Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bến Trường cũng đã từng là một địa danh lịch sử ở Tây Ninh. Và cũng chẳng phải là vô tình, khi di tích Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành thời chống Mỹ cũng nằm ngay ở ấp Trường, cách bến Trường chỉ gần cây số.
Kênh máng ở ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.
Đọc bài báo của tác giả Đình Chung (báo Tây Ninh, thứ sáu, 10.5.2019) về dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, lòng lại nhớ Bến Trường. Từ mấy tin bài trước nữa, tôi đã biết phần trọng điểm của dự án này- cầu máng vượt sông là nằm ở ấp Trường, Hảo Đước. Ôi, miền đất đã từng vang danh trong lịch sử chống ngoại xâm, cũng là miền đất tôi yêu mến nhất.
Với những cái tên như Mãnh Hoả thời xa xưa hay trong kháng chiến chống Pháp là xã Đước Hoà Bình. Chính là trên dòng sông qua Hảo Đước này đây, có những người phụ nữ chèo thuyền trên con nước ngược giữa mùa lũ lịch sử năm 1952, để cho nhạc sĩ- chiến sĩ Hoàng Việt viết nên bài hát Lên ngàn bất hủ. Bến Trường cũng gần gũi với những địa danh rạng ngời trong sử. Những Sóc Om, Bến Thứ, phủ An Cơ… cùng những cái tên trở thành điểm tựa của lòng dân yêu nước như Khâm Tấn Tường, Trương Quyền, Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Dương… thời kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, bắt đầu từ năm 1859.
Bạn trẻ hôm nay chắc rất ít người biết đến Bến Trường. Ngay bài báo kể trên cũng không còn nhắc đến. Vậy mà Bến Trường từng được ghi vào sách Lược sử Tây Ninh, do Ban Tổng kết chiến tranh của Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản từ năm 1986. Tại mục sự tích một số địa danh (trang 39) sách viết:
“1. Bến Trường: (xóm Trường, ấp Trường): ở sát sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Hảo Đước. Không phải là bến ở mé sông có nhiều cây trường như bến cây ổi…Mà nơi đây giao thông thuận tiện đường sông và đường rừng các lãnh binh và liên lạc về đây (Bến Trường) nhận việc và báo cáo kết quả. Ở đây theo đường sông bằng “ghe ô, ghe lê” chuyển ra Huế để báo và nhận lịnh…
Địa danh Bến Trường còn lưu lại đến ngày nay”.
Viết như thế là cực kỳ chính xác. Đường thuỷ thì ta đã rõ. Từ đây xuôi dòng chỉ vài chục dặm sông là đã tới Cẩm Giang, nơi có bến chính của quan quân huyện thành Quang Hoá (từ 1836). Đường bộ thì gần đây tôi mới biết. Từng có một con đường bộ xuyên rừng từ Bến Trường về thành phủ Tây Ninh, nay là thành phố Tây Ninh. Con đường cổ ấy nay chính là đường từ thành phố Tây Ninh theo đường 781 đến thị trấn Châu Thành.
Tới ngã tư đầu thị trấn thì rẽ phải đi sang ấp Suối Dộp, xã Thái Bình. Khi gặp một địa danh dễ sợ là ngã ba Sọ, lại có đường nhựa đi lên qua cầu là tới xã Hảo Đước. Chính nhờ con đường này mà vào ngày 19.5.1950, kỷ niệm 60 năm sinh nhật Bác Hồ, người dân vùng thị xã Tây Ninh đi lên ấp Bàu Sen dự lễ mừng thọ Bác. Điểm làm lễ của chính quyền cách mạng tỉnh Tây Ninh lúc ấy, về sau được gọi là sân lễ Bác Hồ.
Dù vậy, đoạn trích trong “lược sử” kia cũng chưa làm rõ được chữ Trường. Tôi đã được vài vị lão thành ở huyện giải thích đấy là “Trường giao việc quân”. Hoặc có thể là Trường trong “thao trường”- nơi để rèn quân, luyện võ. Dù là gì đi nữa, Bến Trường cũng đã từng là một địa danh lịch sử ở Tây Ninh. Và cũng chẳng phải là vô tình, khi di tích Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành thời chống Mỹ cũng nằm ngay ở ấp Trường, cách bến Trường chỉ gần cây số.
Vào tháng 4 năm 2018, tôi đã trở lại Bến Trường dù chẳng có lý do gì cả. Chỉ là đi xe máy mà ngắm con đường qua ngã ba Sọ ngày xưa. Rồi lên ngắm hoa me tây rụng đầy mặt nước Bến Trường. Lên rồi mới nhớ bến xưa từng có một chiếc lò gạch cũ. Nay chỉ còn lại vài ngôi nhà bên cạnh bến sông, chắc là của những người thợ gạch năm xưa.
Cậu bé con chủ nhà, độ 12 tuổi hăm hở mời tôi xuống chiếc vỏ lãi, rồi giật dây máy koler cho xuồng chạy ào ào trên mặt nước. Ra giữa dòng rồi nhìn vào mới biết, khu bến còn tới 3 cây me tây cổ thụ. Cây nào cây nấy vẫn căng vồng vòm lá khổng lồ xanh đẫm. Vậy mà lúc còn trên bến, thuận nắng mặt trời lại thấy tàn cây rừng rực hồng như một chiếc dù hoa. Bên kia sông, là những cánh đồng vàng rực của xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.
Kênh máng ở ấp Trường.
Vâng. Hoà Hội chính là nơi đầu tiên cây cầu máng trườn qua, đem nước lòng hồ về các xã hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Đúng 50 năm về trước, Hoà Hội cũng được đón giống lúa miền Bắc gửi vào theo con đường Trường Sơn máu lửa. Bà con nông dân vùng giải phóng Hoà Hội loan tin cho nhau, đây là giống lúa Bác Hồ gửi vào Nam.
Vậy nên gọi luôn là giống lúa Bác Hồ. Họ nâng niu gieo trồng với hy vọng Bác sẽ vào thăm. Mùa gặt đầu tiên giống lúa ấy vào cuối năm 1969 bội thu, nhưng chén cơm thơm đầu tiên lại là để dâng lên cúng anh linh của Bác (theo Lưu Quang Huyền- sách Những dấu ấn của một thời hào hùng, NXB Thanh niên năm 2000)…Đã không kịp nữa rồi, cho người dân Hoà Hội đón Bác về thăm, như Người từng ước mong tha thiết.
Ta đã về đây, Hảo Đước, Bến Trường ơi! Lòng tôi cứ muốn gọi to một câu như thế, khi đã lên đến công trường của dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ. Một con đường còn tươi nguyên màu đất mới băng ra tới tận bờ sông. Hì hục, một chiếc xe cẩu đang bốc dỡ từng cây cột thép to đùng. Xe chỉ chở được từng cây từ bãi ven sông, rồi chạy vào trong bốc xuống chuẩn bị làm móng cho đoạn cầu vượt cuối cùng trước bờ sông.
Ngày 18.5, thứ bảy mà ở đoạn nào cũng thấy công nhân và xe máy thi công. Đã vào mùa mưa rồi, không gấp làm sao được khi mà Ban quản lý dự án quyết tâm rút ngắn thời hạn thi công, để sớm được một năm. Thợ bốc xếp cột móng cho biết, mỗi cây cột này dài 17m và nặng trên 5 tấn. Trong khi chờ rải cột thì trụ búa máy im lìm đứng sát bờ sông.
Nhưng, trong hố móng của chân cầu vượt, vẫn có những công nhân đang hối hả làm, cùng một chiếc xe đào đang ngoạm từng khối đất. Anh xe lu vẫn bền bỉ và kiên nhẫn, lầm lũi tiến lui trên những đoạn đường vừa đổ đất. Nhảy xuống một con phà cặp sát bờ, mới thấy những cây cọc đầu tiên vừa được đóng trên sông, giữa bát ngát lục bình. Mấy bác thợ búa máy lui vào chiếc lán thi công trốn nắng.
Các anh cho hay, đoạn sông này rộng hơn 110m, sẽ đóng xuống bốn hàng trụ móng đỡ cây cầu máng vượt sông. Trụ móng giữa sông, phải nối hai cột vào làm một, có chiều dài 34m. Kỹ sư chỉ huy công trường cũng vừa đi tới. Anh cho biết cây cầu máng này còn có đường cho người và xe máy đi qua. Ôi chà! Lúc ấy thì thích nhỉ, khi ta có thể đi trên mấy mét chiều cao mà sang sông Vàm Cỏ, để tầm mắt thoả sức nhìn ra bốn phía.
Chung quanh công trường lúa vụ Hè Thu vẫn đang xanh mơn mởn, có khoảng lại vàng mơ. Bên kia sông Hoà Hội cũng thế, miên man một màu xanh nõn chuối. Trời đậm đà xanh rực nắng mây trôi từng đám. Quả thật là gặp cảnh này thì tâm hồn ai cũng ngân lên câu ca “bèo dạt, mây trôi”.
Rời bến sông, nơi có cầu vượt qua sông phải xuôi xuống phía hạ lưu hơn 1km, nhưng vẫn thuộc ấp Trường, Hảo Đước. Từ bến sông đi ngược lại phía tuyến kênh máng đã và đang còn tiếp tục thi công, bắt gặp những khối bê tông nằm dài thẫm thượt trên những hàng trụ và đà bê tông. Tuỳ địa hình mà có nơi đáy máng cao lên từ một đến hai, ba mét.
Công nhân vẫn có mặt trên từng công đoạn. Nơi còn đang buộc cốt thép, nơi đã tháo ván khuôn, lộ ra những mảng bê tông đúc nuột nà màu xám sáng. Dường như bên phía ấp Trường, con đường để kênh máng đi qua đã hoàn toàn “thông tuyến”. Chỉ còn lại một vườn cao su rộng vài chục mét. Chắc là chủ vườn còn đang thắc mắc gì chăng! Nhưng rõ ràng và chắc chắn là đã có một con kênh máng dài thượt vài cây số xuyên qua ấp Trường, với kích thước khổng lồ. Tiết diện kênh máng chữ nhật, rộng chừng 4m và cao khoảng hơn 3m.
Sẽ có một ngày, dòng nước cuồn cuộn chảy qua đây, vượt sông Vàm Cỏ Đông đem hàng triệu m3 nước mỗi ngày cho các xã phía Tây sông. Sâu nữa bên trong, đoạn cắt ngang con đường về thị trấn lại gặp những tốp thợ đang “bê tông hoá” con kênh chuyển nước vắt ngang đường. Biện pháp đơn giản mà hiệu quả. Chặn lại từng đoạn, bơm nước ra rồi đặt cốt thép, đổ bê tông bề mặt trong lòng con kênh đất. Có cả một trạm trộn bê tông dựng lên phục vụ công trường. Cái trụ “xi lô” cao vọt lên như một điểm nhấn kiến trúc màu cam giữa màu xanh của đồng quê Hảo Đước; đã từ lâu nổi tiếng về các loại cây trồng mới hiệu quả cao như cây huệ trắng, bên cạnh những loài cây truyền thống như mì, mía, cao su…
Bê tông hoá kênh chuyển nước.
Người vui nhất mà tôi gặp ngày trở lại ấp Trường lại là một người không được hưởng lợi gì từ con kênh máng. Không những thế, anh lại “mất” đi vài công ruộng nhường chỗ cho công trường. Gặp được anh vì giữa công trường mênh mông nắng gió cặp bên sông ấy chỉ có duy nhất căn lều trông ruộng của nhà anh. Lều kiểu sàn, vách dựng mái lợp tôn đứng thoi loi trên bờ một triền sông vắng.
Ấy là trước kia, còn nay thì vui lắm! Có cả một công trường rộn rã ở kề bên. Căn lán đơn sơ của anh cũng có bụi gừa phía sông, cây dừa phía trước, bụi tre bên hông cùng giàn mướp hoa vàng. Trông nên thơ lắm! Nó sẽ càng nên thơ hơn khi công trình cầu máng vượt sông hoàn thành, đưa một dòng sông cuồn cuộn chảy sang sông.
Ghi chép: Nguyễn Quốc Việt