Đọc báo in
Tải ứng dụng
Về lại Phước Giang
2009-08-31 06:03:00

Mùa mưa, nhất là những hôm mưa dầm mặt đường trơn trợt đất bám cứng bánh xe, không chạy được. Bà con bày tỏ: “Nhà nước có thương thì thương cho trót”, xin hãy giúp dân nâng cấp mặt đường đê bao bằng sỏi phún, để có thể lưu thông dễ dàng hơn.

Về thăm Phước Giang, một ấp vùng bưng biền sông nước, nằm bên bờ hữu dòng sông Vàm Cỏ Đông (thuộc xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng) lần này tôi hết sức bất ngờ và rất phấn khởi. Tôi cứ ngỡ như lần trước, muốn đến được ấp phải gửi xe trong giồng rồi xuống ghe đi theo các dòng kênh. Lần này người dẫn đường dùng xe mô tô đưa chúng tôi đi một mạch từ trụ sở UBND xã cho đến tận Trường tiểu học Phước Giang trên con đường đê bao tiểu vùng. Con đường đê tuy còn hơi gồ ghề và phải qua cầu ván, song xe máy vẫn chạy được. Đi trên đường, chúng tôi gặp nhiều nông dân đi mô tô ngược chiều từ ấp Phước Giang ra. Đi ngang qua những ngôi nhà cặp bờ kênh, tôi thấy có những chiếc xe mô tô đời mới dựng trước sân. Dọc đường, những đám ruộng trong vùng đê bao có nơi còn đang thu hoạch lúa hè thu, có nơi đã xuống giống vụ mùa, lúa đang lên xanh mơn mởn.

Cầu Rạch Lò (do Đoàn thanh niên hỗ trợ) nối liền hai bờ đê bao cũng là hai con đường giao thông của ấp Phước Giang.

Người công dân ấp Phước Giang đầu tiên tôi trò chuyện là một nông dân thuộc thế hệ 8X, tên Nguyễn Tấn Hùng (sinh năm 1980). Hùng vui vẻ cho biết chỉ cách đây vài năm, anh không bao giờ dám nghĩ đến việc mua xe mô tô và cứ tưởng cả cuộc đời mình chỉ biết lên ghe, xuống xuồng mỗi khi muốn đi đâu đó, mặc dù trong nhà không phải thiếu tiền sắm xe. Vậy mà nay Hùng đã cưỡi xe mô tô rành rẽ và cũng có giấy phép lái xe như mọi người. Hùng cho biết thêm, từ nhà đến trụ sở UBND xã chỉ cách khoảng 5 cây số. Nhưng trước đây mỗi lần về xã chứng giấy tờ, nếu suôn sẻ cũng mất cả ngày, vì phải đi hai chặng đường. Trước hết là đi ghe theo kênh Rạch Lò vào trong giồng (ấp Phước Tân, xã Phước Lưu) khoảng 2 cây số, nhưng gặp lúc lục bình cản lối thì chèo chống gian nan. Vào tới bìa giồng, gửi ghe rồi cuốc bộ chừng… 3 cây số nữa mới tới trụ sở làm việc của xã. Cũng vì đường đi lại gian nan cách trở mà Hùng không có điều kiện đi học lên cấp 2, mới học xong lớp 5 đành phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Bây giờ đường sá thuận lợi, sau này anh quyết cho con đi học tới cùng. Về sản xuất, nhà Hùng có 2,5 ha ruộng. Trước đây làm mỗi năm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, còn vụ lúa mùa (vụ 3) thì bỏ đất trống vì sợ lũ lụt. Nay thì ruộng nhà Hùng đã làm được 3 vụ trong năm. Và tất nhiên thu nhập cũng tăng lên, cuộc sống gia đình sung túc hơn. Hùng cũng dự định đào ao nuôi cá, nhưng thấy nước ruộng còn nhiều phèn quá nên chưa dám nuôi. Trước khi chia tay, Hùng còn chỉ cho chúng tôi một nhà máy nằm cặp bờ kinh và cho biết sau khi có đê bao, có người đã đầu tư làm nhà máy sấy lúa. Có dịch vụ sấy lúa, vào mùa mưa bão nông dân ở đây không lo tình trạng lúa lên mộng vì không phơi được.

Người thứ hai mà tôi tiếp xúc là thầy Trầm Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Giang, người gắn bó lâu đời với ngôi trường này. Khác hẳn trước đây, Trường TH Phước Giang hôm nay được xây mới, tôn nền rất cao. Thầy Vân cho biết, từ khi có đê bao kết hợp làm đường bộ học sinh đến trường rất thuận lợi, phụ huynh không phải chèo xuồng đưa các em đi học nữa, đồng thời năm học vừa qua và năm học này trường không phải lo cho học sinh học “tránh lũ” nữa (nhập học trước ngày khai giảng, khi có lũ sẽ nghỉ bù) thầy Vân cho biết thêm, điều đáng mừng nhất là có đê bao tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh đi học lên cấp 2, cấp 3. Trước đây khi học xong lớp 5, một số em phải vượt sông Vàm Cỏ Đông sang học nhờ trường THCS An Thới (xã An Hoà). Số khác do không có điều kiện đành phải nghỉ học. Nay thì khỏi phải lo, học xong lớp 5, các em dễ dàng đi xe đạp vào học trường THCS của xã nhà.

Anh Hùng, thầy Vân nói trên và tất cả những người dân Phước Giang đều rất phấn khởi với việc Nhà nước quan tâm làm đê bao tiểu vùng ở ấp Phước Giang. Tuy nhiên bà con ở đây rất mong con đường đê được tốt hơn nữa. Bởi con đường đê hiện nay là đường đất sét đen móc từ dưới kênh lên. Mỗi mùa mưa, nhất là những hôm mưa dầm mặt đường trơn trợt đất bám cứng bánh xe, không chạy được. Bà con bày tỏ: “Nhà nước có thương thì thương cho trót” xin hãy giúp dân nâng cấp mặt đường đê bao bằng sỏi phún, để có thể lưu thông dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Thành Nhân -Trưởng ấp Phước Giang cho biết: ấp có 208 hộ, với 926 nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên 310 ha, trong đó có 304 ha đất nông nghiệp. Trước đây chưa có đê bao nông dân chỉ sản xuất một năm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, còn vụ mùa bỏ không vì sợ ngập úng. Từ khi có đê bao đến nay, nông dân chủ động trong sản xuất, nhiều hộ bắt đầu làm 3 vụ lúa. Cũng từ khi có đê bao một số nông dân chuyển đổi cây trồng bằng cách dành ra một số diện tích ruộng trồng rau nhút và nuôi bèo bán cho người nuôi cá, một số hộ làm lúa kết hợp nuôi cá, thu nhập tăng lên rõ rệt. Đặc biệt đê bao còn là đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng hết sức thuận tiện. Từ khi đê bao ấp Phước Giang và đê bao ấp Phước Tân nối liền nhau và nối liền với đường giao thông nông thôn trong giồng, đồng thời còn có những chiếc cầu qua các con kênh, giao thông đường bộ ở Phước Giang bây giờ khá thuận lợi. Từ đó nhiều nhà mua xe gắn máy, việc mà từ trước đến nay chưa từng có ở miền sông nước này. Chỉ sau một năm sau khi đê bao hai ấp Phước Giang và Phước Tân hoàn chỉnh và lưu thông đường bộ được, đã có đến 90% hộ dân trong ấp sắm xe gắn máy. Đặc biệt số xe gắn máy còn nhiều hơn số nhà, vì có nhà sắm đến hai, ba chiếc. Đến nay 100% hộ dân ở đây đã có điện lưới quốc gia sử dụng, 100% hộ dân xài giếng khoan.

Nông dân Phước Giang thu hoạch lúa hè thu.

Một cán bộ lãnh đạo xã Phước Lưu cho biết, đê bao tiểu vùng ở Phước Giang được chia làm 2 đoạn. Đoạn của ấp Phước Giang làm năm 2006, với kinh phí 171 triệu đồng, đoạn thứ hai thuộc hai ấp Phước Giang và Phước Tân làm trong 2 năm 2007 -2008, với kinh phí 534 triệu đồng. Đê bao hoàn chỉnh nối liền với đường giao thông nông thôn trong giồng từ tháng 8.2008. Để đê bao thành đường giao thông trong toàn ấp, nhân dân đã đóng góp cùng Nhà nước làm 9 chiếc cầu ván (mỗi chiếc khoảng 2,5 triệu đồng) và Tỉnh đoàn Thanh niên hỗ trợ xây một chiếc cầu bê tông bắc qua kênh Rạch Lò.

Về Phước Giang lần này, tôi không quên lần về thăm Phước Giang gần mười năm trước, trong mùa lũ lớn. Lúc ấy Phước Giang là một hòn đảo gần như chìm trong nước. Nhiều hộ dân phải sơ tán vào trong giồng. Để mưu sinh trong mùa lũ, nhiều người phải lặn ngụp trong những đám ruộng ngập nước để nhổ rau hẹ đi bán kiếm sống. Một số khác đi hái cà na, săn chuột, lưới cá… Khi ấy chiều xuống cả cánh đồng Phước Giang nhuộm một màu vàng của hoa rong, loài hoa dại mọc tràn đầy trong mùa nước lũ. Hồi ấy tôi đã từng ước mơ làm sao biến cái màu vàng hoa rong thành màu vàng lúa chín thì bà con vùng này đỡ khổ biết mấy. Và ước mơ ấy, nay đã thành hiện thực.

DUY HUÂN

Từ khóa:
Tin liên quan