh của không khí ùa vào, chúng tôi hít hà được mùi nồng nàn của Ngọc Am phảng phất đâu đó, hít hà được mùi thanh khiết của cây rừng, lắng nghe được tiếng róc rách của những suối nước không biết bắt đầu từ đầu và kết thúc ở chỗ nào, hứng tay vớt đầy ánh trăng vàng sóng sánh ngập tràn không gian. Tôi đã mang theo về Hà Nội tình yêu với nơi tôi vừa mới đến - một thứ tình yêu đơn giản và trong veo như những gì Hà Giang đã hào phóng tặng tôi. Chia tay để gặp lại, nhất định chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở những cung đường tình yêu khác!

Nguồn Báo ANTĐ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục