Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nếu là người yêu mến văn hoá làng nghề truyền thống, có dịp đến với Hải Dương, đừng quên ghé thăm làng gốm Chu Đậu, để tự mình khám phá dòng gốm mỹ nghệ cao cấp “made in Việt Nam” có bề dày khoảng 600 năm lịch sử.
Có dịp đến Hải Dương, bạn đừng quên ghé thăm làng gốm Chu Đậu, khám phá dòng gốm mỹ nghệ cao cấp “made in Việt Nam” có bề dày khoảng 600 năm lịch sử.
Một khẳng định, Chu Đậu là một trong những cái nôi nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (xưa là huyện Thanh Liêm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương) cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km về phía Tây Bắc. Theo tiếng Hán, Chu là thuyền, Đậu là bến, Chu Đậu là thuyền đậu bến.
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ XIV, rực rỡ nhất vào thế kỷ XV, XVI. Khi nói đến gốm Chu Đậu, không thể không nhắc đến những bậc danh tài như Đặng Huyền Thông, Đặng Hữu, Đặng Tính... Trong đó, bà Bùi Thị Hý (1420-1499)- Tổ nghề gốm Chu Đậu, nghệ nhân đã tạo tác ra chiếc bình hoa lam cao 54 cm vào năm 1450 đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Hiện chiếc bình đang được lưu trữ tại Bảo tàng Hoàng gia Tokapi-Sady (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), với giá bảo hiểm 1 triệu USD.
Tháng 8.2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nam Sách đã xếp hạng và đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao cho 5 sản phẩm gốm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, gồm các loại bình: Giọt Ngọc, Hoa Lam, Phú Quý, Thiên Nga và bình Tỳ Bà. 5 công nhân xuất sắc của công ty được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề” Việt Nam.
Các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia, xuất khẩu qua 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ..
Tâm Giang