Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về làng Sen viếng Bác
Thứ bảy: 06:16 ngày 19/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù mới đến lần đầu nhưng tôi cảm thấy rất đỗi thân quen. Bởi hình ảnh ngôi làng thân thương gần gũi đã in sâu trong tâm thức mọi người. Thời gian đã qua lâu, nhưng những cảnh vật xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ gần như vẹn nguyên.

Nhà Bác ở Làng Sen. Ảnh: Ð.H.T

Những ngày cuối tháng tư, Nam bộ vẫn còn nắng như đổ lửa, nhưng trời miền Trung biển động, có mưa, trời se lạnh. Cái rét nhẹ nàng bân đủ cho những du khách từ Nam bộ ra súng sính áo khoác, khăn choàng. Ước mơ một lần được về thăm quê Bác của tôi đã thành hiện thực, dù có muộn màng đến gần tuổi sáu mươi.

Trời mưa nặng hạt, từ Cửa Lò, đoàn xe của Hội Nhà báo Việt Nam đưa chúng tôi ngược về Nam Ðàn để đến làng Sen- quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906).

Như hiểu được lòng của Bác luôn thương con cháu nên xe vừa đến nơi trời chỉ còn mưa bay lất phất. Xuống xe, mọi người quây quần dưới gốc cây đa, sân vận động, nơi Bác Hồ đã gặp gỡ và trò chuyện với dân làng trong những lần về thăm quê, năm 1957 và 1961.

Ðường vào nhà Bác đẹp đến lạ lùng! Ðầu làng có một hồ sen hương thơm toả ngát, đi qua hồ sen là giếng Cốc. Nơi đây thuở nhỏ Bác thường ra lấy nước, câu cá, vui chơi cùng bạn bè. Hai hàng dâm bụt ven đường dẫn lối vào nhà Bác xanh mướt.

Dù mới đến lần đầu nhưng tôi cảm thấy rất đỗi thân quen. Bởi hình ảnh ngôi làng thân thương gần gũi đã in sâu trong tâm thức mọi người. Thời gian đã qua lâu, nhưng những cảnh vật xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ gần như vẹn nguyên.

Chị hướng dẫn viên với chất giọng miền Trung trầm ấm, chậm rãi đưa chúng tôi trở về miền ký ức tuổi thơ của Bác Hồ: Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, dân làng Sen đã dựng ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ.

Lúc đó, cả gia đình Bác đang ở làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại làng Sen. Ngôi nhà này gắn với tuổi thơ của Bác Hồ từ năm 11 đến 16 tuổi. Ngôi nhà gỗ 5 gian mái tranh giản dị, kế bên là nhà ngang dùng làm sinh hoạt và bếp, điển hình ở làng quê nông thôn Việt Nam thời bấy giờ.

Gian giữa nơi thờ cúng tổ tiên và tiếp khách còn treo tấm biển do vua Thành Thái ban cho cụ Nguyễn Sinh Sắc khi cụ đỗ phó bảng, đề 4 chữ: “Ân tứ ninh gia” (ơn vua ban cho gia đình)...

Những đồ đạc trong nhà phần lớn đều do dân làng tặng đến nay gần như nguyên vẹn như chõng tre, tấm phản gỗ, sập gỗ, chạn bát bằng tre chum, sành đựng nước...

Quang cảnh xung quanh nhà mang một vẻ đẹp thanh bình, đầy sức sống với một màu xanh êm đềm của thiên nhiên. Luỹ tre xanh bên hông nhà. Hàng cau đứng sau vườn. Cây cam trĩu quả trước sân. Vườn rau lang xanh tốt dưới mưa. Hàng rào dâm bụt dẫn lối đi vào thẳng tắp...

Tất cả như còn hơi ấm của Người đang từng ngày chăm sóc, vun trồng. Phong cảnh nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc.

Ngôi nhà tranh đơn sơ mộc mạc ghi dấu tình làng, nghĩa xóm, là nơi học tập, trưởng thành; là nơi nuôi nấng cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước thương nòi và ý chí độc lập dân tộc của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Vào viếng Bác tại nhà tưởng niệm di tích làng Sen.

Ðến đây, chúng tôi còn được thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết của gia đình Bác thời đó như nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm- ông nội Bác Hồ mới được phục dựng sau này.

Trong cụm di tích lịch sử Kim Liên được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, ngôi nhà là quan trọng nhất cùng với nhiều hạng mục kiến trúc khác đã được nâng cấp, tôn tạo nhiều lần, với những kiến trúc mới như khu hành lễ, nhà lưu trữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích lịch sử Kim Liên là một trong bốn khu di tích quan trọng nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia từ năm 1979.

Tạm biệt làng Sen ra về, trời mưa nặng hạt, lòng vẫn lưu luyến, bồi hồi những kỷ niệm về Việt Nam. Bất chợt ngồi trên xe tôi ngâm nga những câu thơ của Tố Hữu khi viết về Người mà mãi đến năm 2000, khi tham dự cuộc thi báo cáo viên xuất sắc toàn quốc, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của nó.

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta,

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy,

Như dòng sông chảy nặng phù sa”.

(Trích trường ca Theo chân Bác - Tố Hữu)

Hương Giang

Báo Tây Ninh
xem thần số học miễn phí
Tin cùng chuyên mục