BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về lại nơi những người thợ ngã xuống

Cập nhật ngày: 05/06/2011 - 12:44

Xúc động, bồi hồi là tâm trạng chung của hơn 50 cán bộ, công nhân nông trường Phước Vinh trong ngày trở về họp mặt trên miền đất ven biên giới Tây Nam vào sáng 4.6.2011. Nơi đây 35 năm trước họ từng cùng nhau sống, chiến đấu và sản xuất. Cuộc họp mặt này là lần thứ 7, kể từ năm 2003, để tưởng nhớ những người đồng chí, đồng nghiệp đã mãi mãi nằm xuống trong cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt năm xưa. Kể từ đó, ngày 5.6 hằng năm được chọn làm ngày họp mặt truyền thống, cũng là để ghi dấu cái đêm định mệnh ngày 5 rạng sáng 6.6.1978: bọn Pôn Pốt-Iêng Sary bất ngờ tấn công vào nông trường Phước Vinh (tên hồi đó là Nông trường Tà Băng) đóng trên địa bàn ấp Tà Nòn (nay là ấp Phước Thạnh) thuộc xã Phước Vinh giết hại 8 người thợ vô tội. Trong số những người ngã xuống chưa ai quá tuổi 20. Đến nay tất cả đều đã được truy tặng liệt sĩ.

Nông trường Phước Vinh được thành lập từ ngày 1.5.1976 làm nhiệm vụ sản xuất lúa và chăn nuôi heo. Ngày ấy nơi này chỉ có rừng và rừng, hai bên toàn đường đất đỏ lầy lội, gập ghềnh, nhỏ hẹp. Gần 300 cán bộ, công nhân, nhân viên nông trường đã kiên trì bám trụ để làm nhiệm vụ trong suốt 10 năm với biết bao vất vả, gian lao của thời kỳ bao cấp.

Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ

Năm 1986, nông trường Phước Vinh được giải thể, cơ ngơi chuyển giao cho địa phương sử dụng. Những cán bộ, công nhân mỗi người phiêu bạt một nơi, tự tìm một công việc khác để sinh sống. Mỗi năm họ lại tề tựu về cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa…

Nơi đặt các cơ quan làm việc ngày xưa, bây giờ là Trường tiểu học Phước Thạnh. Bên phải dãy lầu đang hình thành vẫn còn dãy phòng trệt cũ kỹ, lợp tôn xi măng  thấp lè tè - dấu tích còn lại của văn phòng nông trường ngày xưa. Khu rừng hoang dã với những khoảnh đất lầy lội, ngập nước ngày nào nay đã thành khu dân cư với nhiều mái ngói mọc lên.

Đến thăm nơi mình từng làm việc, cụ Lê Văn Vân, năm nay đã 91 tuổi, từng là phó giám đốc nông trường cùng ông Trần Quang Vinh, nguyên Chủ tịch công đoàn nông trường và vài người khác không ngăn được xúc động khi quá khứ như chợt hiện về theo mỗi bước đi. Những cán bộ, thợ lái máy, kỹ sư nông nghiệp, những dì, những chị làm những công việc khác nhau ngày ấy, giờ ai cũng đã hai màu tóc. Mọi người tay bắt, mặt mừng, bồi hồi nhắc lại chuyện xưa. Bên cạnh cụ Vân còn có các cụ Nguyễn Thành Vinh, Võ Văn Đua, nguyên Phó giám đốc nông trường, nay đều đã ngoài 80.

Giây phút gây nhiều xúc động nhất là lúc những nhân chứng sống bồi hồi ôn lại cái đêm kinh hoàng 5.6.1978. 1 giờ 45 phút, tiếng súng của bọn Pôn Pốt bắt đầu bắn vào nông trường, những dãy nhà bốc cháy. Cán bộ, công nhân nông trường quyết liệt chống trả như những người lính. 8 người thợ đã ngã xuống, trong đó có chị Nguyễn Thị Giang đang mang thai. Sắp tới, ngay trên khu vực nông trường cũ, một bia tưởng niệm sự kiện trên sẽ được dựng lên theo nguyện vọng của nhân dân địa phương và những người thợ từng gắn bó với nông trường.

Buổi họp mặt kết thúc nhưng lời tâm sự của cụ Lê Văn Vân vẫn lắng đọng trong lòng mọi người: “Dù ở đâu, làm việc gì  các bạn hãy sống xứng đáng với tư cách của người thợ, với sự hy sinh của những đồng nghiệp năm xưa”.

PHAN KỶ SỬU - KIM SINH