Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về hai địa danh Quang Hoá, Quang Phong (Tiếp theo và hết)
Thứ năm: 14:12 ngày 21/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như vậy là đã có đủ cơ sở để xác định đất Tây Ninh xưa là đạo Quang Phong. Đạo sở đặt tại thôn Cẩm Giang, nay cũng là xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu. Tại đạo sở có một ngôi thành đắp đất (xưa gọi là bảo) được đặt tên là thành bảo Quang Hoá. Đến mùa thu năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bỏ đạo lập phủ Tây Ninh trên vùng đất đạo Quang Phong.

Xe bò ở Tây Ninh năm 1900.

Phủ có 2 huyện là huyện Tân Ninh do phủ kiêm lý; huyện Quang Hoá lấy đạo sở đặt tại Cẩm Giang làm huyện lỵ, lấy bảo Quang Hoá làm thành huyện. Đến “năm Thiệu Trị thứ ba (1843) đắp bảo Đinh Liêu (hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, nay thuộc huyện Bến Cầu- TV); năm Tự Đức thứ 3 (1850) lại lấy bảo Định Liêu làm thành bảo của huyện, mà Quang Hoá vẫn để làm bảo như cũ” (Đại Nam nhất thống chí, trang 211).

Dù là vậy, nhưng cũng không thể bác bỏ một thực tế là địa danh Quang Hoá xuất hiện nhiều hơn Quang Phong, ngay cả trong các sách sử của triều Nguyễn. Có mấy lý do, sau:

Một là, Quang Hoá còn được dùng làm tên rừng, tên sông trong phạm vi của huyện. Sách đã dẫn có mô tả rừng Quang Hoá (trang 212, 213), như sau: “Ở phía Tây huyện Quang Hoá (hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông cho đến biên giới, nay thuộc các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên- TV).

Gia Định thông chí chép rằng: Gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm, thợ xẻ, thợ mộc dựng lều cắm trại để đẵn gỗ hoặc lấy dầu rái, nhựa trám, mây song, mây nước, cũng là săn bắn thú rừng, mối lợi rất rộng…”.

Còn sông Vàm Cỏ Đông mà thời triều Nguyễn còn gọi là sông Cửu An, đoạn qua phủ Tây Ninh cũng được gọi là sông Quang Hoá. Sách chép “Sông Quang Hoá: ở cách huyện lị Quang Hoá chừng 1 dặm về phía Nam (tức là khoảng cách từ cổng thành bảo- dinh Quan lớn Huỳnh Công Thắng hiện nay xuống tới bờ sông- nay là chùa Cẩm Phong- TV) là thượng lưu sông Cửu An, chảy từ phía Tây huyện lị 24 dặm rưỡi đến Khe Xỉ, lại chảy 91 dặm đến thủ sở Quang Phong giáp địa giới nước Cao Mên, đúng chỗ đường ngang sứ thần Cao Mên sang cống phải đi qua. Ven sông nhiều rừng… đều là đất thông liền của rừng Quang Hoá…”.

Theo những mô tả kể trên, từ bến Cẩm Giang ngược dòng lên 14km là tới Khe Xỉ (rạch Tây Ninh hiện nay). Vị trí này là gần với cầu Gò Chai trong hiện tại. Từ đây, ngược lên 91 dặm (52,88km) nữa thì tới thủ sở Quang Phong; cũng là “chỗ đường ngang sứ thần Cao Mên sang cống phải đi qua”.

Vị trí này chỉ có thể là cầu Tân Nam trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Tân Biên hiện tại. Đến đây, “Vẫn là đất thông liền của rừng Quang Hoá”. Do vậy, rừng trong Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát hiện nay có thể coi là “hậu duệ” của rừng Quang Hoá ngày xưa.

Sách Đại Nam Thực lục- bộ chính sử quan trọng nhất của triều Nguyễn, được biên soạn trong suốt 88 năm, từ thời vua Minh Mệnh (năm thứ 2-1821) đến Duy Tân năm thứ 3 (1909) mới hoàn thành, thì ngay ở các bộ sách “Tiền biên” mô tả các đời chúa Nguyễn đã có rất nhiều đoạn viết về rừng Quang Hoá (Đại Nam Thực lục- NXB Giáo dục năm 2006).

Do vậy, trong sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam (Dương Công Đức. NXB Tri Thức, năm 2019) có cả một mục I của chương V nói về vai trò của rừng Quang Hoá với các chúa Nguyễn. Đấy là vào các năm: năm 1778: “Sai cai đội Nguyễn Đức Huy sang đạo Quang Hoá để đóng thuyền đi biển…”. Đến năm 1780: “Nguyễn Ánh lại sai Đỗ Thành Nhơn lúc bấy giờ được phong là Phụ chính Thượng tướng quân, tước Phương Quân công đem lính lên Quang Hoá để tiếp tục khai thác gỗ sao và đóng thuyền chiến…”.

Đến tháng 4.1791, Chúa lại ra lệnh: “Đóng hơn 100 chiếc thuyền, sai Tri tàu vụ Lê Đăng Trung, Khâm sai cai cơ Nguyễn Ngọc Tốt đem các đội Ngoại sai, Triều hạ, Mộc đĩnh (xuồng gỗ), Thuyền bàn (thuyền chuyên chở) chia đi đạo Quang Hoá và các xứ Sơn Phủ, Sơn Bốc, Sơn Trung (thuộc đất Chân Lạp) kiểm lấy ván gỗ…”. Tháng 8.1800, lại có đoạn: “Gia Định được mùa yên ổn.

Đông cung Cảnh dâng sớ tâu và nói: “Nhân nay mùa rỗi, xin bắt 10.000 dân phu và người đồn điền lấy ba phần mười (3/10), uỷ cho bộ công Trần Văn Thái đem đi Quang Hoá lấy gỗ ván chở về, đóng thêm 50 chiến thuyền đi biển, để sẵn cho quân dùng. Vua cho là phải”. Đây cũng là những năm cuối của triều Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã và đang tăng cường lực lượng, nhất là thuỷ binh để đánh đổ hoàn toàn nhà Tây Sơn, giành lại vương quyền.

Dương Công Đức cùng sưu tầm được một đoạn chuyện kể của sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết khoảng năm 1820. Đấy là chuyện về một tướng của Gia Long là Đỗ Thành Nhân (Nhơn). Chuyện như sau: “Thế tổ Cao Hoàng đế năm Canh Tý thứ 3 (1780) mùa thu tháng 7, sai các quan quân chặt lấy gỗ để đóng thuyền quân.

Ở miền Quang Hoá có cây sao già cỗi, ban đêm trên ngọn cây thường thấy lửa sáng như hình hai ngọn đèn. Người ở miền núi kinh sợ phải tránh xa, cho nên nó cao lớn không cây nào bằng. Khi ấy quan quân chợt thấy, lấy rìu búa bổ vào, lập tức hộc máu chết. Từ đó người ta truyền bảo nhau răn sợ không dám đụng đến. Ngoại tả Chưởng doanh quân Lễ bộ Hình bộ lĩnh Đại tư nông Phương Quận công là Đỗ Thành Nhân truyền lệnh tiền đốc bắt phải chặt lấy được, người nào sợ tránh thì lấy quân pháp trị ngay.

Mọi người sợ tuân lệnh tướng rồi chặt xuống được. Chợt thấy lửa rực lên, nổ một tiếng rồi bay đi, trông như tấm vải trắng. Thân cây gỗ nhựa chảy thấm ướt như máu…” (Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam, trang 126). Mô-típ câu chuyện trên, sau này cũng được truyền tụng nhiều nơi ở Tây Ninh, như chuyện về cây trâm trên khu mộ Quan lớn Trà Vong ở Tân Biên, chuyện ở xã An Bình nơi có miếu Bà bến Thốt Nốt và gò Sẩm Nổi v.v…Tất cả đều cho thấy hình ảnh về rừng Quang Hoá xưa đầy bí ẩn, thâm nghiêm.

Trong các đoạn trích kể trên, các sử gia phong kiến cũng có chỗ ghi là đạo Quang Hoá. Có lẽ cũng là do địa danh Quang Hoá đã được quen nghe, quen dùng nên dù là đạo Quang Phong cũng được gọi tên là Quang Hoá. Điều này tới nay con người vẫn thường sử dụng. Địa danh này còn được lưu dấu trong thơ.

Đấy là bài “Quang Hoá hồ già”- tiếng kèn Hồ ở thành Quang Hoá. Tác giả chính là quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định- Trịnh Hoài Đức. Ông viết khoảng năm 1800 (theo Dương Công Đức), với những câu: “Quang Hoá tây tuần tuyệt lỗ trần/ Nhất gia Hồ Việt lưỡng tương thân/ Hồ già thánh khởi thu vân yết/ Cửu thú sầu tùy tái thảo tân…”.

Nghĩa là: “Quang Hoá đi tuần về phía tây sạch bụi giặc (Xiêm)/ Miên Việt hai bên thân nhau như một nhà/ Tiếng kèn Hồ thổi lên (làm) đám mây thu ngừng lại/ Người đi lính thú lâu, sầu theo cỏ mới ở cửa ải”.

Cái tên Quang Hoá đã từng vang dội trong quá khứ là như thế đấy! Mà sao đến nay không còn thấy ở đâu trên đất Tây Ninh?

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục