Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép
Về Long Giang
Thứ hai: 18:16 ngày 10/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Diện mạo vùng quê Long Giang đã đổi thay kỳ diệu so với trước kia, thực sự khởi sắc để chào đón mùa xuân. Người dân Long Giang đã và đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và tôi tin chắc điều này sẽ sớm đạt được.

Ngôi đình Long Giang mới vừa tu bổ vỏ ca và sân đình.

Từ thành phố Tây Ninh, theo tỉnh lộ 786 qua cầu Gò Chai, chạy thêm khoảng 10 cây số nữa là đến ngã ba xã Long Giang, huyện Bến Cầu. Ðây là trung tâm của xã, có đông dân cư sinh sống, thuộc ấp Bảo và ấp Xóm Khách. Hầu hết trụ sở làm việc của UBND và các cơ quan, ban, ngành xã đều toạ lạc tại khu trung tâm này.

Các khối nhà cơ quan đều được xây dựng khang trang, mới mẻ, nhất là khu khối Vận vừa được xây mới hoàn chỉnh. Cách đó hơn trăm mét là ngôi đình- một di tích lịch sử văn hoá cũng mới được tu bổ vỏ ca. Sân đình thì mới ủi san lấp mặt bằng, còn in dấu xe lăn bánh. Có thể đây là những công trình được hoàn tất để kịp đón năm mới 2019.

Khi tới ngã ba Long Giang, rẽ phải theo con đường nhựa phẳng phiu, chạy bon bon khoảng một hay hai cây số là khu dân cư ấp Cao Su và Long Tân. Vào năm 1998, ấp Long Tân là khu dân cư đăng ký thực hiện xây dựng đạt chuẩn ấp văn hoá đầu tiên so với 39 khu dân cư ở Bến Cầu, khi cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai ở vùng quê biên giới này.

Ðã chục năm trôi qua, tôi mới có dịp về lại Long Giang, được rong ruổi trên các nẻo đường, dạo quanh thôn xóm. Nơi đây, tôi cùng với anh em đã và đang còn công tác tại xã cho tới bây giờ từng nhiều lần cùng người dân chèo chống con đò để qua sông. Khoảng năm 2006, nhiều con đường ở Long Giang vẫn còn lầy lội, gập ghềnh, nắng bụi, mưa lầy. Chẳng hạn đường Long Giang 3 (tức từ trục đường chính của xã rẽ vào cầu Bàu Tượng),  hay đường Long Giang 2 (đường từ khu dân cư ấp Bảo qua giáp ấp Long Phú, xã Long Khánh)…

Ðiều khó quên, là thời điểm này tôi còn công tác tại xã. Lúc vận động người dân mở rộng đường giao thông, tôi gặp không ít khó khăn. Tôi còn nhớ khi mở rộng nâng cấp con đường Long Giang 5, có vài người dân không đồng tình theo sơ đồ của ngành chức năng đã thiết kế. Ngày thi công, có người dân đứng ra ngăn cản, có người nằm dài trước xe ủi đang lăn bánh…

Anh em ở xã giải quyết không xong, phải chờ anh Ba Khải (anh Võ Hoàng Khải- Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu lúc ấy) đến thuyết phục, bà con mới thấu hiểu, thông suốt. Con đường mới được thi công hoàn chỉnh. Trong ngày nghiệm thu, đông đảo bà con tề tựu về đây trà rượu mừng vui,  con đường vừa thẳng tắp, vừa thuận tiện cho bà con qua lại, vận chuyển lúa thóc dễ dàng, xem như không còn cảnh lầy lội nữa.

Bây giờ, dạo quanh một vòng các nẻo đường ở xã nông thôn Long Giang, tôi thực sự bất ngờ vì sự đổi thay rõ nét. Ðường làng, ngõ xóm được nâng cấp sỏi đỏ, láng nhựa phẳng phiu. Những ngôi nhà tường mọc lên san sát. Khu vực ngã ba Cao Su đã có thêm vài ngôi nhà đồ sộ như biệt thự ở thành phố.

Xa xa ngoài đồng, những chiếc máy gặt lúa đang gặt liên hợp cùng bà con nông dân thu hoạch mùa vàng. Các điểm trường tiểu học, THCS, THPT Huỳnh Thúc Kháng toạ lạc tại Long Giang cũng được đầu tư xây khang trang. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, thuận tiện cho người dân khám chữa bệnh… Ðiều đặc biệt nữa là các nẻo đường ở Long Giang có đặt bảng tên đơn vị quản lý, và đặt dụng cụ chứa rác, bảo đảm giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Tôi quay trở lại trụ sở xã để thăm đồng nghiệp cũ. Vừa bước vào trụ sở khối Vận, tôi gặp anh Võ Văn Thảo, Chủ tịch UBMTTQ xã kiêm Phó Ban chỉ đạo (BCÐ) cuộc vận động TDÐKXDÐSVH niềm nở chào đón. Tôi được biết thông tin về những anh em cán bộ lãnh đạo xã cùng một thời với mình nay đều đã nghỉ hưu.

Những người đã từng gắn bó cùng tôi lặn lội qua những đoạn đường loang lổ nơi xóm, ấp để đến từng hộ dân làm công việc khảo sát, vận động thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư, ấp văn hoá.  Anh Thảo không giấu được niềm vui, khi nói về những đổi thay của xã. Long Giang hiện có 4 ấp, 1. 526 hộ, với 5.986 nhân khẩu, chia thành 61 tổ dân cư tự quản.

Hầu hết người dân nơi đây sinh sống bằng nghề nông; kinh doanh dịch vụ, mua bán nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ 20%. Từ khi phong trào được cấp trên triển khai, BCÐ xã cụ thể hoá các tiêu chí cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, sau đó triển khai rộng khắp tổ dân cư và hộ dân, được người dân đồng tình ủng hộ thực hiện bằng những việc làm thiết thực,  mang lại hiệu quả khả quan, đời sống người dân địa phương ngày một ổn định, nâng cao. 

Những con đường lầy lội năm xưa, ngoài kinh phí Nhà nước đầu tư, người dân địa phương còn đóng góp ngày công, tiền của để tu sửa, nâng cấp, láng nhựa và sỏi đỏ, tạo điều kiện đi lại thuận tiện. Ðiển hình như anh Trang Văn Quốc, 35 tuổi, ngụ ấp Bảo, đã đóng góp 120 xe đất và sỏi phún để sửa chữa, làm mới các tuyến đường Long Giang 7 (tức từ trục đường chính xã rẽ vào khu dân cư ấp Long Tân) dài 1,2km; sửa chữa  đường Long Giang 5 (từ trục đường chính rẽ vào khu dân cư ấp Cao Su) dài 1,5km; sửa chữa đường vào khu dân cư Bàu Tượng dài 1,3km; làm mới con đường vào nghĩa địa Long Giang dài hơn 200m…

Ngôi đình của xã cũng được nhiều người dân địa phương đóng góp đất, đá và các vật liệu khác tu bổ. Trong đó, anh Nguyễn Hoàng Huynh, ngụ ấp Xóm Khách đã đóng góp cả chục triệu đồng để làm vỏ ca ngôi đình và mới đây anh đóng góp tiền của hơn chục triệu đồng nữa để nâng cấp con đường từ tỉnh lộ 786 xuống đình dài hơn 100 mét.

Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn xã còn thường xuyên giặm vá, rong phát cây cối, bụi rậm, nạo vét mương thoát nước các tuyến đường sạch sẽ. Năm 2018, người dân đã đóng góp hơn 17 triệu đồng để giặm vá,  tu sửa con đường từ ngã ba Cao Su xuống khu vực Ba Bàu và đường đi cầu Bù Lu, giáp xã Long Phước. Hay có vị tu sĩ đã đóng góp hơn 100 triệu đồng để nâng cấp đường sá thôn xóm.  Hơn thế, người dân còn đóng góp 177 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn trên 15 tuyến đường nông thôn ở các ấp, tổng chiều dài 10km…

Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo xã đã vận động các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm xây tặng 12 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Các ban vận động ấp cũng tích cực vận động con em đến trường, không có tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng, đảm bảo các em lên lớp 100%;  kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường từ nhà đến đồng ruộng.

Hằng năm, xã có 100% hộ đăng ký gia đình văn hoá, xét công nhận đạt chuẩn từ 90% hộ trở lên; nhiều gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học tiêu biểu, gương Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… Việc chăm lo giải quyết công ăn việc làm cho người dân luôn được lãnh đạo xã chú trọng, phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho người dân nghèo vay vốn sản xuất kịp thời; phối hợp ngành chức năng mở các lớp dạy nghề lao động nông thôn, tạo điều kiện cho lao động trên địa bàn xã có việc làm ổn định.

Ðiều đáng chú ý hơn nữa là vùng quê ấp Cao Su có anh nông dân tay ngang Nguyễn Văn Dũng trở thành một “kỹ sư” sáng chế. Anh Dũng đã từng chế tạo ra dàn cày gắn vào máy xới tay, khi cày xới đã giảm được nhiều thời gian và công suất người lao động, sản phẩm được bà con ưa chuộng. Tiếp đến, anh sáng chế nhiều chiếc máy phóng lúa, gặt đập liên hợp, giúp cho bà con mua về sử dụng giảm được nhiều nhiên liệu so với máy nhập từ nước ngoài… Hiện nay, anh Dũng vẫn không ngừng nghiên cứu, chế tạo thành công máy tỉa hạt bắp để đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Có thể thấy, người dân Long Giang hôm nay đã thực hiện tốt quy ước khu dân cư, giữ gìn nếp sống lành mạnh, phòng chống các tệ nạn xã hội, đời sống ngày một nâng cao. Năm 2018, 4/4 ấp của xã đều đạt chuẩn ấp văn hoá, trong đó, ấp Cao Su, ấp Long Tân và Xóm Khách đạt chuẩn ấp văn hoá nhiều năm liền. Diện mạo vùng quê Long Giang đã đổi thay kỳ diệu so với trước kia, thực sự khởi sắc để chào đón mùa xuân. Người dân Long Giang đã và đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và tôi tin chắc điều này sẽ sớm đạt được.

THUỲ DUNG

Tin cùng chuyên mục