Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thổ cẩm Lăng Can đã đi vào thơ, vào nhạc của bao thi sĩ. Câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con bản địa...
Xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) được thiên nhiên phú cho một phong cảnh đẹp mơ màng. Lăng Can còn hấp dẫn du khách hơn nữa bởi nơi đây vẫn giữ được nghề truyền thống trồng bông dệt vải. Thổ cẩm Lăng Can đã đi vào thơ, vào nhạc của bao thi sĩ. Câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con bản địa...
Cứ mỗi độ xuân về, người Tày xã Lăng Can đều tổ chức lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông dệt vải - một cái nghề độc nhất vô nhị của vùng rừng núi Nà Hang. Bà Nguyễn Thị Đán - một nghệ nhân dệt vải ở thôn Bản Kè - khẳng định: “Hoa văn trên thổ cẩm Lăng Can không giống bất cứ hoa văn của dân tộc nào.
Thổ cẩm Lăng Can mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác”. Bà nói: “Phong tục nơi đây quy ước con gái khi về nhà chồng phải có đủ ít nhất 12 tấm chăn bông và 4 tấm chăn đơn. Cô gái nào đảm đang sẽ dệt được nhiều chăn và đó cũng là tiêu chí để đàn ông chọn vợ”.
Tương truyền rằng, ở bản nọ của xã Lăng Can có một cô gái con nhà nghèo, quanh năm làm lụng vất vả không có trang phục đẹp như bạn bè cùng trang lứa để đi trẩy hội ngày xuân, bị chúng bạn chê cười và xa lánh. Thương con, người mẹ chỉ biết an ủi rằng, cố mà trồng bông, dệt cho thật nhiều vuông vải để bạn bè không còn chê cười nữa. Nghe lời mẹ, cô gái ngày đêm cần cù dệt vải, chất cả đầy một góc nhà. Mùa xuân ấy, bản mở hội, cô gái trưng diện những bộ trang phục do tự tay mình làm, cùng mẹ đi trẩy hội.
Bao trai làng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lạ kỳ của cô gái nhà nghèo ấy. Ngày hội năm ấy có một sự kiện làm cả bản xôn xao là hoàng tử chán cảnh sống ở cung đình đã cùng quần thần đi du ngoạn ở vùng sơn cước. Hoàng tử ngất ngây trước vẻ đẹp của núi rừng và vẻ đẹp của những cô gái Tày Lăng Can.
Hoàng tử bèn nảy ra việc tổ chức kén vợ. Thế là, cô gái con nhà nghèo ấy đã lọt vào mắt xanh của hoàng tử, nhưng nàng nhất mực khước từ, xin ở lại bản để được phụng dưỡng mẹ già. Thương người con gái hiếu thảo, hoàng tử ra lệnh cho dân cả vùng phải giữ lấy nghề trồng bông dệt vải.
Lễ hội Lồng Tồng Lăng Can năm nay được tổ chức to hơn năm ngoái. Thế nhưng, nghề trồng bông, dệt vải của Lăng Can đang có nguy cơ thu hẹp dần. Ngay cả đến quần áo may sẵn, vải vóc công nghiệp cũng ê hề ngoài chợ, nên cũng có không ít người không mặn mà với nghề này nữa. Nhưng dù sao vẫn có một dòng chảy ngầm với thổ cẩm Lăng Can, khiến du khách không thể không lưu luyến mỗi khi đặt chân tới đây.
K.D (st)