Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Về Long Phước
Thứ năm: 06:13 ngày 16/01/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Chẳng rõ làm sao, sau khi đã đi vòng quanh rừng Nhum 736 ha, ra đến những con đường trục dọc ngang vẫn thấy miên man trời đất một xã vùng biên Long Phước. Đất xung quanh đủ chia ra tới vài ấp: Phước Đông, Phước Trung và Phước Tây. Sau rừng Nhum, thì có lẽ địa danh Bàu Năng là đáng nhớ nhất của chuyến đi này.

Ra khỏi rừng Nhum gặp một con đường phún đỏ chạy ngang. Quẹo phải độ hơn cây số là thấy miếu Bà nằm trong một cụm cây rừng nổi lên giữa miền trời đất bao la thông thống. Có phải đây chính là con đường do chị Năm Mai- Huyện đội trưởng Bến Cầu năm xưa đã chỉ huy dân công, du kích làm trong chỉ một tuần, giúp những cánh quân chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30.4.1975?

Giờ đây, cụm rừng miếu Bà ở cách đường độ 50 mét, phải lần theo bờ ruộng mà vào. Miếu có tường xây, mái tôn hai dốc, mặt bằng 3,2 x 2,7 mét, nền và mảnh sân trước lót gạch tàu nghiêm ngắn. Thú vị hơn là những cây cổ thụ trên khuôn viên đất miếu. Một cây sơn thân lớn hơn một vòng ôm rồi ba cây trâm ở bên hông trái miếu, cây nào cũng lớn hơn cây trâm trên khu mộ Quan Lớn Trà Vong ở huyện Tân Biên. Mà cây trâm trên ấy có tuổi ngang thời ông mất (1782) nghĩa là 230 năm có lẻ.

Vậy ai đã giữ lại cây trâm ở đây, làm nơi dựng miếu Bà? Phải tính toán như thế, vì trên đất tỉnh nhà, những làng ấp xa xưa như An Tịnh, Cẩm Giang, Thanh Điền… đều có miếu Bà Chúa Xứ. Miếu mọc lên như là một sự tạ ơn Bà Chúa của ruộng đồng đã giúp cho lưu dân canh tác thành công trên vùng đất mới. Không ai biết miếu Bà Long Phước có từ khi nào và liệu có phải lưu dân người Việt đã đến khai phá và sinh sống nơi đây từ rất lâu đời?

Với kích thước ấy, miếu Bà Long Phước cũng là ngôi miếu khá lớn. Nhưng ở giữa miền quê, miếu bỗng trở nên lọt thỏm vào không gian bao la và lộng lẫy. Là vì ở ngay sau miếu, cách khoảng hơn 50 mét nữa đã là hồ nước có tên gọi Bàu Năng. Quả là một vùng đất nước đẹp như tranh thuỷ mặc. Bàu nước không tròn trịa, mà luênh loang nhiều góc cạnh như một chiếc lá mướp hoe vàng. Không biết cái ánh vàng ấy là do đâu; do mặt nước loang loáng trong lấp lánh ánh vàng của đất đáy bàu hay của những đám cỏ năng bên bờ nước, hay là những cụm rừng tràm kia đang rộ hoa vàng?

Cảnh vật như thế khiến cò trắng tụ về trắng cả tàn cây, thỉnh thoảng lại bay lên từng đám, như là những cụm mây bông.

Xin trở lại với ý đầu tiên ở đầu bài viết, là miên man một vùng đất trời Long Phước, dù đã có đến 736 ha rừng được khoanh lại bảo tồn. Là vì đất đai Long Phước rộng dài tới 3.289 ha, chỉ xếp sau Tiên Thuận và Long Thuận. Mà dân số đến thời điểm tháng 12.2013 chỉ có 1.743 người (con số mà Bí thư xã cung cấp). Vậy nên đi đâu cũng thấy đất trời thoáng đãng. Nhìn bốn bên, nơi nào cũng ngăn ngắt mía, cao su hoặc cánh đồng vàng bông trong vụ lúa mùa. Hỏi chuyện một nông dân đang gặt trên đồng ấp Phước Trung, anh bảo năng suất vụ này chừng 7 tấn- mà một năm ba vụ.

Nếu đã tới Phước Trung, thì không thể không ghé thăm xóm người dân tộc Thái ở ngay một bên con đường trục Long Giang - Long Phước. Cái xóm nhỏ đã có mười mấy năm qua nhờ xã cấp đất- cả thổ cư và đất ruộng, nên cuộc sống của bà con người Thái nay đã hoàn toàn ổn định.

Nhớ có một lần hỏi thăm một người dân Long Phước về xóm Thái này, sau khi bà con từ miền ngoài vào định cư được vài năm, thì được bảo: Họ chịu khó và cần cù lao động lắm nên có hộ kinh tế đã vững hơn dân tại chỗ rồi! Quả nhiên, nếu không kể đến phần trung tâm xã ở gần với Long Giang, thì xóm Thái này có bộ mặt khang trang nhất so với các xóm khác dọc các tuyến đường thôn, ấp. Đa số đã xây được nhà tường. Có nhà mở rộng ra phía mặt trước, bày la liệt hàng bán lẻ.

Nhiều nhà, phía trước đã có cây to bóng mát, võng mắc đung đưa. Cũng nhiều nhà có trâu, bò thung dung nằm gặm cỏ ngoài sân. Ngay sau xóm nhà là những thửa ruộng, nơi thì lúa đang chín vàng ươm, chỗ thì mía xanh, phất phơ chùm bông trắng.

Qua khỏi ấp Phước Trung là về ấp Phước Đông- nơi cận kề xã Long Giang. Đến đây mới thấy bóng hình công nghiệp qua một nhà máy cao lên giữa ruộng lúa màu. Nhưng ở bên đường còn có một tiểu cảnh quan đẹp như mơ dưới bóng dầu trà beng cổ thụ. Đấy là khu miếu ông Tà, trên một gò đất nhỏ kề bên một bàu nước nhỏ.

Cả đàn trâu và bò quần tụ chung quanh, dầm mình dưới nước hoặc nhai rơm, gặm cỏ. Còn đang trò chuyện với bác nông dân có nhà gần miếu về cây, con giống, mùa vụ… thì bác giơ tay chỉ về nhà máy bảo: cũng sắp nguy rồi, vì nhà máy tái chế vỏ xe ô tô đã thải nước và khói bụi làm cho cây trái, hoa màu ở chung quanh bị thiệt hại ít nhiều, nông dân chúng tôi còn đang theo dõi, nếu tình hình không được cải thiện thì buộc phải… kiện thôi!

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục