Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về lại Tua Hai
Thứ tư: 08:42 ngày 17/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiến thắng Tua Hai là chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới “đi bằng hai chân, giáp công bằng ba mũi”.

Bà Lê Thị Luỹ, ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành- nhân chứng trong trận đánh lịch sử Tua Hai.

Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến- nguyên Trưởng ban Quân sự miền Đông, Chỉ huy trưởng trận đánh Tua Hai cho biết: “Chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi ở Tây Ninh sau chiến thắng Tua Hai có một đóng góp lớn, là một trong 3 trung tâm đồng khởi ở miền Nam lúc bấy giờ (Tây Ninh cùng với Bến Tre và Quảng Ngãi). Nhưng tầm vóc của chiến thắng Tua Hai mang một sắc thái riêng, rất đặc thù, rất độc đáo”.

 

Trong những năm đầu chống Mỹ, cách mạng miền Nam thực sự khó khăn để tìm ra phương pháp và hình thức đấu tranh chưa có tiền lệ. Song, theo lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Hãy làm đi rồi thực tiễn sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ sự vật hơn nữa và sẽ tìm ra quy luật phát triển của sự vật”.

Với đường lối chủ trương sắc bén và hình thức đấu tranh linh hoạt, Đảng đã chỉ ra con đường cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là độc lập, tự chủ, sáng tạo, giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ của Xứ uỷ Nam bộ, cần tập trung lực lượng đánh một trận lớn để mở màn phong trào vũ trang Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ, Ban Quân sự miền Đông xây dựng quyết tâm chiến đấu tiến công Căn cứ Tua Hai.

Phương án tác chiến là sử dụng lực lượng đặc công, bí mật đột nhập dùng trái nổ diệt sở chỉ huy, đồng thời, các đơn vị bộ binh đồng loạt xung phong trên các hướng tiêu diệt các mục tiêu còn lại. Nhiệm vụ được giao cho các Đại đội 59, 60, 70, 80 và 2 trung đội vũ trang tỉnh Tây Ninh. Tổng quân số 300 người cộng với hơn 300 dân công phục vụ.

Ngày 25.1.1960, các lực lượng vũ trang ở Tây Ninh cùng quân chủ lực đã đứng lên giáng một đòn sấm sét lên đầu Mỹ - Diệm tại Căn cứ Tua Hai- Tây Ninh, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn nguỵ; bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 500 tù binh, thu hơn 1.200 vũ khí các loại.

Sau 57 năm, những nhân chứng sống của cuộc tập kích chấn động ở Tua Hai hầu hết không còn nữa, chúng tôi chỉ tìm gặp được bà Lê Thị Luỹ, ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Cả hai vợ chồng bà Luỹ năm xưa đều trực tiếp tham gia trận đánh Tua Hai.

Chồng bà là ông Giáp Văn Chiều (Tư Nhỏ), đã hy sinh năm 1968, còn bà nay đã gần tám mươi tuổi, tuy già yếu, bệnh tật nhưng khi được hỏi về trận đánh Tua Hai, mắt bà lại sáng lên hào hứng: “Mình tấn công ba mũi, một mũi từ Giồng Cà vô.

Lúc đó, chồng tôi là chiến sĩ giao liên, nắm được sơ đồ, địa bàn của đồn bót, trực tiếp dẫn đường một mũi tấn công. Còn tôi tham gia với vai trò dân công vào vác súng đạn, chiến lợi phẩm. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang, lớp tháo chạy khỏi căn cứ, lớp đầu hàng, một số cũng bắn trả ta quyết liệt.

Bộ đội ta vào kho lấy súng đại liên của địch bắn áp chế hoả lực chúng để đơn vị đánh chiếm và bảo vệ dân công vào thu chiến lợi phẩm. Lúc đó, súng đạn vẫn nổ rền nhưng không ai sợ, cứ thấy súng đạn là mê, nên vẫn cố vượt qua hàng rào vác chúng chạy ra ngoài bỏ lên xe bò chở đi, mặc kệ ai nấy áo quần rách te tua”. Giọng bà trở nên ngậm ngùi: “Những người tham gia đánh trận Tua Hai giờ không còn ai nữa, mấy năm trước còn anh Năm Tú, Bảy Tố, giờ hai anh cũng mất rồi. Chỉ còn anh Tư Dần nay yếu lắm, không biết còn sống được bao lâu nữa”.

 Chiến thắng Tua Hai là chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới “đi bằng hai chân, giáp công bằng ba mũi”.

Ngày nay, Khu di tích Chiến thắng Tua Hai là một địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi này được thường xuyên chăm sóc, bảo vệ. Anh Nguyễn Phúc Lộc- người làm nhiệm vụ bảo vệ khu di tích đã 8 năm nay cho biết, hằng năm, có hàng chục đoàn khách đến thăm khu di tích này, chủ yếu là học sinh các trường trong tỉnh.

Trở lại quê hương Đồng Khởi- Tua Hai những ngày đầu năm mới, tôi nhìn thấy vùng đất này đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhà cao tầng mọc lên, đường làng, ngõ xóm được trải nhựa hoặc bê tông. Những cánh đồng mía, lúa, bắp, đậu phộng khoe một màu xanh bát ngát. Quê hương Đồng Khởi đã thực sự chuyển mình.

Hương Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục